Việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng và tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông gây rủi ro cho lợi ích thương mại và an ninh của nhiều quốc gia, đặc biệt là các cường quốc có quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Úc.
Cảnh báo này được đưa ra bởi nhà phân tích an ninh Grant Newsham, người cũng cho rằng thời điểm đã chín muồi để Hoa Kỳ tận dụng mối quan hệ hữu hảo với Nhật Bản nhằm ngăn chặn các hành vi gây hấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và duy trì sự ổn định trong khu vực.
Ông nói về tầm quan trọng của những tiết lộ gần đây từ Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, rằng Bắc Kinh đã quân sự hóa hoàn toàn ba hòn đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông đang bị tranh chấp.
“Trung Quốc đã mở rộng khả năng tiến hành các hoạt động quân sự ngoài khơi Trung Quốc khoảng hơn 1.500 dặm. Vì vậy, giờ đây Trung Quốc có thể vươn tới Úc, tới tận Tây Nam Thái Bình Dương, và ra Trung Thái Bình Dương. Và từ những căn cứ này, họ có thể gây ra đủ mọi vấn đề cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ”, ông Newsham, một thành viên cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, gần đây đã nói với chương trình “Forbidden News” của Epoch TV.
Ông Newsham mô tả các đảo này là những tiền đồn quân sự được phát triển toàn diện, một trong số chúng có kích thước gần bằng Washington DC, và một hòn đảo khác lớn bằng căn cứ của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii. Ông cho biết các tiền đồn này có đường băng dài 10.000 foot (3 km) cho phi cơ quân sự, tên lửa chống hạm, hệ thống phòng không và cơ sở bảo dưỡng.
Trong khi việc xây dựng nhanh chóng các tiền đồn này có thể khiến một số nhà quan sát mất cảnh giác, ông Newsham nói rằng việc xây dựng và quân sự hóa những đảo này đã được tiến hành từ năm 2014 và những gì mà Bắc Kinh hy vọng đạt được ở đây đã “quá rõ ràng”.
“Và mặc dù ông Tập Cận Bình đã hứa với ông Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa những đảo này. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi đó là những gì đã xảy ra, và giờ thì chúng ta đang phản ứng như thể đó là điều gì đáng ngạc nhiên vậy”, ông Newsham nói.
“Trong suốt thời kỳ này, có những người đã nói rằng, hãy nhìn xem, Trung Quốc sẽ quân sự hóa, họ sẽ thiết lập khả năng kiểm soát Biển Đông, một khu vực thuộc vùng biển quốc tế rộng lớn hơn gấp khoảng 1,5 lần Địa Trung Hải. Trung Quốc chỉ đơn giản nói là, ‘Biển ở đó, nên chúng tôi sẽ tiếp quản’”, ông quan sát.
Ông Newsham đã xác định các bước mà các nhà hoạch định chính sách và lập pháp lẽ ra đã có thể thực hiện để ngăn cản các hành động của Bắc Kinh. Các bước này bao gồm việc đình chỉ giấy phép hoạt động tại Hoa Kỳ của ngân hàng trung ương Trung Quốc trong 6 tháng, và công khai tài chính và bất động sản của 50 lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ. Nhưng thay vì đối mặt với vấn đề và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, giới tinh hoa Hoa Kỳ cho phép mối quan hệ cộng sinh của họ với lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc tiếp tục phát triển.
Ông Newsham nói: “Trong 30 năm qua, tầng lớp doanh nhân, tầng lớp tài chính, và thậm chí phần lớn tầng lớp chính trị của Hoa Kỳ đã bị thu hút bởi tiền của Trung Quốc. Ý tưởng là nếu bạn kinh doanh ở Trung Quốc, bạn bỏ qua tất cả các vấn đề nhân quyền, những vi phạm, và hành động tàn bạo, và bỏ qua thực tế rằng Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Á Châu-Thái Bình Dương”.
