Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiDONBASS TRONG NƯỚC CỜ CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA NGA Ở UKRAINE

DONBASS TRONG NƯỚC CỜ CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA NGA Ở UKRAINE

Donbass có thể trở thành tâm điểm trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine và quyết định cục diện cuộc khủng hoảng giữa hai quốc gia láng giềng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC THAY ĐỔI

Thời điểm xung đột Nga – Ukraine bước sang tháng thứ hai cũng là lúc Nga bất ngờ tuyên bố hoàn tất giai đoạn một của chiến dịch quân sự và chuyển trọng tâm sang “giải phóng Donbass”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 29/3 tuyên bố, Nga đã hoàn thành mục tiêu chính thuộc giai đoạn một của chiến dịch quân sự tại Ukraine và trọng tâm tiếp theo sẽ là vùng Donbass. Bộ trưởng Shoigu nói rằng, sau giai đoạn một, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang Ukraine đã bị suy giảm đáng kể, cụ thể, không quân và lực lượng phòng không của Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn, hải quân không còn tồn tại.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ “giảm đáng kể” hoạt động quân sự ở khu vực quanh thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv nhằm “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm thống nhất và ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine”.

Giới chức quân sự Mỹ xác nhận, Nga đã bắt đầu rút một phần lực lượng khỏi khu vực quanh Kiev. Nhiều xe quân sự mang cờ Nga được nhìn thấy rút khỏi các vị trí gần Kiev. Trưởng đoàn đàm phán Nga kiêm trợ lý Tổng thống Vladimir Putin, ông Vladimir Medinsky, nhấn mạnh các động thái này không đồng nghĩa với một lệnh ngừng bắn và khẳng định Nga, Ukraine vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể tiến tới một thỏa thuận có thể chấp nhận được với cả hai bên.

Trước đó, hôm 25/3, tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu quân đội Nga, cho biết sau một tháng giao tranh, quân đội Nga đã phá hủy 16 sân bay chủ lực, cùng 39 căn cứ hậu cần và kho vũ khí với 70% lượng khí tài của Ukraine. Ông cho biết: “Chúng tôi ban đầu không có kế hoạch tiến vào các thành phố Ukraine đang bị bao vây, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về sinh mạng. Phương án này vẫn được để ngỏ, nhưng trong bối cảnh nhiều đơn vị đã hoàn tất nhiệm vụ được giao, lực lượng Nga sẽ tập trung vào mục tiêu chính là giải phóng hoàn toàn Donbass”.

Theo giới quan sát, tuyên bố thay đổi mục tiêu chiến dịch của Nga có thể là dấu hiệu Moscow đang thay đổi chiến lược và cục diện xung đột được dự đoán sẽ còn nhiều bất ngờ trong thời gian tới.

Động thái này của Moscow diễn ra trùng thời điểm phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tháo gỡ căng thẳng. Tại bàn đàm phán, Ukraine đã đề xuất một hệ thống đảm bảo an ninh mới để đổi lấy đảm bảo an ninh. Theo đó, nước này sẽ không gia nhập các liên minh quân sự và không có căn cứ quân sự nước ngoài. Ukraine đề xuất Israel, Ba Lan, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là các nước đảm bảo an ninh cho Ukraine theo hệ thống đảm bảo an ninh mới. Nếu hệ thống đảm bảo an ninh hiệu quả, Ukraine sẽ chấp nhận trạng thái trung lập. Về vấn đề Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014, Ukraine đề xuất thời gian tham vấn 15 năm nhưng chỉ có thể có hiệu lực trong trường hợp ngừng bắn hoàn toàn.

NGA THU HẸP MỤC TIÊU

Giới phân tích và quân sự phương Tây đã đưa ra những giả thuyết khác nhau về nguyên nhân, mục đích thực sự đằng sau quyết định chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Reuters nhận định, tuyên bố này cho thấy Nga có thể đang chuyển sang các mục tiêu cụ thể hơn so với mục tiêu ban đầu khi Tổng thống Putin thông báo mở chiến dịch quân sự nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Điều này có thể giúp Nga đưa ra một tuyên bố chiến thắng dễ dàng hơn đặc biệt trong bối cảnh lực lượng của Ukraine tiếp tục kháng cự mạnh mẽ và các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

“Nếu chiến dịch chuyển sang tập trung vào Donbass, nghĩa là cuộc chiến vẫn diễn ra. Các nhà phân tích quân sự ở Ukraine coi đó là cách để Nga có thể tuyên bố chiến thắng”, Imran Khan, phóng viên của Al Jazeera, bình luận.

Hãng tin AP cũng nhận định, Nga dường như đã chuyển trọng tâm từ cuộc tấn công trên mặt đất nhằm vào thủ đô Kiev sang ưu tiên “giải phóng” vùng Donbass, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến.

Ông Omar Ashour, một nhà nghiên cứu tại Viện Doha Omar, cho rằng việc kiểm soát Kiev không còn nằm trong kế hoạch của Nga sau khi kế hoạch này bị cản trở bởi sức kháng cự ngoài dự đoán của Ukraine cũng như các thách thức hậu cần. “Tôi nghĩ đó là một cách khác để cho rằng nỗ lực bao vây và kiểm soát Kiev đã thất bại, và Nga đang tập trung vào phía Đông”, ông Ashour nói.

Hôm 24/2, khi Nga đưa hàng chục nghìn binh sĩ vào Ukraine, bắt đầu chiến dịch quân sự được coi là lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhiều quan chức quân sự phương Tây tin rằng Nga có thể nhanh chóng giành quyền kiểm soát Kiev trong vòng vài ngày và “vô hiệu hóa” quân đội Ukraine chỉ sau vài tuần. Tuy nhiên, thực tế, sau hơn một tháng, bất chấp các nỗ lực tập trung lực lượng bao vây Kiev từ nhiều phía và những cuộc không kích, pháo kích, quân đội Nga vẫn chưa thể chọc thủng tuyến phòng thủ của thành phố này.

Giáo sư về các vấn đề quốc tế Stephen Biddle tại Đại học Columbia nhận định, việc chuyển trọng tâm của chiến dịch quân sự vào thời điểm này có thể là cách để Nga tập hợp lại lực lượng, điều chỉnh những vấn đề về chiến lược.

Tổng thống Putin bố trí hơn 150.000 quân ở biên giới Ukraine, sau đó điều động họ theo nhiều cách tiếp cận nhằm hướng tới các mục tiêu đa dạng, gồm kiểm soát Kiev, kiểm soát thành phố chiến lược Mariupol và miền Nam Ukraine, thay vì tập trung duy nhất vào Kiev hay Donbass. Theo một số nhà phân tích, ngay từ đầu, quân đội Nga dường như đã coi nhẹ sức kháng cự của Ukraine, dẫn đến việc lực lượng dàn trải cùng lúc trên nhiều mặt trận, các cuộc tấn công thiếu sự phối hợp, lực lượng không được chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Lực lượng chiến đấu đã trải quá mỏng trên quá nhiều khu vực của Ukraine và hiện họ có thể đang cố gắng tập hợp lại với trọng tâm là Donbass, biến đó thành điểm khởi đầu mới cho một chiến dịch mà họ có thể mở rộng sau này”, giáo sư Biddle bình luận.

Mykola Sunhurovskyi, chuyên gia phân tích quân sự ở trung tâm cố vấn Razumkov có trụ sở tại Kiev, cho biết hiện Nga đã từ bỏ nỗ lực tấn công Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine và chỉ bao vây nhằm làm suy yếu Ukraine. “Nga đã thay đổi chiến thuật để phân bổ lại lực lượng và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”, chuyên gia này nhận định.

Nói cách khác, việc chuyển trọng tâm chiến lược quân sự của Nga lúc này nhiều khả năng chỉ là khoảng “tạm dừng” hơn là tín hiệu Nga sắp kết thúc chiến dịch ở Ukraine với tuyên bố chiến thắng hạn chế. Khoảng “tạm dừng” này một phần là bởi Moscow cần thời gian để tái tổ chức lực lượng và một phần có thể do yếu tố thời tiết.

Volodymyr Fesenko, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Penta tại Kiev, đánh giá: “Cả hai bên đều có nhiều lý do để tạm dừng vào lúc này, và Điện Kremlin có thể tận dụng thời gian để tính toán các chiến thuật mới”.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự người Nga Pavel Felgenhauer lập luận, khí hậu mùa xuân đang tới và các điều kiện trên thực địa có thể giải thích cho việc Moscow “tạm dừng” các nỗ lực ở phía Bắc và phía Tây.

“Chiến dịch mùa đông về cơ bản đã kết thúc. Sẽ có lũ lụt và nhiều bùn hơn. Đến tháng 5, tất cả sẽ khô ráo và sau đó là chiến dịch mùa hè, rất có thể sẽ mang tính quyết định”, ông Felgenhauer nhận định.

Nếu những lập luận này là đúng, chiến sự Nga – Ukraine sẽ chưa dừng lại ở đó, mà thậm chí sẽ còn diễn biến phức tạp.

DONBASS TRONG CHIẾN LƯỢC “SIẾT GỌNG KÌM”

Donbass từ lâu đã là điểm nóng căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở Donbass 8 năm qua đã khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng.

Việc Nga chuyển trọng tâm sang Donbass hiện nay được cho là có liên quan đến chiến lược đàm phán khi Nga vẫn chưa có được những thỏa hiệp từ Ukraine với những điều kiện mà Moscow đưa ra.

Phần lớn quân đội Ukraine hiện tập trung ở miền Đông, nơi giao tranh giữa Kyiv và lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk và Lugansk kéo dài gần 8 năm. Lầu Năm Góc cho biết nếu Nga bao vây thành công lực lượng Ukraine tại Donbas, Moscow có thể lấy đó làm lợi thế trên bàn đàm phán.

“Đây có thể là chiến lược đàm phán. Ông ấy (Tổng thống Putin) muốn đảm bảo lợi thế ở nơi ông ấy đã tấn công trong 8 năm, nhằm tạo đòn bẩy trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi cũng không chắc chắn”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby bình luận.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho rằng, quyết định chuyển trọng tâm sang Donbass có thể liên quan đến những diễn biến tại Mariupol – thành phố cảng chiến lược của Ukraine. Quân đội Nga hiện kiểm soát hầu hết Mariupol. Nếu Mariupol thất thủ, Nga sẽ kiểm soát khu vực miền Đông Nam Ukraine, kết hợp với lực lượng ở thành phố Kharkov để tạo thành gọng kìm bao vây lực lượng Ukraine ở Donbass.

Khi đó, Moscow có thể áp đặt các điều kiện của mình trên bàn đàm phán như buộc Ukraine phải cam kết duy trì vị thế trung lập, không gia nhập NATO, giải trừ quân bị và thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến bán đảo Crimea và vùng ly khai Donbass. Thậm chí, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine Kyrylo Budanov không loại trừ khả năng việc Nga chuyển trọng tâm chiến dịch là một phần trong kế hoạch nhằm tìm cách chia tách Ukraine thành hai phần lãnh thổ, tương tự hai miền Triều Tiên.

Về tình trạng của Donbass, theo Bộ Quốc phòng Nga, phe ly khai hiện kiểm soát 93% khu vực Lugansk và 54% khu vực Donetsk – hai khu vực tạo thành vùng Donbass. Mới đây, người đứng đầu chính quyền ly khai Lugansk Leonid Pasechnik cho biết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai gần về việc đưa vùng đất này sáp nhập Nga. Vài ngày trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh công nhận “độc lập, chủ quyền” của Donetsk và Lugansk.

Hiện chưa thể khẳng định mục đích thực sự của Nga khi chuyển trọng tâm chiến dịch sang Donbass, song Donbass chắc chắn sẽ là phần quan trọng trong tính toán chiến lược của Moscow trong những ngày tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới