Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựBất ngờ lớn trong xung đột Nga - Ukraine: Hệ lụy với...

Bất ngờ lớn trong xung đột Nga – Ukraine: Hệ lụy với trật tự thế giới

Rủi ro xung đột không phải không được lường trước, nhưng điều thực sự làm bất ngờ chính là những gì đang diễn biến trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.

Điều người ta những tưởng có thể chỉ là một hành động quân sự giới hạn, như ở phần biên giới phía đông Ukraine sát với Nga, thì nay đã bùng nổ trên toàn tuyến ở Ukraine, kéo theo những thiệt hại về người và vật chất, cùng một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đến nay đã kéo dài hơn một tháng, diễn biến còn phức tạp và chưa rõ sẽ “ngã ngũ” thế nào.

Rủi ro xung đột không phải không được lường trước, nhưng điều thực sự làm bất ngờ chính là những gì đang diễn biến, cả ở quy mô chiến sự quân sự, cũng như phản ứng của các bên và hệ lụy to lớn của cuộc chiến này.

Lường trước nhưng vẫn nhiều bất ngờ

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vốn đã được cảnh báo. Đó là một quá trình dài, nhất là từ đầu năm, khi Nga nhấn mạnh “lằn ranh đỏ” và dồn quân áp sát biên giới với Ukraine (100.000, đến 160.000 rồi 190.000 quân). Đa phần khi đó vẫn nghĩ đây là đòn “ngoại giao bên miệng hố chiến tranh” của Nga, mặc dù phía Mỹ, theo tin tình báo, đã liên tục cảnh báo nguy cơ về một cuộc tấn công quân sự lớn.

Nhưng, chiến sự đã bùng nổ, ngày 24/2, khi Nga quyết định tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tranh chấp dẫn đến xung đột quân sự kéo theo và bất ổn, nhiều hệ lụy và tổn thất, không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả các bên liên quan, đến Châu Âu và thế giới. Rõ ràng, khi hoà bình bị phá vỡ, người ta lại càng cần phải đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, của Hiến chương LHQ.

Nhìn lại sau hơn một tháng, tuy rủi ro có thể lường trước, nhưng những gì đang diễn ra của cuộc khủng hoảng này, hàm chứa nhiều điều bất ngờ.

Thứ nhất, là ở quy mô của chiến dịch. Điều Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, trên thực tế, bao gồm các cuộc tấn công trên nhiều hướng, cả trên bộ, trên không và trên biển, nay đã lan rộng ra nhiều nơi ở Ukraine, bao gồm các thành phố lớn và cả thủ đô Kiev. Mục tiêu của chiến dịch, theo Nga, cũng được điều chỉnh, mở rộng. Thực sự đó là một chiến dịch tấn công quân sự lớn.

Thứ hai, là phản ứng của các bên. Trước hết là ý chí quyết liệt phản đối và sự kháng cự từ Ukraine. Dù thế nào, chiến sự theo kiểu “đánh nhanh thắng nhanh” nay cũng đã kéo dài cả tháng và hiện vẫn chưa rõ hồi kết. Tiếp đó, chính là sự phản ứng nhanh, mạnh, đồng bộ của Mỹ và phương tây, với một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có, nhất là đánh vào kinh tế-tài chính, hệ thống giao dịch và thanh toán của Nga với bên ngoài, làm đình trệ cả việc đi lại, vận chuyển hàng không, đường biển.

Thứ ba, là hệ lụy của cuộc chiến. Thực sự cuộc chiến đã đem đến những hệ lụy lớn và chưa thể lường hết, về địa chiến lược chung với thế giới, trước hết là với châu Âu, cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Trước mắt, là việc kiểm soát không để xung đột gia tăng, mở rộng, và xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo dẫn tới hàng triệu gia đình Ukraine phải ly tán, trong đó có gần 4 triệu người phải tị nạn sang các nước láng giềng.

Thứ tư, là giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Có thể thấy, giải pháp không chỉ còn nằm trong tay Nga, dù là nước phát động cuộc chiến, mà cần những khuôn khổ rộng hơn, bao gồm cả NATO, EU và châu Âu, trong đó không chỉ Nga, mà cả Ukraine cũng sẽ có vai trò. Đã có thể thấy, biện pháp quân sự thuần tuý khó có thể là giải pháp, ngay cả với lợi ích của Nga, nước có ưu thế quân sự. Thương lượng Nga-Ukraine, dù còn phức tạp, vẫn được duy trì và đã có những tín hiệu bước đầu. Tuy nhiên, diễn biến cuộc chiến vẫn rất phức tạp và hàm chứa nhiều nguy cơ, rủi ro.

Liệu có dẫn tới cục diện “Chiến tranh Lạnh 2.0”?

Xung đột nổ ra càng làm bộc lộ những căn nguyên bất ổn và dồn nén từ lâu. Có vấn đề NATO lấn lướt hướng sang đông, sát tới biên giới với nước Nga, có quan ngại an ninh của Nga và việc Nga trỗi dậy, muốn lấy lại vị trí và khu vực ảnh hưởng của mình, cũng có lịch sử thăng trầm quan hệ Nga-Ukraine.

Do vậy, khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay, không chỉ gói trong quan hệ hai nước, mà đan xen địa chiến lược nhiều chiều phức tạp, giữa các nước lớn và các trục chính là NATO, Nga, Ukraine, cả về chính trị và an ninh, có cả yếu tố hiện tại và yếu tố lịch sử.

Trở lại câu hỏi, liệu tình hình có dẫn tới “chiến tranh lạnh 2.0”, tức là hiểu việc này ở tầm thế giới, hay không. Thế thì, cần nhìn nhận nó tác động đến châu Âu và thế giới ra sao, rồi soi vào những đặc điểm của chiến tranh lạnh trước đây, mới có thể kết luận được.

Với châu Âu, chắc chắn là hệ lụy rất lớn, phức tạp và lâu dài, như đã nói ở trên. Trước hết, đó là sự phân cực của đa số châu Âu ở phía tây, cùng với Mỹ, NATO, EU, với bên kia là Nga và một hai nước ở phía đông, trên các mặt về cả chính trị, an ninh và kinh tế. Việc Nga phát động cuộc chiến đã trở thành nhân tố để Mỹ, NATO, EU và nhiều nước khác đoàn kết, tập hợp trở lại, tăng chi phí quốc phòng và đề ra chiến lược an ninh mới, ứng phó với mối đe dọa từ Nga.

Nhiều nước, đã từ bỏ sự “mập mờ chiến lược” vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Nga, như Đức, hay Baltics, có những nước gần Nga cũng đang cân nhắc lại chính sách trung lập của mình. Quan hệ Nga-Ukraine và an ninh phía tây nước Nga, kể cả sau xung đột, trái vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Cuộc chiến và các cấm vận hiện nay càng làm cho sự phân cực và những bất ổn này thêm sâu sắc.

Châu Âu, sau cuộc chiến, chắc chắn không thể không có Nga, nhưng những chuyển động và sự phân cực hiện nay sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, phần nhiều bất lợi hơn cho Nga và khó có thể sớm được loại bỏ.

Nếu không tìm cách đi tới những giải pháp phù hợp, cân đối và tính đến lợi ích các bên, bao gồm cả Ukraine và Nga, thì Châu Âu vẫn sẽ tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro bất ổn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với cấu trúc an ninh ở khu vực sắp tới.

Châu Âu bất ổn chắc chắn đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới và các khu vực khác. Về kinh tế, thương mại, đã thấy rõ những tác động tiêu cực, nhất là nguy cơ khó khăn về nguồn cung dầu khí và khi Châu Âu, EU, bạn hàng lớn của thế giới, gặp khó khăn. Về chính trị an ninh, người ta cũng lo ngại về nguy cơ cạnh tranh, chính trị cường quyền nước lớn cũng gia tăng, có thể dẫn đến các bất ổn ở các khu vực khác.

Dù có những hệ lụy phức tạp, nhưng cuộc chiến ở Ukraine chắc chắn không thể dẫn một cuộc “chiến tranh lạnh 2.0” được.

Trước hết, nước Nga không đủ mạnh và không thể tự mình tập hợp thành một cực trên thế giới, để hình thành một cực đứng về phía Nga. Mặt khác, Nga dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng về năng lượng dầu khí, hay nguyên vật liệu, quốc phòng, nhưng nếu đặt chung trong tổng thể kinh tế thế giới, thì tỉ trọng thương mại của Nga không phải là con số lớn, khó có thể gây khó khăn và tạo ra phân cực cho thế giới.

Thứ hai, trong tam giác Mỹ, Trung, Nga, có thể có ít nhiều xáo trộn, nhưng cặp Mỹ-Trung vẫn là quan trọng và chi phối nhất. Mỹ-Trung cạnh tranh chiến lược nổi lên, nhưng vẫn quan hệ tuỳ thuộc và đan xen lợi ích, cần tranh thủ nhau và tránh xung đột trực diện, khó có thể dẫn đến sự phân cực trên toàn tuyến, thành hai hệ thống biệt lập và đối nghịch nhau như thời Mỹ-Xô trước đây được.

Thứ ba, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể đưa Nga đến gần hơn với Trung Quốc, nhưng hai nước sẽ khó có thể gắn hẳn với nhau thành một cực đối đầu với Mỹ, mà sẽ tập hợp theo hình thức linh hoạt.

Trung Quốc cũng có những tính toán lợi ích và chiến lược riêng, tuy cần tranh thủ Nga, nhưng Trung Quốc cũng rất cần Mỹ và phương Tây, cả về kinh tế và chiến lược. Đơn cử về thương mại, hiện Trung Quốc với Nga là khoảng 147 tỉ USD, trong khi với Mỹ hơn 700 tỉ và với EU trên 800 tỉ, tức là cộng lại, hơn mười lần so với Nga. Ngay về cấm vận, dù phản đối và tiếp tục quan hệ với Nga, nhưng Trung Quốc cũng đã nói không muốn bị liên luỵ và vạ lây vì các cấm vận này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải xét nhiều chiều các hàm ý từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, để soi vào lợi ích của mình, như về các nguyên tắc không can thiệp, hay toàn vẹn lãnh thổ, vì Trung Quốc cũng cần những điều này, chứ không chỉ về tập hợp để cạnh tranh với Mỹ hay gia tăng ảnh hưởng.

Tuy lúc này, quan tâm chú ý có thể dành nhiều cho châu Âu do cuộc chiến ở Ukraine, nhưng về căn bản, trọng tâm địa chiến lược vẫn tiếp tục là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả về chính trị, an ninh và kinh tế.

Có chăng, điều cần chú ý, là khu vực có thể có những phức tạp mới đổi với một số điểm nóng, hệ lụy từ cạnh tranh nước lớn, có thể nảy sinh như ở châu Âu. Tuy nhiên, những hệ lụy từ cuộc chiến đang đặt ra với nước Nga, cũng sẽ là bài học, mà các nước khác cũng đều phải cân nhắc.

Khủng hoảng Ukraine: Nước nhỏ mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn

Câu chuyện của châu Âu hiện nay cũng sẽ đặt ra nhiều bài học lớn cho các nước và thế giới.

Trước hết, cần không để bị kẹt vào cạnh tranh nước lớn, điều này không chỉ ở việc không chọn bên, mà quan trọng là đa dạng hoá quan hệ, chơi được với các nước lớn và nhiều bên.

Thứ hai, càng cần phải đề cao luật pháp quốc tế, các nguyên tắc, về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phản đối việc sử dụng vũ lực và nhấn mạnh việc giải quyết hoà bình các tranh chấp.

Thứ ba, cần biết ứng phó, hoá giải các nguy cơ nảy sinh, phù hợp với lợi ích quốc gia và có tính đến lợi ích các bên liên quan. Cuối cùng, cần phát huy tự lực tự cường đi đôi với mở rộng hợp tác, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tạo thế đan xen lợi ích, với các đối tác, khu vực và thế giới.

Bài học tự chủ, đa dạng hoá cũng bao gồm cả về chính trị, kinh tế, an ninh, từ đó, tránh rủi ro, quá phụ thuộc vào một thị trường hay nguồn cung, như về năng lượng, lương thực, hay khí tài, thiết bị.

Các cấm vận hiện nay đặt ra nhiều thách thức, trở ngại, trong các giao dịch thương mại chung và với Nga, do đó cần nắm kỹ, để vẫn làm được những gì không bị cấm và không để bị ảnh hưởng đến thương mại với các đối tác khác. Mặt khác, cũng là lúc tìm kiếm thêm thị trường, về những sản phẩm ta có thế mạnh, như nông nghiệp, với các đối tác bị ảnh hưởng như châu Âu.

Tính rộng ra, thế giới vẫn luôn phải đối diện với cái chung hơn, là chính trị địa chiến lược nước lớn, thì trong đó, không chỉ có thách thức, mà còn cả cơ hội.

Đó là, cần và có thể thúc đẩy quan hệ với các nước lớn khác nhau, dù giữa họ là cạnh tranh, và với các nước khác, từ đó, vừa thúc đẩy môi trường thuận lợi cho an ninh và phát triển, vừa góp phần nâng cao vị thế và hội nhập quốc tế. Song hành với đó là đề cao và thúc đẩy tham gia vào các tổ chức hợp tác ở khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và các thể chế liên quan.

Ở châu Á – TBD đều có những cạnh tranh nước lớn, đều có những điểm nóng tiềm tàng và đều có những yếu tố mà nước lớn có thể coi là vùng ảnh hưởng của mình.

Vì vậy cần đẩy mạnh vừa quan hệ với các đối tác lớn, vừa có cách ứng xử để nhấn mạnh luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ, thúc đẩy cơ chế đa phương, ở khu vực và thế giới, để góp phần giảm thiểu và hóa giải các nguy cơ, thúc đẩy hợp tác, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh rơi vào bẫy cạnh tranh nước lớn và chiến tranh.

Kịch bản cho thương lượng Nga – Ukraine

Qua hơn 1 tháng, chiến sự ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và chưa có lối ra, nhưng giữa Nga và Ukraine vẫn duy trì các cuộc thương lượng và cũng đã có những tín hiệu nước đầu của hai bên. Cũng đã có thêm những nỗ lực ngoại giao giúp tìm giải pháp đối thoại đến từ nhiều bên. Hiện vẫn khó có thể dự đoán chiều hướng của cuộc chiến, nhưng có thể có một vài điểm đáng chú ý sau.

Trước hết, dùng quân sự khó có thể giải quyết được các khía cạnh của cuộc khủng hoảng, ngay cả với Nga là nước phát động tấn công và có lợi thế. Đơn cử như vấn đề trung lập của Ukraine và đảm bảo quốc tế, xử lý vấn đề cấm vận với Nga hay việc giúp đỡ nhân đạo, tái thiết Ukraine. Ngoài ra, một giải pháp quân sự cũng dễ kéo dài và sa lầy.

Như vậy, dù chiến trường có thể quyết định, nhưng khó có thể thiếu một giải pháp thương lượng chính trị nào đó, có thể đáp ứng yêu cầu của các bên, nhất là khi, giải quyết tranh chấp còn liên quan đến các bên khác, ngoài Nga và Ukraine.

Khi cuộc chiến xảy ra, thì cũng phát sinh những yếu tố mới, song phương không thể giải quyết, mà còn cần các yếu tố nhiều bên khác. Đơn cử như câu chuyện cấm vận và tháo gỡ cấm vận, bảo đảm quốc tế khi Ukraine trung lập, hay xa hơn là cấu trúc an ninh châu Âu. Điều này liên qua đến lợi ích của các bên, bao gồm cả với Nga.

Hiện tại, nguy cơ chiến sự diễn biến vẫn rất phức tạp. Việc Nga nói, chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự sang tập trung khu vực đông Ukraine, có thu hẹp chiến sự hay chế bớt nguy cơ xung hay không, sẽ còn phải chờ thêm. Hy vọng rằng, vẫn còn có những cánh cửa cho các cuộc thương lượng và các nỗ lực trung gian hòa giải.

Tuy nhiên, nhìn vào yêu cầu của hai phía, có thể thấy một số tín hiệu về vấn đề trung lập và Ukraine không gia nhập NATO, nhưng cũng có những vấn đề rất phức tạp, như liên quan đến lãnh thổ của Ukraine. Khả năng đàm phán sẽ vẫn rất phức tạp, phải đi từng bước, như hướng tới một ngừng bắn và tạo khung, lộ trình cho các đàm phán tiếp theo.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới