Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAI SẴN SÀNG ĐẢM BẢO AN NINH CHO MỘT UKRAINE TRUNG LẬP?

AI SẴN SÀNG ĐẢM BẢO AN NINH CHO MỘT UKRAINE TRUNG LẬP?

Để chấm dứt xung đột hiện nay với Nga, Ukraine cần cam kết theo con đường trung lập, nhưng liệu những quốc gia nào đủ tiềm lực và sẵn sàng đứng ra cam kết đảm bảo an ninh cho Kiev.

Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3.

Trong các cuộc đàm phán kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga luôn nhấn mạnh đến các yêu cầu then chốt đưa ra cho Ukraine, trong đó có việc Kiev phải cam kết theo con đường trung lập.

TRUNG LẬP PHẢI ĐI KÈM BẢO LÃNH AN NINH

Trong cuộc đàm phán hồi tháng trước, Nga đã đưa ra đề nghị Ukraine áp dụng mô hình trung lập giống của Áo và Thụy Điển, nghĩa là một mô hình quốc gia trung lập phi quân sự nhưng vẫn có hải quân, lục quân riêng và quy mô quân đội cũng sẽ được thảo luận.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ ý tưởng trên, thay vào đó đề xuất một mô hình riêng. Cụ thể, Kiev đồng ý trở thành quốc gia trung lập nếu có được các cam kết an ninh từ bên thứ 3 bao gồm những nước sẵn sàng đứng ra bảo vệ Ukraine trước nguy cơ bị tấn công quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5/4 nói rằng, bên cam kết bảo đảm an ninh phải là những quốc gia có tầm ảnh hưởng thực sự bằng các chính sách trừng phạt và những quốc gia sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ nhanh nhất có thể khi Ukraine đối mặt với các mối đe dọa.

“Chúng tôi cần những người nghiêm túc, những người sẵn sàng hành động. Chúng tôi cần một nhóm các quốc gia sẵn sàng cung cấp cho Ukraine bất kỳ loại vũ khí nào chỉ trong vòng 24 giờ. Đó phải là những nước có ảnh hưởng thực sự và sẵn sàng huy động lực lượng bất cứ khi nào chúng tôi bị đe dọa”, ông Zelensky nói.

“Chúng tôi cần sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia hàng đầu. Điều này bao gồm cả các thành viên NATO và các nước không thuộc NATO. Chúng tôi muốn có thêm những bên tham gia vào vấn đề này một cách công khai ngoài Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này. Ông cho biết, trong số các quốc gia mà Ukraine mong muốn sẽ cam kết bảo lãnh có cả Israel và Trung Quốc.

David Arakhamiya, thành viên cấp cao phái đoàn đàm phán của Ukraine, cũng cho hay những nhà đảm bảo an ninh có thể là các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như Đức, Israel, Italy, Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự đảm bảo của họ sẽ không bao gồm các vấn đề về bán đảo Crimea và vùng ly khai Donbass.

Tổng thống Zelensky đã gửi dự thảo đảm bảo an ninh cho một số nước, nhưng đến nay chưa nhận được danh sách cụ thể các nước sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine. Mặc dù vậy, ông cho biết, cố vấn của 7 nước, gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Israel, sẽ sớm gặp đại diện Ukraine để thảo luận về các điều khoản bảo lãnh an ninh cho Kiev trong trường hợp cam kết trung lập với Nga.

“Đây không phải danh sách tất cả các bên tham gia bảo lãnh, nhưng tôi muốn nêu tên các nước sẵn sàng đến và thảo luận danh sách các điều khoản bảo lãnh an ninh. Họ có quan điểm khác nhau. Một vài trong số họ sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ trong mọi tình huống. Một số không sẵn sàng đến mức đó. Bởi vậy, chúng tôi cần một cuộc họp”, ông Zelensky nói

Ngoài các nước này, ông Zelensky nhấn mạnh, Nga cũng “cần xác định vị trí của họ trong dự thảo đó, vì đây sẽ là thỏa thuận giữa Ukraine và Nga”. Theo ông, Nga “phải bị ràng buộc” với thỏa thuận, bởi vì Moscow là một bên trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Tất nhiên, Kiev đề nghị hiệp ước hòa bình với Nga phải là một hiệp ước quốc tế, có tính ràng buộc pháp lý, được quốc hội các bên liên quan phê chuẩn. “Chúng tôi muốn rằng đây sẽ là một thỏa thuận về các cam kết an ninh được ký và phê chuẩn bởi các quốc hội nhằm tránh lặp lại sai lầm của Bản ghi nhớ Budapest”, ông Arakhamia nói.

Năm 1994, Ukraine từng ký Bản ghi nhớ Budapest với Nga, Mỹ và Anh, trong đó Kiev đồng ý từ bỏ loại khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình theo khung thời gian quy định. Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh cam kết “tôn trọng độc lập, chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine”. Tuy nhiên, đây là văn bản không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, không được các quốc hội thông qua và cũng không có cơ chế thực thi.

Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Zelensky và cũng là thành viên đoàn đàm phán Ukraine, cho biết chính phủ Ukraine sẽ chỉ ký một thỏa thuận an ninh về các cam kết an ninh sau khi trưng cầu dân ý và một cuộc trưng cầu như vậy chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rút quân.

CAM KẾT AN NINH TƯƠNG TỰ “ĐIỀU KHOẢN 5” HIỆP ƯỚC NATO?

Theo đề xuất mà Ukraine đưa ra hôm 29/3, các quốc gia bảo lãnh phải tham vấn lẫn nhau trong vòng 3 ngày kể từ khi xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine. Sau thời gian tham vấn này, các nước đó phải hỗ trợ Ukraine bằng việc điều động binh sĩ, cung cấp khí tài và bảo vệ bầu trời Ukraine.

