Quan chức Nga cảnh báo nước này có thể chỉ xuất khẩu nông sản tới các nước “thân thiện” nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp các thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp cho bạn bè của chúng tôi. May mắn là chúng tôi có rất nhiều bạn bè như vậy và họ hoàn toàn không ở châu Âu hay Bắc Mỹ”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm nay 1/4 cho biết.
Theo ông Medvedev, nguồn cung nông nghiệp của Nga cho các nước “bạn bè” sẽ được thanh toán bằng đồng rúp và đơn vị tiền tệ của các nước này theo tỷ lệ đã thỏa thuận.
Cựu Tổng thống Medvedev cho biết ông muốn phác thảo “một số điểm đơn giản nhưng quan trọng về tình hình an ninh lương thực ở Nga”, trong bối cảnh Moscow đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.
Ông Medvedev cho biết Nga vẫn ưu tiên cung cấp lương thực cho thị trường nội địa và kiểm soát giá cả trong nước. Nga đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc và thuế từ năm 2021 nhằm cố gắng ổn định lạm phát lương thực cao trong nước.
Ông Medvedev cho biết Nga đã cấm hầu hết thực phẩm nhập khẩu của phương Tây từ năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea, nhưng có thể mở rộng danh sách này vào thời điểm hiện tại. Nhiều công ty nước ngoài đã tạm dừng bán các sản phẩm của họ ở Nga vào tháng trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” nếu các nước này không thanh toán bằng đồng rúp, bắt đầu từ 1/4.
“Không ai bán bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng không làm từ thiện. Tức là, các hợp đồng hiện tại (không được trả bằng rúp) sẽ bị tạm dừng. Nếu không thực hiện các giao dịch bằng đồng rúp, chúng tôi sẽ coi đây là trường hợp bên mua không thực hiện nghĩa vụ. Khi đó, họ sẽ phải chịu hậu quả”, ông Putin nói thêm.
Nga đã công bố danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Moscow coi là “không thân thiện” do áp đặt hoặc tham gia trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Danh sách này gồm Mỹ, Canada, các nước EU, Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Bắc Macedonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan.
Việc Nga quyết định chỉ nhận thanh toán bằng rúp đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ “không thân thiện” được cho là chủ yếu tác động đến châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. EU tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng cũng thừa nhận điều này không thể diễn ra trong một sớm, một chiều.
Các động thái của Nga là một phần trong nỗ lực gây sức ép đối với phương Tây nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức tuyên bố “việc thanh toán bằng đồng rúp là không thể chấp nhận được” và các nước thành viên G7 (gồm Đức, Anh, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ) sẽ hối thúc các công ty liên quan “không tuân theo” yêu cầu của Tổng thống Nga.
Nga hứng hàng loạt lệnh trừng phạt kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Điện Kremlin mới đây thừa nhận, Nga đang trải qua một “cú sốc” kinh tế do các lệnh trừng phạt “chưa từng có” của phương Tây.
T.P