Sunday, January 5, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp thất vọng vì giá xăng giảm nhỏ giọt, dầu tăng...

Doanh nghiệp thất vọng vì giá xăng giảm nhỏ giọt, dầu tăng cao

Nhiều doanh nghiệp hy vọng sau khi giảm thuế môi trường giá xăng, dầu sẽ giảm nhưng nhanh chóng “vỡ mộng” khi giá dầu diesel tăng 1.450 đồng lên 25.080 đồng một lít.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải vào khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.

Từ 0h ngày 1/4, Liên bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng giảm giá tất cả mặt hàng xăng, trong khi tăng mạnh giá dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít về 27.309 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.039 đồng/lít còn 28.153 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hoả tăng 1.519 đồng, lên 23.764 đồng một lít, dầu diesel lên 25.080 đồng một lít, tăng 1.447 đồng.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, tỏ ra khá thất vọng khi “giá xăng giảm nhỏ giọt mà giá dầu tăng phi mã”.

“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi hy vọng giá xăng, dầu sẽ giảm mạnh sau khi giảm thuế môi trường. Với mức giảm chỉ hơn 1.000 đồng một lít với xăng nhưng lại tăng tới 1.447 đồng với dầu diesel thì áp lực vẫn đè nặng, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn sẽ tiếp tục khó khăn”, ông Hải nói.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cũng lo lắng không kém khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao. “Xe nằm bãi nhiều hơn xe chạy. Tới đây nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay thì chúng tôi sẽ tiếp tục phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp không đủ sức mà cầm cự nữa” ông Bằng nói.

Ngành hàng không cũng lâm vào tình trạng khó khăn vì giá nhiên liệu leo thang. Vietnam Airlines tính toán nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí của hãng ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.

Với vận tải biển, giá cước vận tải biển đi các chặng Mỹ, châu Âu tăng lại từ đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (hiện tăng từ 800-1.000 USD cho mỗi container 20 feet) khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam loay hoay chống đỡ.

Chia sẻ tại chương trình “cà phê sáng cùng HLA” mới đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bày tỏ những khó khăn, đề ra các giải pháp để thích ứng biến động giá nhiên liệu. Theo ông Dương Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc SDS – MP Logistics, giá xăng dầu đã tăng 30% so với năm ngoái, mặt bằng chung cước vận chuyển tăng 5 – 10% khiến doanh nghiệp kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt. Nên đã có không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường (3.800 đồng đối với RON 92, 4.000 đồng đối với RON 95) và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu.

Từ đó, ông Long cho rằng để giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp, nên tính toán giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

Tương tự, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao có thể tính đến giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Tôi cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Chúng ta vẫn cần phải tính dài hơn hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa. Như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT, đa dạng hóa nguồn cung…”, ông Đông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới