Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGặp khó khi bán cho Nga - TQ, trái cây Việt Nam...

Gặp khó khi bán cho Nga – TQ, trái cây Việt Nam sang Mỹ lại đắt hàng

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ảnh hưởng chiến sự Nga – Ukraine, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nga có thể gặp khó khăn. Điều đáng mừng là, dù gặp khó ở thị trường Trung Quốc, Nga, nhưng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Mỹ lại có xu hướng tăng.

Thị trường xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm có những diễn biến trái chiều, trong khi xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc giảm, xuất khẩu sang Nga bị tác động do chiến sự Nga – Ukraine thì xuất khẩu sang Mỹ lại có dấu hiệu khởi sắc. Trong ảnh: Chế biến trái cây tại Công ty Long Uyên (Tiền Giang).

Chiến sự Nga – Ukraine khiến xuất khẩu hàng rau quả chế biến sang Nga gặp khó
Thị trường xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm có những diễn biến trái chiều, trong khi xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc giảm, xuất khẩu sang Nga bị tác động do chiến sự Nga – Ukraine thì xuất khẩu sang Mỹ lại có dấu hiệu khởi sắc.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu hàng rau quả chế biến trong năm 2021 của nước này đạt 1,07 triệu tấn, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 15,9% về trị giá so với năm 2020.

Giá nhập khẩu bình quân hàng rau quả chế biến đạt 1.274,2 USD/tấn, tăng 5,9% so với năm 2020.

Năm 2021, Nga nhập khẩu rau quả chế biến nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, ngoài ra, còn tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Belarus, Ba Lan, Hà Lan, Việt Nam, Ý…

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chủng loại rau quả chế biến lớn thứ 6 cho Nga trong năm 2021, đạt 45.300 tấn, trị giá 49,3 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với năm 2020.

“Nga là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam, nhu cầu tại Nga rất cao, đặc biệt là vào mùa đông. Yêu cầu về chất lượng hàng rau quả chế biến nhập khẩu mà thị trường Nga đưa ra không cao như thị trường Tây Âu” – Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Nga nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang Nga đạt 9,5 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, chiến sự Nga – Ukraine khiến xuất khẩu hàng rau quả chế biến sang Nga sẽ gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Chiến sự Nga – Ukraine đã gây ra những ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này. Các đơn hàng với thị trường này đã phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển.

Ngoài ra, việc dừng đơn hàng, không có chuyến bay cũng khiến doanh nghiệp không xây dựng được cước cho đơn hàng của các đối tác.

Việc một số ngân hàng Nga bị cấm tham gia giao dịch quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

“Tuy nhiên, tác động tổng thể đến ngành không cao do hiện nay tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Nga vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 1,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trong 2 tháng đầu năm 2022” – Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Gặp khó khi bán sang Nga- Trung Quốc, rau quả Việt Nam đắt hàng ở Mỹ
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 2/2022 đạt 217 triệu USD, giảm 14,3% so với tháng 2/2021.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 508,7 triệu USD, giảm 9,6% so với năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 261,2 triệu USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2022 việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Việc thực hiện các quy định này vẫn còn gặp nhiều trở ngại do hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Hải quan Trung Quốc mới vận hành, nên tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ tiếng Trung, giao diện khó theo dõi…

Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, xu hướng chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác vẫn được duy trì, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ đạt 39,4 triệu USD, tăng 68,5%, tỷ trọng tăng 3,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm 2021; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 24 triệu USD, tăng 42,1%; Nhật Bản đạt 18,5 triệu USD, tăng 10,2%; Úc đạt 15 triệu USD, tăng 25,2%…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới