Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBáo Mỹ: Sự thật về "công nghiệp cây ghép nội tạng"

Báo Mỹ: Sự thật về “công nghiệp cây ghép nội tạng”

Một nghiên cứu được công bố trên một tạp chí y khoa hàng đầu của Hoa Kỳ đã cho thấy hàng trăm bác sĩ Trung Quốc và các nhân viên y tế khác đang đóng vai trò là “đao phủ” cho ĐCSTQ để duy trì ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng sinh lợi.

Một cảnh trong phim tài liệu Human Harvest về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.

Nghiên cứu này, được công bố trên Tạp chí Ghép tạng của Mỹ ngày 4/4, đã tổng hợp hơn 120.000 ấn phẩm bằng tiếng Trung về cấy ghép nội tạng và xác định có 71 bài báo mà các bác sĩ đã mổ lấy tim và phổi từ người để cấy ghép mà không cần tiến hành một cuộc xét nghiệm xác định chết não trước — tiết lộ rằng các bệnh nhân đã bị giết hại để lấy nội tạng của họ.

Tổng cộng 348 chuyên gia y tế hoặc nhà nghiên cứu, bao gồm các bác sĩ phẫu thuật, y tá và bác sĩ gây mê từ 56 bệnh viện Trung Quốc trên toàn quốc là đồng tác giả của 71 bài báo này.

Các bài báo có vấn đề này đã được xuất bản từ năm 1980 đến năm 2015, trong thời kỳ đó ở Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng tình nguyện chính thức và rất ít người hiến tạng tình nguyện. ĐCSTQ đã tuyên bố rằng hầu hết các nội tạng để cấy ghép vào thời điểm đó là từ các tù nhân bị hành quyết.

Nhưng vào đầu những năm 2000, các báo cáo và nghiên cứu đã cho thấy Bắc Kinh đang cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm bị giam giữ.

Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã xác nhận những cáo buộc này là “chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa”, xác định rằng hành vi tàn bạo như vậy đã diễn ra trong một thời gian dài trên một quy mô đáng kể, với nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công bị đàn áp là nguồn nội tạng chính.

Khi có được phát hiện của mình, một cơ quan được biết đến với tên gọi “Tòa án Luận tội Trung Quốc” (China Tribunal), đã bác bỏ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc cho rằng từ năm 2015, tất cả các cơ quan nội tạng để cấy ghép đều có nguồn gốc từ một hệ thống hiến tạng chính thức.

Nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đề cao các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn, cùng với các bài tập thiền định. Môn tu luyện này đã và đang là đối tượng của một chiến dịch bức hại sâu rộng kể từ năm 1999, trong đó hàng triệu học viên đã bị giam giữ tại các cơ sở khác nhau trên khắp Trung Quốc.

‘Bằng chứng không thể chối cãi’

Theo ông Jacob Lavee, đồng tác giả của báo cáo và là giám đốc Đơn vị Cấy ghép Tim tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel, nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này khi phát hiện ra một “bằng chứng không thể chối cãi” chứng minh rằng các bác sĩ đang giết người để lấy nội tạng.

Trong các ấn phẩm của Trung Quốc được nêu trong nghiên cứu này, các bác sĩ đã tuyên bố các tù nhân mà họ lấy nội tạng đều đã chết não, nhưng thông tin khác được tiết lộ trong các bài báo đã cho thấy điều này không thể xảy ra.

Xác nhận chết não là một quá trình kéo dài, thường mất đến hàng giờ, và một bước quan trọng là tắt máy thở để đánh giá xem bệnh nhân có thể tự thở hay không.

Tuy nhiên, các tài liệu nêu chi tiết rằng các bác sĩ Trung Quốc vẫn đang đặt nội khí quản cho những người hiến tặng sau khi tuyên bố họ đã chết não hoặc ngay trước khi phẫu thuật. Trong một số trường hợp, người hiến tặng được đặt ống thở, cho thấy rằng không có giám định chết não nào được thực hiện.

“Họ đã lấy nội tạng từ những người không được tuyên bố là đã tử vong, nghĩa là họ đã trở thành những kẻ hành quyết”, ông Lavee nói với The Epoch Times.

Ông cho biết những phát hiện này dường như là lời thú nhận tình cờ của một số bác sĩ Trung Quốc.

Ông Lavee nói: “Bằng cách nào đó, cả các tác giả và biên tập viên của họ trên các tạp chí y khoa tương ứng này đã quên loại bỏ những chi tiết buộc tội mà chúng tôi đã phát hiện ra”.

Ông lưu ý, nếu những bài báo này được gửi đến các tạp chí y học phương Tây, thì chúng “sẽ bị từ chối ngay lập tức vì những câu này, bởi vì không một biên tập viên nào của bất kỳ tạp chí uy tín nào lại xuất bản một bài báo buộc tội các tác giả trong những việc làm như vậy”.

Theo các tác giả, những lời thừa nhận như vậy đã ngừng xuất hiện trên các mặt báo của Trung Quốc từ sau năm 2015, nhưng rất có thể hành động bất lương này vẫn chưa dừng lại.

Ông Matthew Robertson, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho hay có khả năng là các bác sĩ Trung Quốc đã ngừng thực hiện hành động này. Nhưng điều hợp lý hơn là những hành động đó đã được thực hiện rời rạc hơn.

Ông đã chỉ ra một báo cáo nghiên cứu năm 2014 của nhóm vận động Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), là báo cáo đầu tiên đã nêu bật những chi tiết đáng báo động được tiết lộ trong các bài báo y khoa của Trung Quốc, bao gồm số lượng lớn những người hiến tặng trong tình trạng sức khỏe tốt và cách các bệnh viện tiến hành rất nhiều các ca phẫu thuật cấy ghép tạng lớn trong một ngày.

Các nhà lãnh đạo y tế Trung Quốc có thể đã lưu ý đến báo cáo này và yêu cầu tất cả các tạp chí ngừng xuất bản những chi tiết như vậy, ông Robertson, người trước đây từng là một phóng viên tại The Epoch Times đưa ra gợi ý.

“Họ để mắt đến những gì mà các nhà bất đồng chính kiến ​​đang nói, đặc biệt là về vấn đề rất nhạy cảm này”, ông nói. “Và sẽ chỉ cần một bức thư điện tử hoặc một số cuộc gọi” để xóa những dấu vết đó, ông cho biết.

Làm vì lợi nhuận

Hai năm trước, ông Robertson và ông Levee đã nhận thấy rằng bộ dữ liệu hiến tạng chính thức của Trung Quốc khớp gần như chính xác với một công thức toán học, một dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ có thể đã làm sai lệch dữ liệu hiến tạng của mình một cách có hệ thống.

WOIPFG đã thực hiện hàng trăm cuộc điện thoại giả danh tới các bệnh viện Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch năm 2020, trong đó một số bác sĩ hứa sẽ cung cấp nội tạng nhanh nhất là một tuần. Nhóm này cho biết: Thời gian quay vòng nhanh bất thường — chưa từng thấy ở các quốc gia khác vốn có hệ thống hiến tạng được thiết lập – cho thấy Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục thực hiện hành vi ghê rợn này.

Trong nhiều năm, WOIPFG đã thực hiện nhiều cuộc gọi giả danh tới các bệnh viện Trung Quốc trong cuộc điều tra đang diễn ra về các hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh.

Ông Robertson cho biết trước đây ông đã từng thực hiện một nghiên cứu về một số nhật ký cuộc gọi của WOIPFG và kết luận rằng chúng là có thật.

“Họ có một mẫu rất khác biệt trong nhiều năm. Và vì vậy tôi cũng có xu hướng tin vào nội dung của các cuộc gọi này”, ông nói.

Đối với các bệnh viện, lý do ở đây rất đơn giản.

“Đó là một ngành có lợi nhuận cao”, ông Lavee nói. “Và nếu họ có thể kiếm lợi được từ đó, trong khi đồng thời — như đã được Tòa án Luận tội Trung Quốc chỉ ra — đáp ứng những mong muốn của ĐCSTQ. Đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới