Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThấy gì sau lời khai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình...

Thấy gì sau lời khai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương làm thất thoát ngân sách?

Cựu Bí thư Bình Dương – ông Trần Văn Nam, khai rằng việc lập phương án sử dụng đất là do Tổng công ty 3/2 tự đề xuất, Tỉnh ủy Bình Dương chỉ phê duyệt theo đề xuất.

Khu đất 143 ha: Con làm theo chỉ đạo của cha

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2, doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) cùng 27 bị can khác liên quan những sai phạm tại 2 khu “đất vàng” ở Bình Dương là khu 43 ha và 143 ha.

Theo kết luận bổ sung, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương lập kế hoạch phát triển khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương. Thời điểm đó, ông Minh là người đại diện 51% cổ phần vốn góp Nhà nước của Tổng công ty 3-2 tại Công ty Hưng Vượng (doanh nghiệp do ông Minh là Chủ tịch HĐQT).

Tại khu đất 145 ha ở TP Thủ Dầu Một, năm 2007, ông Minh đại diện cho Tổng công ty 3-2 hợp tác với 2 nhà đầu tư Hàn Quốc để thành lập Công ty Tân Thành (vốn điều lệ 30 triệu USD) nhằm thực hiện dự án CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp.

Theo thỏa thuận, Tổng công ty 3-2 góp 30% vốn điều lệ tương đương 9 triệu USD bằng quyền sử dụng khu đất 145 ha. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết góp 21 triệu USD (70% vốn điều lệ). Năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã góp 5,2 triệu USD, nhưng “bất ngờ” rút lui.

Sau đó, bị can Minh để cho 2 doanh nghiệp sân sau là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển tiếp nhận chuyển nhượng phần vốn đã góp của phía Hàn Quốc.

Nhằm hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng khu đất 145 ha và nhận vốn góp bằng giá trị khu đất từ Tổng công ty 3-2 thuộc sở hữu Nhà nước, ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Công ty Hưng Vượng góp thêm 45,4 tỷ đồng (tương đương 4%) và Công ty Phát Triển góp 132,8 tỷ đồng (tương đương 15%).

Cuối cùng, nhằm tạo điều kiện cho Công ty Hưng Vượng có tiền thanh toán các khoản nợ cho Tổng công ty 3-2, đồng thời để cho Công ty Phát triển (do con gái là Nguyễn Thục Anh làm Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển), trả nợ ngân hàng khoản vay 132,8 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Tân Thành, ông Minh lập chủ trương để Tổng công ty 3-2 nhận chuyển nhượng 19% vốn góp từ Công ty Tân Thành.

Ngày 26/11/2018, ông Minh tổ chức họp 3 bên gồm Tổng công ty 3-2, Công ty Hưng Vượng và Công ty Tân Thành rồi thống nhất việc Tổng công ty 3-2 mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành (gồm 15% vốn từ phía Nguyễn Thục Anh, 4% từ Công ty Hưng Vượng).

Cơ quan điều tra cho rằng, sau những việc làm trên của ông Minh, Tổng công ty 3-2 đã chi hơn 964 tỷ đồng để mua lại cổ phần của phía Công ty Tân Thành.

Theo cáo buộc, giá trị mỗi cổ phần của Công ty Tân Thành chỉ hơn 16.000 đồng. Song, các bị can chuyển nhượng với giá hơn 105.000 đồng/cổ phần (chênh lệch hơn 89.000 đồng/cổ phần).

Do đó, sai phạm của ông Minh và các bị can gây thiệt hại hơn 815 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng, trong tổng số tiền bị tham ô, bị can Minh trực tiếp chiếm hưởng hơn 154 tỷ đồng là khoản tiền sử dụng để hoàn ứng, thanh toán nợ khó đòi tại Tổng công ty 3-2 và hưởng lợi từ cổ phần tại Công ty Hưng Vượng. Còn con gái ông Minh là Nguyễn Thục Anh chiếm hưởng hơn 201 tỷ đồng.

Kết luận điều tra bổ sung khẳng định, ông Nguyễn Văn Minh có vai trò là người tổ chức trong vụ án có đồng phạm nên phải chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ hậu quả mà vụ án đã gây ra; bà Nguyễn Thục Anh khai do tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương và chỉ đạo của ông Minh nên bị can đã thực hiện, không quan tâm đến tính chất của việc chuyển nhượng là trái quy định.

Khu đất 43 ha: Chỉ để hợp thức hóa ‘việc đã rồi”

Ngoài khu đất 145 ha, theo kết luận điều tra bổ sung, ở khu đất 43 ha (hiện là Khu đô thị – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú), năm 2010, mặc dù UBND tỉnh Bình Dương chưa có quyết định giao khu đất 43 ha cho Tổng công ty 3-2 nhưng từ sự trao đổi, thống nhất với ông Nguyễn Văn Minh, ông Nguyễn Đại Dương (con rể ông Nguyễn Văn Minh) đã chủ động kêu gọi bạn bè gồm các ông Nguyễn Quốc Hùng, Huỳnh Trung Nam, Dương Đình Tâm góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc và giao ông Nguyễn Quốc Hùng làm đại diện pháp luật để lấy pháp nhân ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3-2 thành lập liên doanh Công ty Tân Phú, nhằm mục đích chuyển nhượng khu đất 43 ha với giá 570.000 đồng/m2.

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Dương, ngày 18/12/2015, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 3332/QĐ-UBND về việc cổ phần hóa Tổng công ty 3-2.

Triển khai thực hiện cổ phần hóa, ông Nguyễn Văn Minh đại diện cho Tổng Công ty 3-2 ký Công văn số 98/CV/TCY-TCKT ngày 31/5/2016 và Công văn số 117/CV/TCTY ngày 14/7/2016, báo cáo Tỉnh ủy Bình Dương về phương án sử dụng các khu đất, trong đó có khu đất 43 ha và phần góp vốn của Tổng Công ty 3-2 tại Công ty Tân Phú được bàn giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (Công ty Impco), do tỉnh ủy Bình Dương làm chủ sở hữu.

Đến ngày 8/12/2016, ông Nguyễn Văn Minh đại diện cho Tổng công ty 3-2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú với giá trên 250 tỷ đồng. Sau đó, mặc dù Tổng công ty 3-2 mới nhận được 140 tỷ đồng nhưng Nguyễn Văn Minh vẫn chỉ đạo ông Trần Nguyên Vũ làm các thủ tục liên quan để đăng ký biến động khu đất 43 ha sang Công ty Tân Phú.

Tiếp đó, ngày 13/3/2017, ông Minh đã ký công văn số 39/TCTY xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho phép Tổng công ty 3-2 được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Sau khi được Thường trực tỉnh ủy Bình Dương đồng ý, ông Minh chỉ đạo ông Vũ ký hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3-2 cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 161 tỷ đồng. Tuy Công ty Âu Lạc chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền nào theo hợp đồng, nhưng Nguyễn Văn Minh vẫn chỉ đạo Trần Nguyên Vũ ký văn bản xác nhận các bên đã hoàn tất việc chuyển nhượng để Nguyễn Quốc Hùng làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi loại hình doanh nghiệp Công ty Tân Phú từ Công ty TNHH MTV (Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc) thành Công ty TNHH MTV do Công ty Âu Lạc làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ (điều chỉnh lần 3 là 350 tỷ đồng).

Theo cơ quan điều tra, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương là ông Trần Văn Nam khai, khi Tổng công ty 3-2 báo cáo việc này và xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, thì Tỉnh ủy Bình Dương có họp, thống nhất đánh giá đây là “sự việc đã rồi”, nếu hủy bỏ sẽ rất phức tạp, nên Tỉnh ủy Bình Dương không yêu cầu Tổng công ty 3-2 làm đúng chủ trương mà lại ban hành một Thông báo mới, số 287-TB/TU ngày 20/4/2017, cho phép Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Chủ trương này đồng nghĩa với chấp thuận việc Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43 ha mà không phải chuyển giao cho Công ty Impco theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Khắc phục “sự việc đã rồi” này như thế nào là do Tổng công ty 3-2 tự thực hiện. Tỉnh ủy Bình Dương không có chỉ đạo cụ thể. Các văn bản do Tỉnh ủy Bình Dương ban hành sau này cũng chỉ nhằm mục đích để hợp thức việc thay đổi chủ trương giải quyết đối với “sự việc đã rồi” này.

Đánh giá về hành vi của ông Trần Văn Nam, kết luận điều tra bổ sung cho rằng, bị can đã nhận thức được nội dung đề xuất của Cục thuế tỉnh Bình Dương áp giá đất quy định năm 2006 để tính thu tiền thuế trước bạ, tiền sử dụng đất giao cho Tổng công ty 3-2 năm 2012 là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, là người có chức vụ cao nhất giải quyết việc này, bị can Trần Văn Nam vẫn quyết định cho thực hiện.

Hành vi nêu trên của bị can Trần Văn Nam trực tiếp gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 761 tỷ đồng, phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới