Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tuyên bố, Trung Quốc không bao giờ có những hành động gia tăng quân sự, gây căng thẳng, không biến các đảo trong khu vực Biển Đông thành các căn cứ quân sự. Thế nhưng trên thực tế, gần như nước này đã tiến hành xong việc xây dựng các căn cứ phục vụ cho yêu cầu chiến tranh.
Các căn cứ quân sự mà quân đội Trung Quốc xây dựng trái phép chủ yếu trên các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đó là các đá Vành Khăn, đá ngầm Subi và đá Chữ Thập. Cơ sở quân sự bao gồm các tòa nhà cao tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng…. Có thể coi đây là các thành phố nổi phục vụ nhu cầu du dịch và tác chiến.
Những hình ảnh vệ tinh mà Mỹ ghi được đã khiến cho Bắc Kinh khó bề chối cãi. Rất cay cú, Hải quân, Không quân hai nước này đã nhiều lần “va chạm” có chủ đích hòng cảnh báo, đe dọa lẫn nhau. Mỹ cho rằng vùng trời, vùng biển mà họ hoạt động hoàn toàn đúng theo quy định của luật pháp quốc tế. Còn Trung Quốc thì khăng khăng, Wasinghton đã cố tình xâm phạm vùng trời, vùng biển của họ (chiếu theo Đường chín đoạn vô lối do họ tự “vẽ”).
Va chạm, công kích, dọa nạt nhau và chưa có “phiên tòa” nào giải quyết. Nhưng nếu không phản ứng, không cảnh báo thì Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động phi pháp, cho nên Mỹ và đồng minh cũng như các nước trong khu vực liên tục phải đấu tranh ngoại giao và các hoạt động quân sự trên thực địa, rõ nhất là phối hợp tập trận.
Mới đây, theo tin của AP, đã xảy ra chuyện máy bay Mỹ và trung Quốc xuýt đâm bổ vào nhau. Hôm 20/3, ông Joel Martinez – sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ, người dẫn đầu phi hành đoàn P-8A Poseidon – cho hay, họ đã bị máy bay phản lực Trung Quốc “áp sát một cách nguy hiểm ở Biển Đông”. Tổ bay P-8A Poseidon đã yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ các quy định về an toàn hàng không.
Nơi xảy ra sự cố là vùng trời khu vực gần các thực thể do Trung Quốc chiếm giữ trái phép thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino, cho biết, Bộ Chỉ huy đã kiên quyết phản bác cảnh báo từ Trung Quốc khi máy bay P-8A Poseidon đang bay ở độ cao khoảng 4500 mét.
Cụ thể, khi phát hiện máy bay do thám của Mỹ, các phi công Trung Quốc đã “ngứa mắt”, đe nẹt: “tránh xa ngay lập tức để tránh sự cố”. Lúc đó, P-8A Poseidon đang tiến gần các tiền đồn mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đáp lại, các phi công Mỹ tuyên bố: “Máy bay của Hải quân Mỹ đang tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào. Không một ai có thể ngăn cản chúng tôi!”.
Theo các bức ảnh mà máy bay Mỹ ghi lại gần các rạn san hô mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, có thể nhận rõ các căn cứ quân sự, nhà xưởng, kho tàng, nhà chứa máy bay và sân bay…. Đến nay các căn cứ quân sự này đã hoàn thành và có thể đi vào hoạt động. Gần Đá Chữ Thập, một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, có hơn 40 tàu đang neo đậu.
Trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc đã dốc toàn lực xây dựng, hiện đại hóa quân đội, tiếp tục vũ trang hóa trên Biển Đông, gây căng thẳng trong khu vực. Họ coi đây là những hành động để “đảm bảo sự phòng thủ”. Sau nhiều năm tăng chi tiêu quân sự, Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã cố tình áp dụng một chính sách quyết đoán hơn ở Biển Đông. Họ tìm mọi cách duy trì nguyên trạng bất chấp các tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng, với một tuyên bố đầy màu sắc lừa đảo “gác tranh chấp cùng khai thác”.
Sự hung hăng của Trung Quốc là nguyên nhân gây nên những căng thẳng hiện nay. Mặc dù Trung Quốc chỉ quản lý 6 hòn đảo ở Trường Sa (so với 29 đảo do Việt Nam quản lý), mặc dù hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa (đảo Ba Bình) do Đài Loan chiếm đóng, nhưng Trung Quốc vẫn nghiễm nhiên coi mình là “ông chủ” trên Biển Đông. Họ bám chắc vào cái “Đường lưỡi bò” để ngụy biện, làm tấm mộc che đỡ.
Câu trả lời ngắn nhất là: chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu là thể hiện tính lập lờ, nói một đằng làm một nẻo. Tranh chấp trên biển nhiều rồi, giờ là đến tranh chấp trên… trời. Gọi là hung hăng cũng không lột tả hết hành động của kẻ gây hấn!
H.Đ