Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBản chất của ngoại giao "Sói chiến"

Bản chất của ngoại giao “Sói chiến”

Trong vài năm qua, chính sách đối ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên đối đầu hơn, cả trong các bài phát biểu và hành động của họ. Phong cách ngày càng hung hăng của các nhà lãnh đạo và quan chức ngoại giao của nó đã được mô tả bằng thuật ngữ: ngoại giao “Sói chiến”.

Thuật ngữ “Sói chiến” bắt nguồn từ một bộ phim hành động cực đoan dân tộc chủ nghĩa được sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2015, mô tả một lực lượng đặc biệt thần thoại của Quân đội Giải phóng Nhân dân, được gọi là Sói Chiến, đang truy đuổi một trùm ma túy được bảo vệ bởi lính đánh thuê nước ngoài do một người Mỹ dẫn đầu.

Với chiến lược đối đầu này, chế độ Trung Quốc muốn gửi tới thế giới hình ảnh đất nước của họ đã xâm nhập vào tư bản phương Tây và đã trở nên quá mạnh để chấp nhận sự phê bình, càng khỏi nói đến những nỗ lực thao túng.

Sự chuyển hướng sang một chính sách ngoại giao đối đầu hơn bắt đầu được cảm nhận từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và được tăng cường khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ vào năm 2012. Quá trình này dường như được làm nổi bật trong đại dịch do virus corona ở Vũ Hán gây ra, đặc biệt là với phản ứng của các quan chức Trung Quốc sau những cáo buộc từ phương Tây về trách nhiệm của chế độ đối với thảm họa sức khỏe.

Cũng đúng rằng, kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, đã có một số thời kỳ xen kẽ các nỗ lực ngoại giao thu hút thế giới và các thời kỳ quyết đoán, trong đó các quan chức Trung Quốc gây bất ngờ với các cuộc khẩu chiến.

Nhưng sự khác biệt chính ngày nay là luận điệu bạo lực và đe dọa do ĐCSTQ đưa ra được hỗ trợ bởi bộ máy kinh tế khổng lồ, vốn đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào nó, và khiến các chính phủ (đặc biệt là những quốc gia nhỏ yếu hơn) gặp khó khăn trong việc nỗ lực lên án các hành động của ĐCSTQ và các bài phát biểu bạo lực của các đại diện của nó.

Điều tương tự đã không xảy ra với một số cường quốc trên thế giới nơi chính sách ngoại giao này đã tạo ra những cuộc đối đầu mạnh mẽ mà không phải lúc nào cũng kết thúc suôn sẻ. Nhiều đến mức dường như bây giờ các nhà lãnh đạo ĐCSTQ có ý định tiết chế, mặc dù không từ bỏ, giọng điệu quyết đoán của các quan chức của họ.

Về bản chất, ĐCSTQ tôn sùng bạo lực

Hệ tư tưởng và thực tiễn của ĐCSTQ đã ăn sâu vào khái niệm bạo lực của “sói chiến”. Đây không phải là một lời chỉ trích chủ quan, mà là một thực tế được thừa nhận bởi chính Karl Marx và Friedrich Engels, những người đã kêu gọi nhân dân tiến hành một cuộc “cách mạng bạo lực”, giành quyền lực nhà nước bằng vũ lực và từ đó xóa bỏ truyền thống, xóa bỏ niềm tin vào Chúa và sau đó áp đặt các quy luật của chủ nghĩa xã hội.

Chính Lenin đã viết trong “Nhà nước và Cách mạng” rằng: “Lý thuyết của Marx và Engels về tính tất yếu của một cuộc cách mạng bạo lực đề cập đến nhà nước tư sản. Nhà nước tư sản không thể bị lật đổ bởi nhà nước vô sản (chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản) thông qua quá trình ‘biến mất’, mà như một quy luật chung, chỉ có thể thông qua một cuộc cách mạng bạo lực”.

Thông qua việc sử dụng bạo lực, ĐCSTQ đã áp đặt một diễn ngôn chứa đầy hận thù và sự tàn ác lan rộng khắp thế giới.

Nó áp đặt ý tưởng rằng người giàu phải bị đổ lỗi/ chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của người nghèo và từ đó kích động sự thù hận đối với các bộ phận giàu có hơn và mong muốn tạo ra cuộc cách mạng bạo lực để đạt được một thế giới được cho là “công bằng và bình đẳng” hơn.

Xem xét cội nguồn của hệ tư tưởng và lịch sử kể từ khi nó ra đời, có thể hiểu được vì sao ĐCSTQ có những giai đoạn phát triển các quan điểm ngoại giao cứng nhắc và đối đầu, khi tất cả bạo lực và xung đột đều nằm trong DNA của chính nó.

Ngoại giao “sói chiến” thế hiện ra sao?

Kể từ khi đại dịch coronavirus ở Vũ Hán bắt đầu, cộng đồng quốc tế đã tập trung vào Trung Quốc sau những cáo buộc mạnh mẽ rằng loại virus này phát tán từ phòng thí nghiệm, thêm vào đó là sự thật rằng ĐCSTQ đã che giấu sự tồn tại của virus trong khi nó đang lây lan trên khắp thế giới và các nhà chức trách nước này đã ra lệnh bắt bớ và bỏ tù những nhà báo và chuyên gia y tế cố gắng tố cáo những gì đang xảy ra.

Trước những lời chỉ trích mà chế độ Trung Quốc nhận được vào thời điểm đầu tiên đó, các quan chức ĐCSTQ đã phản ứng bằng cách nhe răng và cố gắng đe dọa thế giới bằng sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế của họ, làm sâu sắc thêm xu hướng “sói chiến”.

Theo một nhóm các nhà phân tích về Trung Quốc tại công ty tư vấn SinoInsider đã đưa ra trong bản tin ngày 30 tháng 11, “Khi ĐCSTQ tin rằng mình đang ở một vị trí yếu hoặc ít lợi thế hơn, nó sẽ chuyển sang chế độ ‘sinh tồn’ bằng cách né tránh hoặc giảm nhẹ tranh cãi, nhưng [nó] sẽ chuyển sang chế độ ‘áp đảo’ khi nó thấy mình có thế mạnh và nhận ra điểm yếu của đối thủ”.

Vì vậy, trong đại dịch, trong bối cảnh toàn cầu tê liệt, nơi mà ngay cả các cường quốc lớn trên thế giới cũng bị suy yếu nền kinh tế và tê liệt hệ thống sản xuất, chiến thuật sói chiến đã được chính quyền Trung Quốc áp dụng một cách vững chắc trong ngoại giao cả trong và ngoài nước.

Sự thiếu kiềm chế từ phía Bắc Kinh phản ánh niềm tin mới vào sự lãnh đạo của ĐCSTQ, được thấy rõ trong các ví dụ như khi vào ngày 18 tháng 3 năm 2021, Dương Khiết Trì, một ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và là người đứng đầu Văn phòng Ngoại giao, đã “tố cáo” Hoa Kỳ trên chính lãnh thổ nước này, chính xác hơn là ở Alaska, nâng chiến thuật ngoại giao sói chiến lên một cấp độ cao.

Trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Dương Khiết Trì vào ngày 18 tháng 3, Blinken đề cập rằng ông sẽ quan tâm đến việc thảo luận về “mối quan ngại sâu sắc [của mình] đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ, [và] ép buộc kinh tế đối với các đồng minh của chúng tôi.”

Nhưng phản ứng thẳng thừng của Dương Khiết Trì trước những bình luận của Blinken đã khiến mọi người ngạc nhiên.

