Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnQuan hệ với Nga phủ bóng thượng đỉnh EU - TQ

Quan hệ với Nga phủ bóng thượng đỉnh EU – TQ

Sau một thời gian trì hoãn, dự kiến hôm nay (1/4), giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến.

Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc sẽ thảo luận an ninh toàn cầu và quan hệ song phương.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – EU đang rạn nứt vì một loạt mâu thuẫn về ngoại giao, địa chính trị và thương mại, hội nghị lần này được đánh giá là một “phép thử” nữa cho mối quan hệ hai bên, khi châu Âu không hài lòng và muốn gây sức ép buộc Bắc Kinh phải có quan điểm rõ ràng cho vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga.

EU đã cảnh báo Trung Quốc sẽ “phải trả giá đắt”

Việc châu Âu lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng nước này sẽ phải trả giá đắt nếu như ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine có thể hiểu là một lời cảnh cáo, một lời răn đe rằng nếu Trung Quốc có các động thái rõ ràng như trợ giúp quân sự, trợ giúp tài chính hay giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây thì Trung Quốc cũng sẽ trở thành mục tiêu của những trừng phạt đó.

Đây là thông điệp được các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và châu Âu, đưa ra từ nhiều tuần qua, ngay khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Trung cách đây hơn 10 ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhắc lại lời cảnh cáo đó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, không có bất kỳ quan chức cấp cao phương Tây nào tiết lộ một cách cụ thể rằng các nước này dự định sẽ bắt Trung Quốc phải “trả giá” ra sao nếu Trung Quốc ủng hộ Nga bằng các hành động rõ rệt chứ không chỉ là lời nói. Đó có thể là các biện pháp trừng phạt kinh tế như hạn chế xuất khẩu, hạn chế việc tiếp cận thị trường tài chính, thị trường công nghệ châu Âu đối với các công ty Trung Quốc, hoặc cũng có thể là các “trừng phạt” về ngoại giao-chính trị như gia tăng sự ủng hộ của châu Âu đối với Đài Bắc Trung Quốc, gia tăng hợp tác quốc phòng với các quốc gia được coi là đối thủ của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…

Tất cả đều là các kịch bản có thể xảy ra nhưng châu Âu cho đến nay cũng chỉ dừng lại ở mức cảnh báo bằng lời nói. Nguyên nhân, một phần, đó là cần thiết phải giữ được sự bảo mật của những biện pháp này thì mới có năng lực răn đe đủ lớn, nhưng mặt khác, quan trọng hơn, đó là châu Âu cũng không tự tin là khối này có thể bắt Trung Quốc phải “trả giá đắt” đến mức nào.

Trung Quốc không phải Nga. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc hiện lớn hơn cả 27 quốc gia thành viên EU cộng lại. Trung Quốc là cường quốc số 1 thế giới về thương mại và là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc năm 2021 đạt mức gần 700 tỷ euro.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của EU, chiếm đến 22,4% giá trị xuất khẩu của EU. Trung Quốc cũng giữ vai trò quan trọng hàng đầu, nếu không nói là lớn nhất, trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói cách khác, Trung Quốc là một siêu cường kinh tế mà nếu châu Âu có ý định dùng lá bài kinh tế để “trừng phạt” Trung Quốc thì khối này cũng sẽ phải gánh hậu quả vô cùng nặng nề.

Nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 10 lần Nga và sức mạnh trả đũa của Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ lớn hơn nhiều lần. Vì thế, lời cảnh cáo từ châu Âu rằng “Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt” nếu ủng hộ Nga chỉ nên xem xét một cách tương đối. Tất nhiên, sẽ còn các lá bài khác về chính trị-ngoại giao mà châu Âu có thể vận dụng để khiến Trung Quốc lắng nghe nhiều hơn.

Trung Quốc muốn giải pháp “vẹn cả đôi đường”

Trước tiên, phải khẳng định rằng, Trung Quốc rất coi trọng cuộc gặp Thượng đỉnh lần này với EU. Theo tuyên bố hôm 30/3 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều xuất hiện ở các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị.

Trong đó, ông Tập Cận Bình sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong khi ông Lý Khắc Cường sẽ đồng chủ trì cuộc họp với hai nhà lãnh đạo này của châu Âu qua video.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế bất ổn và nhiều thay đổi với các yếu tố không chắc chắn ngày càng tăng như hiện nay, Trung Quốc và EU nên là những lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường Trung Quốc và châu Âu. Hai bên nên tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy lẫn nhau, tiến hành đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi, tiếp thêm năng lượng tích cực và sự ổn định cho tình hình toàn cầu đang có nhiều xáo trộn.

Nga là đối tác rất quan trọng của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ. Qua tuyên bố trên có thể thấy, Trung Quốc sẽ không “chiều lòng” châu Âu, mà sẽ cố gắng tìm các điểm chung với châu Âu trong việc xử lý quan hệ với Nga, nhằm không để các khác biệt giữa hai bên ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ Trung Quốc-EU.

Trung Quốc luôn cho rằng việc cố gắng liên kết vị thế của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine với tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-EU là không phù hợp, vì vấn đề Ukraine không phải là vấn đề có thể giải quyết trong khuôn khổ quan hệ Trung Quốc-EU, do vậy Bắc Kinh sẽ cố gắng để EU hiểu rằng cần phải tìm ra những mối quan tâm chung giữa hai bên trong vấn đề này để nó không tác động tiêu cực đến sự phát triển của quan hệ song phương.