Hợp tác với Nhật Bản để chống lại Bắc Kinh
Trước việc Bắc Kinh bành trướng sự hiện diện quân sự của họ ở Thái Bình Dương, ông Newsham cho biết ông coi mối quan hệ Mỹ-Nhật là chìa khóa cho sự ổn định trong khu vực này.
Trong khi, một số quốc gia trong khu vực thân thiện với Hoa Kỳ, nhưng Nhật Bản giữ một vị trí thích hợp độc đáo trong bối cảnh địa chính trị này. Ông Newsham mô tả Nhật Bản là một nền dân chủ đang hoạt động một cách toàn diện, hợp nhất sự tôn trọng quyền tự do cá nhân và nhân quyền với sức mạnh kinh tế to lớn, đồng thời là một lực lượng bổ sung cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở bán cầu này.
Ông nói, một lợi ích nữa của mối quan hệ bền chặt giữa hai cường quốc là nó khiến các quốc gia khác muốn tham gia vào liên minh này. Úc đã là một đồng minh lớn, trong khi các cường quốc nhỏ hơn như Singapore lại đánh giá cao liên minh Mỹ-Nhật. Ông Newsham cho biết ông cũng nhận thấy vai trò của Hàn Quốc trong một liên minh các quốc gia có cùng chí hướng phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh
Dù đã nói như vậy, nhưng ông Newsham cũng thừa nhận rằng mặc dù quân đội Nhật Bản có quy mô lớn và hùng mạnh, nhưng nước này vẫn cần phải đạt nhiều tiến bộ hơn trong việc tiến hành các chiến dịch và đáp ứng các mục tiêu tuyển quân. Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang thiếu hụt 25% so với các mục tiêu này mỗi năm, ông nói. Ông Newsham coi sự thiếu hụt này một phần là do dân số Nhật Bản đang giảm dần nhưng cũng là hệ quả của việc các chính trị gia Nhật Bản không xem trọng lực lượng vũ trang và nhu cầu cải thiện trong các lĩnh vực tiền lương, phúc lợi, nhà ở, và điều khoản nhập ngũ.
Theo quan điểm của ông Newsham, sẽ không quá khó để đảo ngược những xu hướng này và nâng cán cân địa chính trị có lợi cho các cường quốc phản đối Bắc Kinh. Điều quan trọng là tăng cường Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở nhiều cấp độ.
“Cung cấp cho họ một số hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ cụ thể hữu hình về tiền bạc và sự tôn trọng, đồng thời cho phép họ phát triển thành một lực lượng chuyên nghiệp hoàn chỉnh có liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ. Hãy làm điều đó và triển vọng của Mỹ cũng như của Nhật Bản trong khu vực sẽ được cải thiện rất nhiều”, ông nói.
Ông Newsham đã vạch ra một số bước cụ thể, đơn cử là thành lập một trụ sở chung cho quân đội Nhật Bản và quân đội Mỹ mà họ có thể sử dụng để phối hợp ứng phó với quân đội Trung Quốc.
“Có rất nhiều việc cần phải hoàn thành và phải làm nhanh chóng. Thực sự thì mọi thứ đã và đang không được phát triển tới mức độ cần thiết để đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc”, ông Newsham nói.
“Nhật Bản thực sự được tôn trọng trong khu vực. Phía Trung Quốc và Triều Tiên không quá phát cuồng vì họ, nhưng ở mọi nơi khác – tiếp theo trong danh sách — Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Úc, Indonesia, Việt Nam, Philippines, thì Nhật Bản rất được yêu thích”.
Ông Newsham cho biết ông nhận thấy vai trò nổi bật của lực lượng đổ bộ Nhật Bản trong việc chống lại sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh và một bước đi có thể xảy ra nhắm vào Đài Loan, nhưng để tầm nhìn của ông trở thành hiện thực sẽ đòi hỏi phải tăng gấp đôi quy mô hải quân Nhật Bản cả về quân số nhập ngũ lẫn số lượng tàu của họ. Ông nói, việc mở rộng như vậy sẽ bổ sung cho “mối quan hệ tốt đẹp” hiện hữu giữa hải quân Nhật Bản và hải quân Hoa Kỳ.