Trung Quốc đã khước từ lên án cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine. Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng tránh bị tác động bởi các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga dù Trung Quốc liên tục gọi các lệnh trừng phạt đó là cách thức thiếu hiệu quả.
Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Tây Ban Nha vào hôm 15/3/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói như sau: “Trung Quốc không phải là một bên trong khủng hoảng Ukraine, và không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến Trung Quốc”.
Bắc Kinh hôm 16/3 cũng hậu thuẫn hoàn toàn các bình luận được Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine đưa ra trước đó: “Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công Ukraine. Chúng tôi sẽ giúp đỡ, đặc biệt là về kinh tế”.
Nỗi lo sợ các công ty Trung Quốc có thể phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ do mối liên hệ với Nga đã góp phần dẫn tới tình trạng bán tháo chứng khoán trong những ngày gần đây. Tình trạng này đã được đảo ngược vào hôm 16/3 khi Bắc Kinh hứa hẹn sẽ theo đuổi chính sách thúc đẩy kinh tế và duy trì ổn định thị trường tài chính.
Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin về việc nước này cởi mở với khả năng cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Nga.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang cố gắng duy trì một sự cân bằng tinh tế, vừa ủng hộ Nga bằng lời, vừa tránh gây bực tức cho Mỹ.
Bắc Kinh và Moscow có chung lợi ích chiến lược trong việc thách thức phương Tây. Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc không thể đánh mất quyền tiếp cận đồng đô la Mỹ (USD) và nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc không thể thiếu công nghệ Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Nga, Trung Quốc vẫn có những ưu tiên khác. Thương mại giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng thương mại của Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Mỹ chiếm phần lớn hơn nhiều, theo các số liệu của hải quan Trung Quốc năm 2021.
Dưới đây là một số giải pháp Bắc Kinh đã thực hiện trong vài tuần qua để “duy trì một sự cân bằng tinh tế”
Để cho đồng rúp rớt giá
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không giao dịch hoàn toàn tự do mà chỉ dịch chuyển trong biên độ do lãnh đạo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định. Thế nhưng tuần trước, các quan chức PBOC đã tăng gấp đôi biên độ giao dịch của đồng rúp, khiến đồng tiền này của Nga rớt giá nhanh hơn.
Đồng rúp đã mất hơn 20% giá trị trước cả đồng đô la Mỹ và đồng euro kể từ khi nổ ra chiến sự Nga-Ukraine. Bằng việc cho phép đồng nội tệ của Nga rớt giá trước đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh đã không hành động theo hướng có lợi cho Nga.
Người Nga sẽ phải trả thêm tiền bằng đồng rúp để nhập các mặt hàng Trung Quốc như điện thoại thông minh và ô tô.
Các thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Xiaomi và Huawei rất phổ biến ở Nga và đang cạnh tranh với các hãng Apple và Samsung để dẫn đầu thị trường Nga trước khi chiến tranh bắt đầu.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như là Great Wall Motor và Geely Auto chiếm tới 7% thị trường ô tô Nga. Các hãng này đã bán được hơn 115.000 chiếc xe vào năm 2021. Do dao động tỷ giá hối đoái, Great Wall Motor đã ngừng cung cấp ô tô mới cho các nhà buôn bán ở Nga.
Hạn chế dự trữ bằng đồng nhân dân tệ
Sự trợ giúp đáng kể nhất mà Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga là thông qua lượng vốn trị giá 90 tỷ USD được cất trữ bằng đồng nhân dân tệ, theo Alicia García-Herrero – nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, trong một báo cáo nghiên cứu hôm 15/3.
Các lệnh trừng phạt đã làm đóng băng khoảng 315 tỷ USD tiền dự trữ của Nga, khi các nước phương Tây đã cấm giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga.
Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov vào tuần này có nói rằng Nga muốn sử dụng nguồn dự trữ bằng đồng nhân dân tệ sau khi Moscow bị ngăn tiếp xúc với đồng đô la Mỹ và đồng euro.
Nếu Trung Quốc cho phép Nga chuyển đổi dự trữ bằng đồng nhân dân tệ thành đồng USD hoặc euro, điều đó rõ ràng sẽ giúp giảm thế bế tắc hiện nay của Nga.
García-Herrero cho biết “rủi ro về danh tiếng khi vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là điều lớn mà PBOC khó thực hiện”.
Bà này nhận định: “Các lợi ích dài hạn từ việc xích lại gần Nga có thể khó tương thích với tác động của các nhà đầu tư phương Tây đột ngột mất sự quan tâm dành cho Trung Quốc”.
Hạn chế hỗ trợ linh kiện máy bay cho Nga
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga đã khiến 2 hãng sản xuất máy bay lớn của thế giới – Boeing và Airbus, không còn có thể cung cấp linh kiện cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho các hãng hàng không Nga. Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà sản xuất động cơ phản lực. Như vậy các hãng hàng không Nga có thể hết linh kiện thậm chí chỉ trong vài tuần, hoặc phải cho máy bay cất cánh mà thiếu các thiết bị được thay thế thường xuyên như khuyến cáo để đảm bảo an toàn trong vận hành.
Đầu tháng 3/2022, một quan chức Nga cấp cao nói rằng Trung Quốc đã từ chối gửi linh kiện máy bay sang Nga khi Moscow tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Valery Kudinov – trưởng bộ phận điều kiện bay tại Cơ quan vận tải hàng không của Nga, được hãng thông tấn Tass dẫn lời tuyên bố rằng Nga sẽ tìm kiếm cơ hội mua linh kiện từ các nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ sau khi thất bại trong nỗ lực mua đồ của Trung Quốc.
Đấy là thông tin từ phía ông Kudinov. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi về vấn đề này thì khẳng định rằng Nga và Trung Quốc sẽ duy trì “hợp tác kinh tế và thương mại bình thường”.
Đóng băng đầu tư cơ sở hạ tầng
Ngân hàng Thế giới đã ngừng tất cả các chương trình của mình ở Nga và Belarus sau khi Nga tấn công Ukraine. Tổ chức này chưa phê duyệt bất cứ khoản cho vay hoặc đầu tư mới nào cho Nga kể từ năm 2014 và không cho Belarus từ năm 2020.
Điều ngạc nhiên là, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh cũng làm tương tự. Trong một thông báo vào đầu tháng 3, ngân hàng này cho biết họ đã tạm ngưng tất cả các hoạt động liên quan đến Nga và Belarus trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine diễn ra. Họ nói, động thái này nhằm “phục vụ tốt nhất cho lợi ích” của ngân hàng này.
Trung Quốc cho ra đời AIIB vào năm 2016 do thất vọng về Ngân hàng Thế giới (có trụ sở ở Mỹ) và Ngân hàng Phát triển châu Á (nơi Nhật Bản là một thế lực chính).
Trung Quốc vừa là nơi đặt trụ sở của AIIB vừa cung cấp chủ tịch và nắm giữ tỷ lê phiếu bầu tới 26,5% (so với chỉ 7,6% của Ấn Độ và 6% của Nga).
Quyết định của AIIB ngưng các hoạt động ở Nga đồng nghĩa với việc khoản tín dụng 1,1 tỷ USD được phê duyệt cho Nga để nâng cấp hệ thống đường bộ và đường sắt hiện cũng tạm ngưng.
T.P