Quyết định đưa Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang) đến Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn, cho đến khi các tác động kinh tế được cân nhắc kỹ hơn.
Việc Thượng Hải, trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc, bất ngờ bị phong tỏa đã gây ra một làn sóng chấn động trong giới chính trị nước này.
Đến tận những ngày trước khi ra lệnh phong tỏa hôm thứ Hai, các quan chức địa phương vẫn nói rằng hành động đóng cửa một thành phố 23 triệu dân là không có cơ sở.
Thế nhưng bây giờ mọi chuyện đã xảy ra, cuộc phong tỏa đã làm dấy lên loạt suy đoán về cách nó có thể ảnh hưởng đến các quyết định nhân sự chủ chốt trước thềm Đại hội Đảng vào mùa thu này.
Phần lớn các lời đồn xoay quanh vị quan chức cấp cao nhất của Thượng Hải, Lý Cường, phụ tá thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông từng được cho là chắc chắn sẽ có một ghế trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc.
Đó là bởi vì Thượng Hải đã trở thành cửa ngõ dẫn đến thành công trong chính trường Trung Quốc.
Ngoại trừ trường hợp Trần Lương Vũ, người bị phế truất vì bê bối liên quan đến quỹ lương hưu, thì trong những năm gần đây, các cựu quan chức cấp cao của Thượng Hải đều đã được thăng chức vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Thú vị là điều này lại không được áp dụng với Bắc Kinh. Không có một cựu quan chức cấp cao nào của thủ đô trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hay Thủ tướng Trung Quốc.
Việc thuyên chuyển nhân sự trong quá khứ cho thấy một nguyên tắc: Không ai có thể điều hành Trung Quốc nếu không có kiến thức về nền kinh tế.
Một nguyên tắc chung khác là cần phải quan tâm đến tháng 3 của năm diễn ra đại hội đảng.
Ngày 24/03/2007, có thông báo rằng Tập Cận Bình, lúc đó là Bí thư tỉnh Chiết Giang, sẽ trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Chỉ sau bảy tháng làm công việc này, Tập đã được thăng chức vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và chuyển đến Bắc Kinh. Ông trở thành nhân vật số sáu của Trung Quốc, vượt qua đối thủ Lý Khắc Cường, ngồi lên chiếc ghế nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân cũng là Bí thư Thượng Hải trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản vào năm 1989, sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn.
Cựu Thủ tướng và người đứng đầu nền kinh tế Trung Quốc Chu Dung Cơ cũng đã được đề bạt vào vị trí này sau khi đảm nhiệm hai chức vụ hàng đầu ở Thượng Hải.
Lý Cường, quan chức hàng đầu đương nhiệm ở Thượng Hải, là một thành viên có ảnh hưởng của “phái Chiết Giang,” bao gồm các phụ tá thân cận nhất của Tập. Người ta đồn rằng ngày Lý chuyển đến chính quyền trung ương Bắc Kinh không còn xa nữa, và có lẽ ông sẽ đảm nhận vị trí phó thủ tướng phụ trách kinh tế.
Điều đó sẽ cho phép ông đảm nhận một vị trí quan trọng, kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường, người đã công khai tuyên bố rằng năm nay là năm làm việc cuối cùng của ông.
Cũng có suy đoán rằng nếu Lý Cường rời Thượng Hải, Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ – một thành viên khác của phái Chiết Giang – sẽ chuyển đến Thượng Hải với tư cách là quan chức cấp cao nhất.
Tập đã chuẩn bị cho những động thái lớn bằng cách sửa đổi luật pháp từ một năm trước. Thay vì để cho kỳ họp thường niên vào tháng 3 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) giữ thẩm quyền duy nhất trong việc bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các phó thủ tướng, Ủy ban thường vụ của Đại hội nay đã được trao thêm quyền về nhân sự. Điều này có nghĩa là các phó thủ tướng có thể được bổ nhiệm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, ngay cả khi quốc hội không nhóm họp. Và vì ủy ban thường vụ được điều hành bởi cánh tay phải của Tập, Lật Chiến Thư, nên trên thực tế, Tập có thể ra quyết định bất cứ lúc nào ông muốn.
Nhưng cuộc phong tỏa Thượng Hải có thể làm hỏng các kế hoạch mà Tập dàn xếp cẩn thận để cài cắm đồng minh của mình vào các vị trí chủ chốt.
Phong tỏa hai giai đoạn – phân chia Thượng Hải thành các vùng phía đông và phía tây – sẽ kéo dài cho đến ngày 05/04, và sẽ khiến Lý Cường cực kỳ bận rộn. Rất khó để vị quan chức chịu trách nhiệm điều hành việc phong tỏa rời khỏi thành phố trước khi lệnh phong tỏa đó được dỡ bỏ.
Chính vì vậy mới có bàn tán xôn xao về Lý Cường.
Nhưng trong bối cảnh phong tỏa, có một quyết định bổ nhiệm nhân sự khác đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia chính trị.
Một nhà quan sát cho biết, “Hãy lưu ý đến việc thăng chức cho vị thư ký trưởng trẻ tuổi của Lý Cường. Câu hỏi là chúng ta nên diễn giải hành động đó như thế nào.”
Gia Cát Vũ Kiệt (Zhuge Yujie) – cánh tay phải lâu năm của Lý Cường – đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thượng Hải một ngày trước khi lệnh phong tỏa được công bố.
Sự thăng tiến của Gia Cát là rất đáng chú ý nếu xét độ tuổi của ông. Ở tuổi 50, ông là đại diện cho những người sinh sau năm 1970. Việc thăng chức cho ông được xem là một dấu hiệu của sự thay đổi thế hệ.
Bản thân Lý Cường từng là thư ký trưởng của Tập, trong thời gian ông là quan chức cấp cao nhất của Chiết Giang. Lý sau đó đã vươn lên trở thành phó bí thư tỉnh ủy Chiết Giang và tiếp đến là tỉnh trưởng.
Một cựu thư ký trưởng khác cũng đã được Tập giữ bên mình trong những năm qua. Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), hiện là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, từng là thư ký trưởng của Tập trong thời gian ngắn ngủi ông làm việc ở Thượng Hải.
Việc thăng chức cho Gia Cát có thể được coi là bước chuẩn bị để Lý Cường chuyển đến Bắc Kinh.
Tương lai của Lý Cường có thể phụ thuộc vào cách ông giải quyết vụ phong tỏa Thượng Hải.
Tại một cuộc họp hôm Chủ nhật về ứng phó với Covid-19, Lý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm PCR, và kêu gọi việc thực hiện tinh thần các bài phát biểu quan trọng của Tập và các chỉ dẫn của ông, cũng như thống nhất trong tư tưởng và suy nghĩ.
Vào ngày phong tỏa đầu tiên, Lý cũng đã đến thăm quận Phố Đông đang bị đóng cửa.
Phong tỏa Thượng Hải sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, vốn dĩ đang giảm tốc.
Trên các con phố ở khu trung tâm Thượng Hải và tại Sân bay Quốc tế Phố Đông, hiếm thấy có bóng người qua lại. Nhưng thành phố vẫn quyết định thực hiện phong tỏa, vì sợ làm hoen ố thành quả của chính quyền Tập và chính phủ trung ương.
Liệu Lý có nhanh chóng được thăng lên chức vụ cao hơn ở Bắc Kinh, sau khi đã đóng góp vào chính sách zero covid của chính quyền Tập?
Hay việc chuyển đến Bắc Kinh của ông sẽ bị gác lại, từ đó cũng trì hoãn những thay đổi nhân sự ở các vùng khác trên cả nước?
Bất cứ điều gì xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định nhân sự tại Đại hội Toàn quốc sắp tới của Đảng Cộng sản.
T.P