Trung Quốc cũng hiểu rằng dù quan hệ với Nga đã rạn nứt thì EU vẫn cần phải liên lạc với Nga, như vậy Bắc Kinh có thể đóng vai trò như một cầu nối để hai bên tiếp xúc với nhau.

Trong một cuộc trao đổi tại Mỹ khi ở thăm nước nước này hôm 30/3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long Trung Quốc có thể bị rơi vào tình thế khó xử khi xử lý mối quan hệ với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ không phải trả giá đắt về mặt chính trị khi từ chối xa lánh Nga. Bởi Mỹ không thể vì việc này mà làm gián đoạn hay cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và châu Âu càng như vậy.

Định hướng mối quan hệ EU – Trung Quốc

Quan hệ với Nga hay cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là vấn đề cần phải và có thể giải quyết hay xử lý trong khuôn khổ quan hệ Trung Quốc-EU, mà chỉ có thể được coi là một yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên.

Bắc Kinh ý thức rất rõ rằng Hiệp định đầu tư song phương mà nước này đã rất cố gắng để ký với EU hồi cuối năm 2020 đang bị đình trệ, khúc mắc giữa hai bên trong vấn đề Đài Loan hay các lệnh trừng phạt lẫn nhau liên quan đến vấn đề Tân Cương…, mới là những trở ngại thực sự mà hai bên cần vượt qua.

Tuy nhiên, cũng cần nhận ra rằng, bất chấp những khó khăn trong quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn tiếp tục mở rộng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và căng thẳng gia tăng. Hai tháng đầu năm 2022, EU đã vượt qua ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc sau khi mất vị trí này vào năm 2021. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và EU đã tăng 14,8% so với cùng kỳ, đạt 137,16 tỷ USD.

Do vậy, Trung Quốc sẽ cố gắng chỉ cho EU thấy rằng, bằng cách thiết lập các cơ chế hợp tác thực dụng, hai bên có thể hợp tác cùng nhau để đối phó với một số tác động mà cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt có thể gây ra cho trật tự quốc tế hoặc nền kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, giới chuyên gia Trung Quốc không đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này với EU.

Châu Âu đang chịu nhiều sức ép từ phía Mỹ và các nhóm cứng rắn tại châu lục này, đặc biệt tại Nghị viện châu Âu, trong việc phải gây áp lực với Trung Quốc, buộc Trung Quốc từ bỏ chính sách được giới học giả châu Âu gọi là “trung lập thân Nga” hiện nay.

Nhiều nhà ngoại giao châu Âu cho rằng trong cuộc họp Thượng đỉnh lần này, châu Âu phải bày tỏ rõ quan điểm rằng nếu Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Nga thì nước này sẽ phải chịu thiệt hại trong quan hệ với châu Âu. Tuy nhiên, qua những gì đã diễn ra trong Thượng đỉnh Mỹ-Trung thì có thể thấy, châu Âu khó có thể hy vọng tạo được đột phá trong chiến lược này và Trung Quốc cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ chính sách đối ngoại hiện nay của mình bởi đó là các chính sách được tính toán trên lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Do đó, bên cạnh việc đưa ra thông điệp cảnh báo Trung Quốc không trợ giúp Nga quy mô lớn, châu Âu có lẽ sẽ đề cập nhiều hơn đến việc muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để tác động đến chính quyền Nga, qua đó sớm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, hay ít nhất là đạt được một giải pháp lâu dài cho vấn đề nhân đạo tại Ukraine, như di tản người dân khỏi các vùng chiến sự. Sự có mặt của Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, bên cạnh Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, trong cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc này chính là thể hiện cho ưu tiên cao về ngoại giao từ phía châu Âu.

Ngoài ra, mặc dù cuộc chiến tại Ukraine hiện đang chi phối hầu như toàn bộ các thảo luận giữa các cường quốc nhưng đây không phải là chủ đề duy nhất. Quan hệ giữa EU-Trung Quốc còn rất nhiều thách thức khác cần phải thảo luận và giải quyết, đặc biệt từ khi quan hệ hai bên xấu đi nhiều trong năm 2021 vì các vụ trừng phạt trả đũa lẫn nhau liên quan đến các cáo buộc về nhân quyền tại Tân Cương.

Từ trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine, các quan chức cấp cao EU đã rất cố gắng thu xếp có được cuộc họp Thượng đỉnh này với Trung Quốc để thẳng thắn thảo luận về các vướng mắc. EU từng yêu cầu Trung Quốc lập tức gỡ bỏ các trừng phạt đối với các nghị sĩ, các học giả châu Âu, qua đó dần phá thế bế tắc trong tiến trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, một hiệp định rất tham vọng được hai bên ký cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có khúc mắc trong quan hệ giữa Trung Quốc với một quốc gia thành viên EU là Litva khiến EU đã phải nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới – WTO. Châu Âu cũng nóng lòng muốn Trung Quốc thay đổi các điều khoản liên quan đến việc mở cửa thị trường, cơ chế cạnh tranh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.

Về tổng thể, dù còn nhiều bất đồng lớn nhưng giữa EU và Trung Quốc có nhiều không gian đối thoại và hợp tác hơn so với quan hệ Mỹ-Trung. Cả hai phía cùng đều coi trọng quan hệ song phương hiện nay, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Châu Âu chắc chắn không muốn mở thêm một trận chiến kinh tế-ngoại giao nữa với Trung Quốc khi khối này đang trong tình thế đối đầu toàn diện với Nga và Trung Quốc có lẽ cũng không mong muốn tổn hại một đối tác thương mại lớn hàng đầu như EU, càng không muốn thực thi một chính sách cực đoan có thể khiến châu Âu ngả hoàn toàn về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới