Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Chợp mắt trong lúc cầm lái”

“Chợp mắt trong lúc cầm lái”

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, ông Peter Dutton thông báo một tin nóng về Biển Đông mà nguy cơ hiện hữu một cuộc chiến tranh nóng đang đến rất gần trong “vài năm tới”.

Trước đó, trong các văn bản chính thức, Úc dự báo có thể xảy ra xung đột vũ trang do những tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông và dự kiến có thể xảy ra vào năm 2040. Thế nhưng, theo ông Dutton, thời gian đó sẽ bị đẩy lên sớm hơn. Dự báo này căn cứ vào những tin tức thu thập được về những hành động ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh của Bắc Kinh.

Cụ thể, theo Trang News.com.au, hôm 5/4 dẫn nguồn từ một báo cáo, trong đó có nói một cách hình tượng về sự mất cảnh giác của chính quyền Canberra. Hình ảnh các nhà lãnh đạo “chợp mắt trong lúc cầm lái” là hết sức nguy hiểm (!).

Bản báo cáo này thông tin hai vấn đề khá căng thẳng: Một là, Trung Quốc đang thúc đẩy kho vũ khí công nghệ cao, tên lửa tầm xa; hai là, nước này hiện có 20 điểm hiện diện quân sự ở Biển Đông, quân đội đang duy trì “số lượng rất lớn” các loại tàu trong khu vực.

Hai sự kiện này đã minh chứng rất rõ mưu toan gây hấn, xung đột vũ trang, thôn tính Biển Đông. Nó đòi hỏi “người lái xe” phải hết sức tỉnh táo trong khi cầm lái.

Một bản báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố hôm 5/4, Trung Quốc đang phát triển loạt tên lửa hành trình. Những vũ khí này, trong một số trường hợp, có thể di chuyển với tốc độ siêu thanh trước khi hạ gục mục tiêu. Thông thường, tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến (ASCM) có tầm bắn xa và hệ thống dẫn đường hiện đại. Trong một số trường hợp nó có thể kết hợp các tính năng thiết kế tàng hình, mồi nhử và các biện pháp đối phó để hỗ trợ tên lửa thâm nhập thành công các hệ thống phòng không tối tân nhất hiện nay.

Trong khoảng 20 năm nay, quân đội Trung Quốc đã tăng cường phát triển và bí mật thu được các công nghệ và năng lực mới, gồm một loạt ASCM ngày càng tinh vi. Đứng đầu bảng là tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-12 có tầm bắn từ 400 đến 537 km”.

Các loại vũ khí hiện tại nêu trên sẽ gây ra những thách thức rất lớn cho lực lượng hải quân Úc và đồng minh. Thách thức đó là: một, khó phát hiện và đánh chặn; hai, có thể “làm bão hòa các hệ thống phòng không”; ba, đánh chìm hoặc gây hư hại cho tàu; bốn, chúng có thể bị các nhóm khủng bố như Hezbollah, vốn trước đây đã tiếp cận các công nghệ tàn phá, nắm giữ.

Không thể khoanh tay đứng nhìn mà phải chủ động cho chiến tranh công nghệ cao. Úc đang thúc đẩy sản xuất và trang bị vũ khí tầm xa. Dự kiến các máy bay chiến đấu và tàu hải quân của Úc sẽ được trang bị tên lửa tấn công tầm xa mới trước thời hạn nhiều năm. Bộ trưởng Quốc phòng Úc tuyên bố: Trên thực tế Úc đã không “chợp mắt” trong quá trình củng cố quốc phòng, mà đã cố gắng làm “hết mức”.

Ông Dutton nói: “Trung Quốc đang theo lộ trình trong mối quan hệ với Đài Loan. Họ đang tích lũy vũ khí hạt nhân. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng Úc có đủ năng lực ngăn chặn bất kỳ hành động hiếu chiến của các thế lực chống lại mình”.

Không chỉ phát triển vũ khí công nghệ cao và tên lửa tầm xa, Trung Quốc còn gia tăng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông, 20 điểm hiện diện là con số ít nhất.

Để đối phó với âm mưu của Trung Nam Hải, Canberra cho biết, sẽ tiếp nhận tên lửa trang bị cho máy bay phản lực trước kế hoạch 3 năm và tên lửa cho hải quân trước 5 năm. Úc cũng sẽ tiếp nhận các tàu ngầm chạy bằng năng lượng sớm hơn so với dự kiến. Chiếc tầu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ hạ thủy trong vài năm tới.

Ông Dutton không giấu diếm: “Chúng tôi sẽ có một thông báo trong vòng vài tháng tới về việc chọn mẫu tàu nào và chúng tôi có thể làm gì trong thời gian đó. Cả Mỹ lẫn Anh đều hiểu về các mốc thời gian, họ hiểu về những gì đang xảy ra ở Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương), và họ là những đối tác rất sẵn sàng”.

Đương nhiên, Úc sẽ không đơn độc, bởi bên cạnh là Mỹ. Trung Quốc sẽ không dễ làm mưa làm gió trên Biển Đông. Tuyên bố của Tổng thống Joe Biden về vị trí then chốt của Úc đối với Hoa Kỳ không dừng ở những lời nói suông. Hiện tại, trong một môi trường mà các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc dày đặc, thì việc trang bị tàu ngầm nguyên tử cho Úc là một tính toán cần thiết và khôn ngoan.

Như vậy, chiến lược an ninh của Canberra đã thay đổi. Hải quân Úc giờ đây đang hướng về kịch bản can thiệp ở Biển Đông và ở eo biển Đài Loan. Việc Úc mua tàu ngầm nguyên tử sẽ đặt Hải quân nước này vào trung tâm chiến lược răn đe mà Mỹ đang kiến tạo trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Đứng sau Úc, Washington cũng muốn tái lập thế thượng phong của Hải quân Mỹ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhân dịp này Mỹ lôi kéo thêm Úc, thành lập một một lực lượng “răn đe” Trung Quốc, một mũi tên trúng hai đích, vừa tận dụng được những lợi thế của Úc vừa khẳng định vị trí “bá chủ” của mình.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới