Cánh cửa du lịch đã mở toang, song các địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng vẫn lác đác khách, đặc biệt nhiều nơi vắng hẳn bóng khách quốc tế.
Theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều thời điểm trong những ngày qua, tại các địa chỉ vốn hút khách từ khi dịch COVID-19 chưa hoành hành như: Chùa Cầu, cầu An Hội cùng các hàng quán nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam rơi vào tình cảnh lác đác du khách. Đặc biệt, khách quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chia sẻ về hoạt động bán buôn trong những ngày qua, ông Nguyễn Văn Th. – chủ một quán nước giải khát nằm ngay vị trí đắc địa trong khu phố cổ bộc bạch: “Đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang. Phố chỉ thực sự nhộn nhịp được dăm ba ngày nhờ sự kiện khai mạc Năm Du lịch Quốc gia, còn bây giờ khách vắng lắm. Buồn nhất là dù đường bay quốc tế đã được mở lại nhưng vẫn không thấy khách Tây. Hàng chục năm qua, người dân trong khu phố này chủ yếu bán buôn, có của ăn của để cũng nhờ phần lớn vào khách nước ngoài”, ông Th. nói.
Đề cập đến việc đón khách quốc tế, đại diện 2 đơn vị chuyên kết nối dòng khách ngoại đến Quảng Nam suốt nhiều năm qua là Trung tâm Lữ hành Hội An và Hội An Express đều bày tỏ sự lo lắng.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hội An, từ ngày 15/3 đến nay, trung tâm vẫn chưa đón được bất kỳ một khách quốc tế nào. “Mọi năm, thời điểm tháng 3, rất nhiều khách nước ngoài đã liên hệ với Trung tâm Lữ hành Hội An để đặt dịch vụ khi đến phố cổ Hội An dịp lễ 30/4 – 1/5. Tuy nhiên, chừ đầu tháng 4 rồi mà vẫn không có lấy một khách liên hệ” – ông Tuấn thông tin thêm.
Tương tự đô thị cổ Hội An, một di sản văn hóa thế giới khác ở Quảng Nam là khu đền tháp Mỹ Sơn cũng đặt trong tình cảnh lác đác khách nội, vắng bóng khách ngoại.
Bà Văn Thị Cẩm Tú – Phó giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn – thống kê, kể từ khi được chọn thí điểm mở cửa đón khách đến nay, Thánh địa Mỹ Sơn đón khoảng 10.000 khách, trong đó khách quốc tế chỉ đạt tầm 1.000.
Theo bà Tú, thời điểm chưa xuất hiện dịch COVID-19, khách tham quan Mỹ Sơn chủ yếu là khách quốc tế (chiếm 90%). Tuy nhiên, từ thời điểm Chính phủ đồng ý mở lại du lịch để đón khách quốc tế, quần thể kiến trúc của người Chăm Pa vẫn chỉ có lèo tèo khách nước ngoài tới tham quan.
Tại Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, sau hơn nửa tháng mở cửa du lịch, nhiều cửa hàng lưu niệm và thuyền du lịch vẫn chờ khách quốc tế “gõ cửa”. Mỗi ngày, miền di sản thiên nhiên thế giới này chỉ đón vỏn vẹn 200 lượt khách trong nước tới tham quan.
Riêng trong tháng 3, Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đón 15.000 khách tham quan. Phần lớn du khách đến từ Hà Nội và TP.HCM. Ngành du lịch địa phương vẫn đang ngóng đoàn khách nước ngoài đầu tiên đến Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ngồi thẫn thờ trên chiếc xuồng giữa dòng sông Son, ông Hoàng Văn Tuấn (52 tuổi, trú thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) than thở: “Năm nay, du lịch ế quá, hết tháng 3 rồi mà mỗi ngày tôi chỉ chở được một chuyến khách. Đặc biệt, không có khách nước ngoài nên tiền bo cũng không có.
Gia đình tôi bao năm trời sống nhờ nghề chèo thuyền đưa rước khách tham quan trên sông Son, giờ vắng khách, thu nhập ít khiến cuộc sống rất bấp bênh”.
Trong khi đó, tại các điểm du lịch nổi tiếng ở cố đô Huế, sau khi mở cửa du lịch, khách nội địa dù có tăng so với trước nhưng khách nước ngoài gần như vắng bóng.
Những ngày cuối tuần thường là thời điểm “vàng” để các điểm du lịch tại Huế đón du khách. Thế nhưng, ghi nhận thực tế tại Đại nội Huế, lượng khách tham quan vẫn khá èo ọt.
Đang cùng gia đình tham quan di tích Đại nội Huế, anh Phúc (du khách đến từ Hải Phòng) cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Huế du lịch. Ấn tượng của anh khi đến đây là khung cảnh êm đềm với vẻ đẹp cổ kính của những cung điện, lăng tẩm. “Song lượng khách đến Huế tham quan lác đác cũng khiến bầu không khí buồn man mác. Có thể nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch”, anh Phúc chia sẻ.
Theo đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, sau khi mở cửa du lịch, lượng khách nội địa đến Huế có tăng nhưng khách quốc tế lại khá hạn hẹp.
“Từ tháng 7/2021, Sở Du lịch xúc tiến 2 đường bay Huế – Seul, Incheon và Huế – Thái Lan. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đang có chính sách hơi cứng khi khách đến Việt Nam và quay về Hàn. Do đó Sở sẽ thúc đấy đường bay Huế – Thái Lan trước, sau đó sẽ mở lại đường bay Huế – Hàn Quốc, cuối cùng là Nhật Bản”, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế thông tin thêm.
Không thể có khách trong “một sớm một chiều”
Dù khách du lịch vẫn không đông như mong đợi song ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng quyết định công bố mở cửa toàn diện du lịch quốc tế là tín hiệu rất tốt cho khoảng thời gian từ cuối năm nay trở đi.
“Dẫu du lịch đã mở cửa hoàn toàn nhưng không thể có khách trong một sớm một chiều được. Có chăng chỉ là những nhóm khách nhỏ hoặc từ các quốc gia gần với nước ta. Thêm nữa, mùa cao điểm đón khách châu Âu lâu nay của Quảng Nam là mùa đông nên chúng ta phải chờ đợi thêm vài tháng nữa thì họ mới sang du lịch”, ông Thanh nhận định.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, hiện nay sở dĩ chưa có khách quốc tế vì chúng ta đang phụ thuộc vào thời gian để các hãng lữ hành quốc tế chuẩn bị.
“Trong tháng 3, địa phương chủ yếu đón khách nội địa và khách quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Còn khách quốc tế ở nước ngoài sang thì phải chờ thêm tới tháng 4, tháng 5.
Dù sao việc mở cửa lại du lịch cũng là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp không khói đang có dấu hiệu phục hồi. Còn để lấy lại đà phát triển của năm 2019 trở về trước thì phải hết năm 2022 chứ không thể ngày một ngày hai là được. Mình mở cửa thì phải cho du khách nước ngoài họ chuẩn bị tâm lý, thời gian”, ông Hồng phân tích.
Chung quan điểm với lãnh đạo Sở VH-TT&DL cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, quản lý khách sạn 4 sao G.D. (TP Đà Nẵng) cũng cho rằng, để đón khách quốc tế, ngành du lịch vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa vì nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình dịch bệnh.
Theo vị quản lý này, sự kiện Đà Nẵng đón 2 chuyến bay thương mại đầu tiên đưa khách quốc tế từ Singapore ngày 27/3 là tín hiệu mừng, mở ra cơ hội hồi phục ngành du lịch của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
“Tuy nhiên, chúng ta đừng quá vội vàng cho rằng sau 2 chuyến bay đó là ngành du lịch hồi sinh, là khách quốc tế sẽ đổ về nờm nượp. Dẫn chứng như chúng tôi đây, dù thường xuyên lên hệ với các đơn vị lữ hành, tổ chức tour để chào giá đối với khách nước ngoài bằng những ưu đãi đặc biệt nhưng chỉ nhận được một số khách lẻ, đi theo diện lưu trú làm ăn chứ chưa có khách đoàn”, vị quản lý khách sạn G.D. nói.
Ông Nguyễn Xuân Tâm, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Lạc Gia (quận Ngũ Hành Sơn), đơn vị chuyên kết nối, điều hành các tour du lịch đưa khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến miền Trung, cho hay thực tế Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách cách ly, khoanh vùng kiểu “zero COVID-19” nên chắc chắn người dân nước này sẽ khó đi du lịch ra nước ngoài. Điều này đồng nghĩa chúng ta chưa thể hút được nguồn khách từ đất nước đông dân nhất thể giới.
Với thị trường Hàn Quốc, dù chúng ta đã “mở cửa hết cỡ”, các quy định gần như không còn rào cản gì nhưng phía nước bạn lại khác. Đơn cử, Hàn Quốc quy định người dân đi du lịch một số nước (trong đó có Việt Nam) khi trở về phải thực hiện quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, cách ly 7 ngày nên đây cũng là rào cản rất lớn.
“Dòng khách Trung và Hàn là 2 nguồn khách chính của miền Trung nhưng đang có những rào cản lớn nên khó có thể hy vọng ngày một ngày hai chúng ta đón khách sang du lịch”, ông Tâm nhìn nhận.
Đồng tình với đánh giá của ông Tâm về khó khăn trong đón khách Trung, Hàn, bà Thùy, Giám đốc điều hành hãng tour Châu Á tại Đà Nẵng cho rằng thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch dịch vụ nên tập trung hướng đến khách nội, phục vụ tốt để duy trì hoạt động trước mắt.
Bà Thùy phân tích thêm, làm du lịch bây giờ phải tính đến phương án lấy ngắn nuôi dài, nghĩa là thu hút khách trong nước để tạo doanh thu. Khi điều kiện chín muồi, khách quốc tế đi du lịch thì mình đã có đủ lực để đón và phục vụ chu đáo.
T.P