Thursday, November 14, 2024
Trang chủQuân sựThêm nhiều loại vũ khí lần đầu tiên đổ về Ukraine để...

Thêm nhiều loại vũ khí lần đầu tiên đổ về Ukraine để đấu với Nga

Mỹ có kế hoạch chuyển giao các UAV chống tăng Switchblade, trong khi Cộng hòa Séc trở thành nước đầu tiên viện trợ xe tăng cho Ukraine.

UAV Switchblade-600 mới có khả năng chống tăng của Mỹ.

Lầu Năm Góc có kế hoạch mua và chuyển giao cho Ukraine 10 máy bay không người lái (UAV) Switchblade phiên bản mới nhất được trang bị đầu đạn chống tăng bên cạnh phiên bản cũ mà Mỹ đã viện trợ trước đó.

Bloomberg dẫn lời 2 nguồn tin cho hay, các UAV Switchblade-600 mới là một phần trong khoản viện trợ vũ khí sát thương trị giá 300 triệu USD được Lầu Năm Góc công bố vào ngày 1/4. Ngoài ra, số vũ khí này được đặt mua trực tiếp từ nhà sản xuất thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ.

Theo ông Austin, danh sách những loại vũ khí mới nhất được chuyển giao cho chính quyền Kiev gồm “các UAV như Switchblade được trang bị công nghệ hiện đại hơn, cũng như tăng cường thêm năng lực phục kích các đoàn xe thiết giáp”.

Hôm 5/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận các UAV chống tăng hoặc “các phương tiện trên không không trang bị vũ khí” là một phần trong kế hoạch vận chuyển vũ khí của Mỹ cho Ukraine.

Trước đó, vào ngày 16/3, Nhà Trắng tuyên bố đang cung cấp 100 UAV Switchblade cho Ukraine theo gói viện trợ trị giá 800 triệu USD được lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ.

Nhưng số UAV Switchblade trong đợt viện trợ này là phiên bản “series 300”. Đây là mẫu UAV nặng 2,5 kg được thiết kế để tấn công binh sĩ và các phương tiện hạng nhẹ. Nó có khả năng bay khoảng 10 km và đeo bám mục tiêu trong khoảng 15 phút, theo thông tin từ nhà sản xuất AeroVironment Inc.

Còn phiên bản UAV Switchblade mới nặng tới 23 kg và được công ty Simi Valley ở California sản xuất. Nó có thể bay xa hơn 39 km, có thể bám theo mục tiêu 40 phút trước khi tấn công bằng đầu đạn chống thiết giáp. Người điều khiển UAV điều khiển hệ thống khai hỏa bằng màn hình cảm ứng và có thể điều khiển tên lửa bằng tay.

Phiên bản cũ của UAV Switchblade từng được lính biệt kích Mỹ sử dụng để đối phó với lực lượng phiến quân Taliban, sau khi loại vũ khí này được bí mật đưa tới Afghanistan vào năm 2010. Các quan chức quân đội Mỹ mô tả đây là loại UAV hoạt động như khẩu súng săn biết bay.

Nhiều nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa cũng đã kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường viện trợ các loại UAV chống thiết giáp cho Ukraine bao gồm một bức thư được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào ngày 24/3.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin, Cộng hòa Séc đã chuyển giao cho Ukraine các biến thể xe tăng T-72M được nâng cấp. Nỗ lực này đánh dấu lần đầu tiên có một nước cung cấp xe tăng cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Ngoài ra, Cộng hòa Séc còn hỗ trợ cho Ukraine các hệ thống pháo lựu, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 được Liên Xô cũ sản xuất. Nguồn tài chính để cung ứng số vũ khí này do chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân của Séc cùng quyên góp.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ cuối tháng Hai, nhiều nước phương Tây đã tiến hành viện trợ cho Ukraine các loại vũ khí, đạn dược và nhiên liệu. Phần lớn số vũ khí được chuyển cho Ukraine gồm tên lửa chống tăng vác vai và tên lửa phòng không cùng các loại vũ khí hạng nhẹ.

Hồi đầu tuần này, Australia tuyên bố đang vận chuyển các xe bọc thép Bushmaster bằng đường hàng không tới châu Âu để sau đó chuyển giao cho Ukraine. Truyền thông Đức cũng cho hay Berlin đã bật đèn xanh viện trợ cho Ukraine pháo tự hành do một số nước châu Âu khác cung cấp.

Các nước thành viên NATO ở Trung và Đông Âu hiện bày tỏ quan ngại về thực tế họ không đủ khả năng để hỗ trợ những thứ mà Ukraine cần. Nguyên nhân là do quân đội Ukraine sử dụng vũ khí với số lượng nhiều hơn những gì mà họ nhận được từ các nước phương Tây trong một tuần, một quan chức Ba Lan giấu tên chia sẻ với Wall Street Journal.

Thậm chí, theo Wall Street Journal, một số nước châu Âu như Slovenia còn gần như đã cạn kho vũ khí dự trữ do viện trợ cho Ukraine.

Cũng theo Wall Street Journal, chính phủ các nước Trung Âu bao gồm Cộng hòa Séc đang cân nhắc về khả năng mở các cơ sở sửa chữa quốc phòng để giúp Ukraine cải tiến những thiết bị đã bị hư hại trong quá trình chiến đấu trên chiến trường Ukraine.

“Nếu cuộc chiến còn tiếp diễn lâu dài, các thiết bị quân sự bị hư hỏng vẫn cần phải tham chiến”, một quan chức quốc phòng của Cộng hòa Séc cho hay, “các cơ sở sửa chữa thiết bị của Ukraine đang hoạt động 100% công suất, do đó, Ukraine đang đề nghị các nước đồng minh gần kề hỗ trợ sửa chữa thiết bị”.

Trước đây, Nga từng cảnh báo sẽ xem hoạt động vận chuyển vũ khí cho Ukraine là mục tiêu tấn công quân sự hợp pháp. Nhưng cho tới nay, quân đội Nga chưa từng tấn công vào bất cứ phái đoàn quân sự nào hoạt động ngoài lãnh thổ Ukraine. Moscow cũng chưa lên tiếng bình luận về việc các nước châu Âu hỗ trợ xưởng sửa chữa thiết bị quân sự cho Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới