Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Mỹ có thuyết phục được TQ vụ Ukraine?

Liệu Mỹ có thuyết phục được TQ vụ Ukraine?

Washington đã cho thấy họ nỗ lực ra sao trong việc phong tỏa và cô lập Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, nhất là trong việc lôi kéo đối tác quan trọng nhất của Matxcơva lúc này: Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng có những tính toán riêng.

Chiến sự Ukraine và tình hình quan hệ Trung – Mỹ không lấy gì nồng ấm khiến một dịp kỷ niệm quan trọng năm nay bị cả Bắc Kinh lẫn Washington lờ đi. Ngày 27-2 vừa rồi là tròn 50 năm ký Thông cáo Thượng Hải vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger để hướng tới bình thường hóa quan hệ Trung – Mỹ.

Thiếu kết quả cụ thể

Sau chuyến thăm, Trung Quốc được cho là ngả về Mỹ để kiềm chế Liên Xô trong Chiến tranh lạnh. Như một trò đùa của số phận, đúng nửa thế kỷ sau, các hậu bối của Nixon và Kissinger đã có những hội nghị tương tự với các đối tác Trung Quốc trong nỗ lực siết chặt hơn nữa các lệnh cấm vận Nga vì cuộc chiến Ukraine.

Nhưng tình hình năm 2022 này đã khác. Thái độ nước đôi của Bắc Kinh về Ukraine đã được bày tỏ và duy trì nhất quán từ khi chiến sự bùng nổ hôm 24-2 đến nay. Ở Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), họ bỏ phiếu trắng với nghị quyết lên án Nga.

Các tuyên bố Bắc Kinh đưa ra luôn ở dạng nước đôi. Trước hết là lên án NATO, quy trách nhiệm cho phương Tây vì “dồn một cường quốc hạt nhân vào chân tường”, lên án việc “vũ khí hóa toàn cầu hóa” và nói cấm vận là “mang dầu chữa cháy”… Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được bảo đảm, ca ngợi “sự đoàn kết” của nước này, và cho tới giờ không hề có động thái ủng hộ thiết thực, ít ra là công khai, nào cho cuộc chiến do Nga phát động.

Không có gì lạ khi Trung Quốc không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Nga. Giá trị thương mại song phương là 147 tỉ USD vào năm 2021, theo các số liệu chính thức. Trung Quốc là bạn hàng số 1 của Nga, chiếm 16% tổng thương mại nước ngoài của nước này.

Ở chiều ngược lại, Nga chỉ chiếm 2% tổng thương mại của Trung Quốc nhưng là một nhà cung cấp nguyên vật liệu thô, năng lượng và khoáng sản hết sức quan trọng cho nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng nhanh của Trung Quốc.

Bất chấp chiến sự, theo Đài CNN, cổ phiếu của hơn một chục công ty Trung Quốc trong ngành vận tải và điều hành cảng biển có quan hệ thương mại với Nga hay hoạt động ở khu vực biên giới hai nước đều đã tăng mạnh trong tuần đầu tháng 3.

Mỹ cũng khó lòng gây sức ép thái quá với Trung Quốc ở thời điểm này, khi chính những đồng minh châu Âu của họ, dù đã tham gia hàng loạt lệnh cấm vận nhưng vẫn đang chi trả cho dầu mỏ và khí đốt của Nga mỗi ngày bình quân 285 triệu USD, theo báo Guardian (Anh).

Ấn Độ, một nước khác đã bỏ phiếu trắng không lên án Matxcơva tại Đại hội đồng LHQ, cũng vẫn tiếp tục mua dầu mỏ từ Nga, và Mỹ đã nói hoạt động này “không vi phạm các lệnh cấm vận”.

Không phải ngẫu nhiên mà sau những cuộc gặp rất dài, 7 tiếng, giữa Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Trưởng Ban Đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì, rồi 2 tiếng nữa giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, phía Mỹ vẫn chỉ đưa ra các tuyên bố chung chung chứ không nhận được một cam kết thực tế, cụ thể nào từ Bắc Kinh.

Không giới hạn cũng có giới hạn

Tuy nhiên, cũng không nên giải thích thái độ nước đôi của Trung Quốc là sự ủng hộ vô điều kiện với Nga. “Trên danh nghĩa họ [Trung Quốc và Nga] là đối tác không có giới hạn” – Bàng Trung Anh, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Hải Dương, Sơn Đông, nói với báo Hong Kong Bưu Điện Hoa Nam.

“Nhưng Trung Quốc giờ phải có giới hạn, và giới hạn đó phải rõ ràng, ít ra là rõ ràng tương đối… Khi hơn 100 nước đã tham gia cấm vận Nga thì đã tạo thành một hệ thống. Nếu Trung Quốc gây hấn với hệ thống đó, họ có thể cũng bị cấm vận” – ông Bàng nói.

Trên thực tế, có một số hành động của Trung Quốc cho thấy nước này e dè sự cấm vận của phương Tây nếu đứng hoàn toàn về phía Nga.

Một động thái như thế ít được nhắc đến là khi vào đầu tháng 3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tăng gấp đôi hạn mức giao dịch cho đồng rúp với đồng nhân dân tệ khi đồng rúp đang bị bán tháo, khiến đồng tiền này càng rớt giá nhanh hơn.

Thứ hai, PBOC cho tới giờ vẫn im lặng về việc cho phép Nga chuyển đổi lượng dự trữ bằng nhân dân tệ tương đương 90 tỉ USD của họ sang các đồng đôla Mỹ hay euro. Các lệnh cấm vận đã khiến 315 tỉ USD tài sản dự trữ của Nga bị phong tỏa, tương đương một nửa dự trữ của ngân hàng trung ương nước này.

Một quyết định đáng chú ý khác là việc Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh đã ngưng cung cấp các khoản cho vay và đầu tư ở Nga lẫn Belarus. AIIB được lập ra năm 2016 như một đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với ghế chủ tịch của Trung Quốc và phần vốn góp tương đương phiếu bầu 26,5% (Nga có 6%).

Quyết định của AIIB đồng nghĩa khoản tiền 1,1 tỉ USD đã được thông qua để phát triển hạ tầng ở Nga giờ sẽ bị hoãn giải ngân.

RELATED ARTICLES

Tin mới