Nói cách khác, theo lời của ông Alexander Chaly, một thành viên của phái đoàn Ukraine, Kiev đồng ý áp dụng quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa nếu nước này được đảm bảo an ninh, nhưng “về nội dung và hình thức phải tương tự như Điều 5” của NATO. Theo ông Chaly, các bảo đảm an ninh có thể bao gồm hỗ trợ quân sự và thiết lập vùng cấm bay sau 3 ngày tham vấn để theo đuổi một giải pháp ngoại giao.

Điều khoản 5 của Hiệp ước NATO quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều bị coi là tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ ngay lập tức quốc gia thành viên bị tấn công. Điều khoản số 5 quy định, hành động đáp trả có thể bao gồm tấn công vũ trang nếu cần thiết nhằm khôi phục và duy trì an ninh, song không bắt buộc. Tuy nhiên, điều khoản 5 có thể kích hoạt hay không còn phụ thuộc vào cách diễn giải một cuộc tấn công quân sự nhằm vào quốc gia thành viên NATO.

Samuel Ramani, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia, cho rằng những đề xuất của Ukraine “thiếu thực tế”. “Khái niệm người bảo lãnh an ninh này khá mơ hồ và có lẽ không thực hiện được”, ông nói.

Ukraine từ lâu đã theo đuổi tham vọng gia nhập NATO. Kiev thậm chí đã đưa mục tiêu gia nhập liên minh này vào Hiến pháp từ năm 2019. Phương Tây từng hứa hẹn sẽ kết nạp Ukraine vào NATO, nhưng đến hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sớm trở thành thành viên của khối này.

PHƯƠNG TÂY ĐẮN ĐO

Mỹ và các đồng minh đang xem xét phương thức mà phương Tây có thể đưa ra các cam kết an ninh với Ukraine nếu như nước này chấp nhận trung lập, không gia nhập NATO nhằm chấm dứt xung đột hiện nay với Nga.

Một số quan chức Mỹ và phương Tây cho rằng, hiện chưa phải điểm thích hợp để bàn luận sâu về các biện pháp bảo đảm an ninh cho Ukraine vì quá trình đàm phán giữa Ukraine và Nga chưa kết thúc. Thậm chí, giới chức Mỹ còn tỏ ra bất ngờ khi Ukraine đưa ra đề xuất phương Tây bảo đảm an ninh trong cuộc hòa đàm với Nga tại Istanbul. “Chúng tôi liên tục trao đổi với phía Ukraine về các phương thức mà chúng tôi có thể giúp đảm bảo họ bảo vệ chủ quyền, an ninh. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tôi chưa thể nói điều gì cụ thể”, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield nói.

Một số quan chức châu Âu cho rằng, họ muốn biết thêm quan điểm từ phía Ukraine trước khi đưa ra cam kết.

“Chúng ta cần xem xét liệu chúng ta có thể đưa ra những cam kết nào với Ukraine”, Charles Fries, Phó Tổng Thư ký phụ trách chính sách quốc phòng, an ninh và ứng phó khủng hoảng của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, phát biểu hôm 4/4. Ông cho rằng, các cam kết an ninh đó sẽ chặt chẽ hơn Bản ghi nhớ Budapest, nhưng sẽ không được như Điều khoản 5 Hiệp ước NATO để EU tránh can dự trực tiếp vào xung đột. “Đó là câu hỏi cần phải giải đáp trong những tuần tới”, ông Fries nói.

Các cuộc thảo luận hiện vẫn ở giai đoạn sơ khai, song các nguồn thạo tin cho biết, ít khả năng Mỹ và các đồng minh đáp ứng những cam kết mang tính ràng buộc pháp lý với những đề xuất như Ukraine đưa ra, đặc biệt khi chúng tương tự Điều khoản 5 trong Hiệp ước NATO. Điều này là bởi Mỹ và các đồng minh luôn muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga, cũng vì lý do đó, phương Tây đến nay vẫn từ chối cấp máy bay chiến đấu hay lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Khi được hỏi về việc liệu Anh có sẵn sàng trở thành quốc gia bảo đảm an ninh cho Ukraine, Phó thủ tướng Dominic Raab cho biết: “Ukraine không phải là thành viên NATO. Chúng tôi sẽ không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga”.

Với Nga, tất nhiên một thỏa thuận an ninh tương tự hoặc thậm chí chặt chẽ hơn điều khoản phòng thủ chung của NATO là điều không thể. Moscow từ lâu đã phản đối việc Ukraine muốn trở thành thành viên NATO, Nga coi kịch bản NATO kết nạp Ukraine sẽ là “lằn ranh đỏ” về an ninh đối với Nga.

Do vậy, một số quan chức và các nhà phân tích ở phương Tây tin rằng, kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) thay vì NATO có thể là một giải pháp thay thế.

Một vài quốc gia châu Âu như Ba Lan, Latvia, Bulgaria và Cộng hòa Séc đã đề xuất ý tưởng đưa Ukraine trở thành thành viên của EU. Vì nếu Ukraine là thành viên EU thì các nước trong khối có thể thực hiện một số phương án bảo vệ cho Ukraine.

Tuy nhiên, bà Ivanna Klympush-Tsintsadze, thành viên Quốc hội Ukraine, cho rằng EU sẽ không thể là “tấm khiên” bảo vệ về quân sự cho Ukraine hiệu quả như NATO.

Sean Monaghan, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, dự đoán vào cuối năm nay Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đánh giá liệu Ukraine có đủ điều kiện để gia nhập khối hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới