Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChủ nghĩa kiến tạo ở Nga là gì?

Chủ nghĩa kiến tạo ở Nga là gì?

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà chính quyền Nga đang tiến hành trên lãnh thổ của Ukraina đã làm bùng nổ trong cộng đồng quốc tế những tranh cãi về bản chất của cuộc xung đột và các phương án khả thi để chấm dứt khủng hoảng này. Khi giao tranh đang tiếp diễn, sẽ là quá sớm để xác định kết quả giữa các bên, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng làm sáng tỏ nguồn gốc cho cuộc đụng độ ở Ukraina thông qua lý thuyết quan hệ quốc tế.

Trong bài viết này, các tác giả cố gắng làm rõ quan điểm của Nga khi áp dụng biện pháp quân sự đối với Ukraina. Mục tiêu này được thúc đẩy bởi hai lý do sau. Thứ nhất, hiện có quá nhiều xuất bản về quan điểm của Nga, song chiến tranh thông tin đã để lại rất ít hoặc đã xoá bỏ hoàn toàn không gian cho các nghiên cứu công bằng, chưa kể tới những ảnh hưởng của “chứng sợ Nga” (Russophobia) đang tăng lên trên quy mô toàn cầu. Thứ hai, Nga là một trong những chủ thể chính trong cuộc khủng hoảng này, do vậy việc thấu hiểu quan điểm của Nga là điều kiện cần thiết để đạt được hoà bình trong tương lai gần.

Giả thiết được đặt ra là sự đối kháng về bản sắc quốc gia làm tăng lên sự cạnh tranh địa chính trị trong quan hệ quốc tế. Bản sắc quốc gia là cách quốc gia nhìn nhận bản thân mình, trên cơ sở đó định hình các mục tiêu chiến lược về an ninh và phát triển. Thật khó có được bức tranh toàn cảnh về xung đột ở Ukraina mà không xét đến bản sắc quốc gia, thứ vốn là một trong những trụ cột của cuộc đối đầu Nga – phương Tây, và Ukraina chỉ là một phần nhỏ trong chiến trường địa chính trị lớn giữa các trung tâm quyền lực này.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraina đã từ bỏ hệ tư tưởng Mác – Lê-nin và quay trở về với bản sắc quốc gia. Đối với Nga, điều phải làm là phục hưng lại vinh quang của Đế quốc Nga trong quá khứ song song với việc hạ thấp tầm quan trọng của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 do Bolshevik lãnh đạo và chấm dứt hoàn toàn “các nghĩa vụ quốc tế xã hội chủ nghĩa”. Trong khi đó, Ukraina đã phải vật lộn để xây dựng bản sắc quốc gia của riêng mình. Với mong muốn định vị bản thân, Ukraina bắt đầu quá trình tách rời khỏi “thế giới Nga” (Russianhood) – một đặc điểm chung của hết thảy các quốc gia độc lập hậu Xô viết. Nhưng nhà nước Ukraina mới lại bị người Nga xem là “quốc gia nhân tạo” và gán cho là có tư tưởng “chống Nga”, những điều này được thể hiện trong phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin, rằng Ukraina hiện đại thực chất chỉ là dự án sai lầm của V. Lenin.

Việc định hình bản sắc quốc gia như vậy còn phụ thuộc vào nhận thức lẫn nhau của các chủ thể (intersubjective perception), đôi khi dẫn tới đụng độ giữa các cộng đồng xã hội. Hiểu đơn giản, nhận thức lẫn nhau giữa các chủ thể có nghĩa là “Tôi không chỉ là những gì tôi nghĩ về bản thân, mà còn là những gì người khác nghĩ về tôi”. Trường hợp giữa Nga và Ukraina, tồn tại xung đột sâu sắc về nhận thức lẫn nhau. Người Ukraina tự xem mình là một dân tộc độc lập và có bản ngã riêng, tách biệt với người Nga. Nhưng người Nga lại không nghĩ như vậy. Họ tin rằng người Ukraina có quan hệ gần gũi với mình theo nhiều cách diễn giải và hai dân tộc đã thực sự là một xã hội trong không gian của nước Nga lịch sử. Ukraina từng được biết đến như “một nước Nga nhỏ” (Minor Russia), do đó nó phải là một phần không thể thiếu của “thế giới Nga”. Điều này ăn sâu vào suy nghĩ và lịch sử quốc gia của người Nga, vậy nên đã rất khó để họ chấp nhận một đất nước vĩ đại mà lại thiếu đi Ukraina, không có Kiev cũng như các thành phố khác.

Trên thực tế, xung đột về nhận thức lẫn nhau giữa người Nga và người Ukraina đã bén gốc rễ qua nhiều thế hệ. Chúng ta có thể lấy ví dụ về Mazeppa – hetman (thủ lĩnh) của người Ukraina thế kỷ 18. Vốn là chư hầu của Sa hoàng Peter Đại đế, song Mazeppa đã phản lại Đế quốc Nga và gia nhập phe của vua Thuỵ Điển Karl XII trong Chiến tranh phương Bắc 1700-1721. Không cần phải nói, trong sử sách Nga, ông ta bị lên án như một kẻ phản bội. Còn trong tâm trí của người Ukraina, Mazeppa được suy tôn như một đấng anh hùng, người đã dám đứng lên chống lại chế độ chuyên quyền của Nga hoàng để bảo vệ quyền lợi của dân tộc Ukraina.

“Nước Nga – cường quốc của chúng ta, nước Nga – đất nước thân yêu của chúng ta. Ý chí hào hùng, niềm vinh quang vĩ đại – là tài sản của Người cho mọi thời gian” – đây là những lời đầu tiên của quốc ca Nga được V. Putin chấp thuận khi vừa lên làm tổng thống. Vốn là phiên bản chỉnh sửa dựa trên quốc ca Liên Xô, sự trở lại của những hào khí cũ thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Nga trong việc phục hưng đất nước với tư cách là một cường quốc trên chính trường quốc tế. Sự vĩ đại của một quốc gia đòi hỏi sự tôn trọng rộng rãi, nhưng đáng tiếc là người Nga đã không nhìn thấy điều đó từ tập thể các nước phương Tây.

Trong Chiến lược Đối ngoại Nga năm 2016, Nga đã cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện chính sách thù địch với mình. Từ góc nhìn của Nga, các nước này đã từ chối thiết lập hệ thống an ninh tập thể trên toàn châu Âu và cố gắng loại trừ Nga khỏi khu vực an ninh của họ. Hệ quả là đã làm dấy lên mối nghi ngại và sự mất lòng tin của giới tinh hoa Nga. Họ cho rằng phương Tây không sẵn sàng chấp nhận Nga là một thành viên bình đẳng trong gia đình các quốc gia châu Âu. Sự bành trướng về hướng Đông của NATO đi liền với việc giảm thiểu số lượng các quốc gia vùng đệm trung lập được cho là đã vi phạm tàn bạo lợi ích cốt lõi của Nga, tạo ra mối đe doạ hiện hữu với khả năng tự vệ của nước này. Nỗi thất vọng vì sự kém hiệu quả của các tổ chức quốc tế trong việc duy trì lợi ích quốc gia, cùng với nguy cơ Ukraina và Gruzia trở thành thành viên trong EU và NATO, khiến Nga lựa chọn biện pháp quân sự như một phương tiện hiệu quả duy nhất để đảm bảo an ninh của chính mình. Như chiến lược gia S. Karaganov, người đảm đương vai trò cố vấn cho các đời tổng thống Nga, khẳng định: “Nga cần phải phá vỡ các quy tắc bất công vốn được phương Tây cài đặt trong các mối quan hệ quốc tế”.

John Mearsheimer, một trong những học giả hàng đầu của trường phái hiện thực chủ nghĩa, đã từng quy kết rằng khủng hoảng Ukraina nổ ra là do lỗi của phương Tây. Ông lập luận: “Các cường quốc luôn nhạy cảm với các mối đe doạ tiềm tiềm tàng gần không gian lãnh thổ của họ”; vì thế “Putin và các cộng sự của mình đã phải suy nghĩ và hành động theo các quy luật của chủ nghĩa hiện thực, trong khi các đối tác phương Tây lại tôn trọng những lý tưởng tự do trong chính trị quốc tế”. Từ quan điểm hiện thực, những gì Nga đang làm ở Ukraina không có mấy khác biệt so với những gì Mỹ đã làm ở Nam Tư, Afghanistan, Libya hay Iraq – bởi đó đều là cách các cường quốc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình. Họ có lý do để xem nhẹ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế.

Ngược lại, F. Fukuyama – một đại diện của trường phái tự do trong lý thuyết quan hệ quốc tế, lại xem Nga là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng này. Ông tin rằng sự thất bại có khả năng xảy ra của Nga có thể mang lại một sự khai phóng mới và một nền dân chủ phổ quát cho thế giới. Trong mắt những người theo chủ nghĩa tự do, EU và NATO là những tổ chức quan trọng, kết hợp với bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ, cho phép họ thực hiện những thay đổi ở các khu vực phi phương Tây mà không cần tính toán đến lợi ích của kẻ khác. Vì những ý định của Nga hoàn toàn mâu thuẫn với phương Tây nên các hành vi của Nga luôn bị xem là mối đe doạ đối với trật tự do phương Tây lãnh đạo.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng Ukraina là một phần của sự dịch chuyển cán cân quyền lực trong hệ thống chính trị quốc tế hiện nay. Nga một mực coi các hành động của mình là cần thiết, đổ lỗi cho phương Tây đã không đếm xỉa đến các lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh của nước này. Trong khi đó, EU và NATO xem cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraina là thách thức lớn nhất đối với sự thống trị của họ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những nỗ lực của Nga nhằm định hình lại trật tự toàn cầu được coi là không thể chấp nhận được. Do mâu thuẫn về bản sắc quốc gia, những ác cảm về các giá trị của nhau và tình trạng không tin tưởng lẫn nhau, tất cả đã biến Ukraina thành chiến trường địa chính trị chính giữa Nga và phương Tây vào lúc này. Chưa rõ khi nào mới có thể kết thúc, song xung đột ở Ukraina đã làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới, tạo ra xu thế mới trong quan hệ quốc tế. Như chuyên gia I. Timofeev, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), phân tích: “Đối với một số quốc gia, xung đột này sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể trong trung và ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia khác, nó lại tạo ra những cơ hội để giúp họ gia tăng ảnh hưởng về lâu dài”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới