Theo nhiều chuyên gia, đây là thời điểm thuận lợi, cơ hội vàng để du lịch Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, dù vậy nếu cứ “rón rén”, “thận trọng” trong việc đón khách thì du lịch sẽ khó bứt phá.
Tại Hội nghị Phát động mở lại hoạt động du lịch “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn” diễn ra chiều 22/3 tại Quảng Ninh, bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao cho biết, việc mở cửa toàn bộ thời điểm này có nhiều thuận lợi giúp du lịch Việt Nam phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Hiện nay, xu thế dịch bệnh đã thay đổi, có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, sự cấp tính của bệnh có thể sẽ sớm được dỡ bỏ vào quý 3, quý 4 năm nay.
Ngoài ra, chính sách mở cửa du lịch đã được hơn 50 quốc gia áp dụng cùng với đó là nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới có xu hướng tăng (60% người dân Mỹ có kế hoạch đi du lịch trong năm 2022).
Một số nước như Pháp, Ý, Đan Mạch… đã gần như dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về phòng chống dịch. Công dân của họ đi du lịch, tham gia các hoạt động của cuộc sống đã gần như trở lại bình thường.
So với các nước trong khu vực, chính sách mở cửa của Việt Nam cũng khá thông thoáng. Nhiều nước dù mở cửa nhưng vẫn áp dụng hộ chiếu vắc xin. Với việc kiểm soát cơ bản được dịch bệnh cùng với chính sách cởi mở sẽ tạo lợi thế cạnh tranh giúp du lịch Việt Nam “hút” khách quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, theo bà Hằng, Việt Nam cũng sẽ gặp một số thách thức khi mở cửa du lịch.
Cụ thể, ngành du lịch cần có phương án đối phó với các biến chủng mới, đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, một số nước hiện nay vẫn áp dụng chính sách hạn chế công dân của họ đi du lịch ra nước ngoài hoặc khi trở về phải cách ly 5-7 ngày. Điều này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch quốc tế của người dân.
“Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả. Chúng tôi cũng tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch ở các nước giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin mở cửa du lịch ở nước ta với người dân các quốc gia trên thế giới”, bà Hằng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm khi mở cửa toàn bộ du lịch.
Thứ nhất, khi mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Nhiều quốc gia, đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, hỗ trợ tốt về chính sách nhằm đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, phục hồi, thu hút lại thị trường khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.
Ngoài ra, sau 2 năm đại dịch, nhu cầu của khách cũng có nhiều thay đổi, các sản phẩm du lịch cũng cần phải tính toán lại để hấp dẫn thu hút khách đến trải nghiệm. Đó là chưa kể, việc khôi phục các đường bay, tần suất khai thác đối với các chuyến bay quốc tế cũng cần phải đẩy mạnh, nhất là việc mở thêm các đường bay mới đến Việt Nam từ các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng.
“Trước mắt, chúng ta cần tập trung các thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Úc, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông; thị trường gần khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các hãng truyền thông quốc tế; các hội chợ du lịch quốc tế… để giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến về việc phục hồi du lịch sau đại dịch, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng để đón tiếp du khách.
Theo ông Thiên, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêm vắc xin giỏi nhất nhưng vẫn rụt rè, chưa quyết đoán trong việc mở cửa.
“Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn. Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này. Nếu mở cửa mà vẫn rụt rè thì khó có khách đến”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Đánh giá việc miễn thị thực cho 13 quốc gia và thời hạn tạm trú 15 ngày vẫn thể hiện tinh thần “quá thận trọng” khi mở cửa, PGS. TS Trần Đình Thiên kiến nghị Chính phủ cần tăng số lượng nước được miễn thị thực và tăng số ngày du khách có thể lưu trú, để tận dụng được cơ hội hồi phục mạnh mẽ hơn.
Hội nghị Phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn diễn ra ngày 22/3 tại Quảng Ninh với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, sở du lịch, hiệp hội du lịch; các chuyên gia cùng đại diện tập đoàn, doanh nghiệp. Sự kiện đánh dấu việc mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cũng như việc hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng điểm đến, sản phẩm thích ứng, phù hợp với khách du lịch quốc tế và nội địa.