Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông nóng

Biển Đông nóng

Hải quân quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 30/3 đã mở cuộc tập trận tại Biển Đông kéo dài 2 ngày. Động thái quân sự mới nhất này củng cố thêm những dự đoán của dư luận và khiến các nước duyên hải trong khu vực này lo lắng.

Một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc

Ngay khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, cùng với theo dõi sát tình hình chiến sự tại đang diễn ra tại quốc gia Trung Âu này, giới chuyên gia còn theo sát động thái của các nước lớn.

Mỹ thì quá rõ. Washington lồng lên dữ dội lên án Nga xâm lược một quốc gia có chủ quyền; khẳng định mọi biện minh của Kremlin chỉ là giả dối; cấp tập viện trợ quân sự cho Ukraine…, đồng thời, ráo riết hối thúc các đồng minh phương Tây thể hiện quan điểm, thái độ. Tới lúc này, có thể thấy, đồng minh của Mỹ cơ bản đã cất tiếng theo cây đũa chỉ huy mà ông Biden đang vung: lên án Nga, viện trợ cho Ukraine; sốt sắng bỏ phiếu thông qua một nghị quyết (không ràng buộc) của Đại hội đồng LHQ yêu cầu Nga lập tức ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Điều mà các đồng minh Tây Âu của Mỹ không thể “không nâng lên đặt xuống”, là vấn đề năng lượng, cụ thể, có hay không viêc thực hiện lệnh cấm vận năng lượng nhằm vào Nga của Mỹ. Biết làm sao được khi hiện tại, Đức và nhiều nước khác phụ thuộc nguồn năng lượng do Nga cung cấp tới hơn 60%. Một khi Mỹ chưa thế Nga cung cấp năng lượng cho châu Âu, giận thế chứ giận hơn, đồng minh châu Âu của Mỹ cũng không thể “gật” nếu không muốn đối mặt với cơn giận dữ của người dân.

Còn Trung Quốc? Lò lửa Ukraine hóa ra lại là thời cơ để Bắc Kinh lên mặt ông kễnh. Ông Tập Cận Bình lập lờ nước đôi, viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng lại bỏ phiếu trắng ở phiên họp khẩn cấp tại Đại hội đồng LHQ, đồng thời, buông ra những lời bóng gió hàm ý rằng: Mỹ và phương Tây nên tự vấn xem có trách nhiệm gì trong việc khiến Gấu Nga đang hiền lành trở nên tức giận? Và điều cộng đồng quốc tế lo ngại hơn là cuộc chiến Ukraine sẽ được Trung Quốc coi như thời cơ để làm những việc khuất tất nhằm tạo thêm ưu thế của họ trên Biển Đông; thậm chí, có những hành động quyết đoán với Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc muốn lắm việc thu hồi về đại lục.

Với Đài Loan thì còn phải chờ xem. Nhưng với Biển Đông thì nhiều dấu hiệu cho thấy, lo lắng của dư luận là có cơ sở. Tần suất các cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông đang dày thêm trong thời gian gần đây.

Chỉ tính từ đầu năm 2022, đã có tới 17 cuộc tập trận được ghi nhận, trong đó có 5 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ. Tần suất chỉ là một khía cạnh. Điều khiến dư luận còn lo lắng hơn, là quy mô và thời gian. Có cuộc tập trận trong tháng 3 dài khác thường tới 10 ngày, từ 4 tới 15/3; điểm gần nhất của cuộc tập trận chỉ cách thành phố Huế của Việt Nam chưa đầy 60km… Cuộc tập trận mới nhất, dù chỉ diễn ra trong 2 ngày chót tháng 3, nhưng, như nhiều chuyên gia, báo hiệu rằng, trong tháng 4, rất có thể, Trung Quốc sẽ lại gia tăng nhiều hơn nữa tần suất các động thái quân sự gây hấn.

Cùng thời điểm này, dư luận còn sốt ruột thêm với thông tin, Trung Quốc đã hoàn tất việc quân sự hóa 3 đá chiếm đóng trái phép của Việt Nam, qua đó, mở rộng, nâng cao năng lực tác chiến ở Biển Đông.

Như sốt ruột với Bắc Kinh, Washington, dù đang bận bịu câu chuyện nóng bỏng ở Trung Ấu là Ukraine, cũng đã có hai động thái như muốn bắn thông điệp cho Bắc Kinh.

Trung tuần tháng 3, Mỹ cho tàu USS Miguel Keith – con tàu có thể thực hiện nhiệm vụ của căn cứ viễn chinh di động – cùng tàu khu trục lớp Arleigh Burke, đi qua eo biển Bashi để tiến vào vùng biển phía tây nam Biển Đông hôm 21/3 – một động thái được coi là “chưa từng có”. Kế đó, Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung thường niên “vai kề vai” kéo dài 12 ngày, từ 28/3-8/4, tại khu vực đảo Luzon ở phía Bắc Philippines có quy mô lớn nhất trong vòng 30 năm (kể từ năm 1991), với 9.000 quân của hai nước tham gia, trong đó quân đội Mỹ có 5.100 người, Philippines cử 3.800 người. Biển Đông trở nên bé tẹo, trước những cú xé sóng của các chiến hạm của hai cường quốc.

Cuộc chiến tại quốc gia Trung Âu Ukraine có chiều hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, cho dù có một giải pháp hòa bình trong mươi ngày nữa, thì trong chừng ấy thời gian chiến tranh đã trôi qua, nhiều người cho rằng: Trung Quốc cũng đã tranh thủ thời gian, làm được nhiều nhiều việc nhằm xác lập thêm ưu thế quân sự của họ trên Biển Đông rồi.

Thế nên, dư luận, cộng đồng quốc tế không yên tâm là phải.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới