Nhiều nước châu Á và châu Âu tăng nhập khẩu vũ khí khi cạnh tranh giữa các siêu cường tăng nhiệt và quan hệ giữa phương Tây với Nga xấu đi.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 14/3 công bố báo cáo so sánh giao dịch vũ khí trên toàn thế giới trong giai đoạn 2012-2016 và 2017-2021.
Theo báo cáo, tổng thương mại vũ khí toàn cầu giai đoạn 2017-2021, bao gồm nhập khẩu và xuất khẩu, giảm khoảng 4,6% so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, châu Á, châu Âu và châu Đại dương lại tăng nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua.
6 trong 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới đến từ châu Á và châu Đại dương.Ấn Độ đứng đầu trong danh sách, chiếm 11% trong tổng lượng nhập khẩu vũ khí. Nhật Bản tăng nhập vũ khí 2,5 lần, đứng thứ 10 trong danh sách.
Một số quốc gia khác nằm trong danh sách này bao gồm Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pakistan. Châu Á và châu Đại dương, hai khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 30 năm qua, nhận 43% lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu năm 2017-2021.
“Căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia châu Á và châu Đại dương là động lực chính cho hoạt động tăng nhập khẩu vũ khí của khu vực”, chuyên gia thuộc chương trình Chuyển giao Vũ khí của SIPRI Siemon Wezeman, cho biết.
Nhập khẩu vũ khí tại các quốc gia châu Âu giai đoạn 2017-2021 cũng tăng 19% so với 2012-2016. Các quốc gia châu Âu chiếm 13% lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu trong giai đoạn này, tăng 3% so với 5 năm trước đó.
Báo cáo của SIPRI cho biết Anh, Na Uy và Hà Lan là những quốc gia mua vũ khí nhiều nhất châu Âu. Nhập khẩu vũ khí tại châu Âu dự kiến tăng lên khi các quốc gia ở châu lục này gần đây đặt hàng lượng lớn vũ khí mới, đặc biệt là tiêm kích Mỹ.
“Quan hệ giữa hầu hết các quốc gia châu Âu và Nga xấu đi là động lực quan trọng thúc đẩy châu lục này nhập khẩu vũ khí, đặc biệt là những nước có nền công nghiệp quốc phòng không thể đáp ứng tất cả yêu cầu của họ”, Wezeman nhận định.
Hoạt động nhập khẩu vũ khí của Ukraine trước khi chiến sự nổ ra là “rất hạn chế” do ngân sách nước này eo hẹp, đồng thời các hãng sản xuất lớn hạn chế nguồn cung cho Kiev do lo ngại làm leo thang xung đột ở khu vực Donbass. Czech là bên cung cấp vũ khí chính cho Ukraine, chiếm 41% kim ngạch nhập khẩu của nước này, tiếp đến là Mỹ với 31%.
Mỹ vẫn là bên cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 39% tổng lượng vũ khí xuất khẩu. Nga và Pháp lần lượt đứng thứ hai và thứ ba, với tỷ lệ 19% và 11%. Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức chiếm hơn 3/4 lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn thế giới.
SIPRI nhận định xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng chủ yếu từ các giao dịch với Arab Saudi, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Mỹ vẫn là bên cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Á và châu Đại dương do xuất khẩu mặt hàng này là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại nhắm vào Trung Quốc”, Wezeman cho biết.