“Tôi không nghĩ rằng đại đa số các quốc gia trên thế giới công nhận các giá trị phổ quát mà Hoa Kỳ chủ trương hay các quan điểm của Hoa Kỳ có thể đại diện cho dư luận quốc tế, và những quốc gia đó sẽ không công nhận rằng các quy tắc đặt ra bởi một nhóm thiểu số có thể đặt nền tảng cho trật tự thế giới,” ông Dương nói.

Những lời của Dương Khiết Trì dường như cảnh báo các nhà chức trách Hoa Kỳ rõ ràng rằng ĐCSTQ sẽ không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của Hoa Kỳ nữa, mà sẽ thực hiện các quy tắc của riêng mình.

Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đưa ra một cảnh báo thách thức theo phong cách “sói chiến” điển hình nhất vào cuối tháng 6 năm 2021, khi đảng này kỷ niệm 100 năm tuổi:

“Người dân Trung Quốc tuyệt đối sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc nô dịch chúng tôi, và bất cứ ai cố gắng làm như vậy sẽ phải gục đầu và đổ máu trước Vạn Lý Trường Thành của 1,4 tỷ dân Trung Quốc”.

Vài tháng sau, vào ngày 6 tháng 10 năm 2021, một nhóm thượng nghị sĩ Pháp đã đến Đài Loan để đàm phán với Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (ROC) Đài Loan Thái Anh Văn, phớt lờ những lời cảnh báo của ĐCSTQ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Alain Richard, người dẫn đầu đoàn tùy tùng, đã gọi Đài Loan là một “quốc gia” trước cuộc gặp với tổng thống Thái Anh Văn, làm dấy lên cơn thịnh nộ của ĐCSTQ ở Trung Quốc đại lục.

ĐCSTQ đã nhanh chóng bác bỏ kế hoạch cho các nhà ngoại giao Pháp đến thăm Trung Quốc, với việc Đại sứ Trung Quốc tại Pháp cảnh báo rằng chuyến thăm của phái đoàn tới Đài Loan sẽ “vi phạm rõ ràng nguyên tắc một Trung Quốc và gửi tín hiệu sai cho các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan”.

Đại sứ quán cũng yêu cầu các thượng nghị sĩ Pháp “suy nghĩ kỹ” và “xem xét lại” quyết định đến thăm hòn đảo, nói rằng một động thái như vậy sẽ làm tổn hại đến “lợi ích cơ bản” của chính quyền đại lục đối với Đài Loan.

Theo các nhà phê bình chủ nghĩa cộng sản, những giai đoạn bất ổn như trên có xu hướng trùng khớp với các cuộc đàn áp chính trị trong nước của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ.

Dưới thời Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã trừng phạt gần 1,5 triệu quan chức trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng. Chính phủ cũng thiết lập các trại “cải tạo” ở Tân Cương và phải bảo vệ các chính sách này trước thế giới. Vì vậy, có thể điều này đang xảy ra: sự kết hợp của một làn sóng tin tưởng mới vào các nhà lãnh đạo đảng, xen lẫn với sự bất an sâu sắc của một số bộ phận về các quan chức của họ.

Trong bối cảnh phức tạp này, việc sử dụng ngoại giao sói chiến cũng phục vụ giai tầng chính trị Trung Quốc như một phép thử niềm tin đối với Đảng Cộng sản và các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Hơn nữa, với sự phát triển của Internet và đặc biệt là việc triển khai các mạng xã hội như Twitter như một công cụ giao tiếp chính trị, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang phục vụ ở các nước kém phát triển và cách xa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nay có cơ hội thể hiện “bằng chứng của lòng trung thành” với các ông chủ của họ ở Trung Quốc.

Chính sách đối đầu dẫn đến cuộc chiến thương mại với Mỹ
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù cần lưu ý rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn là do Hoa Kỳ đã đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, mở cửa cho Trung Quốc tiến vào thị trường thế giới và cho phép Trung Quốc đạt mức tăng trưởng lịch sử liên tục cho đến ngày nay.

Quan hệ thương mại giữa hai cường quốc tăng trưởng theo tốc độ của nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù đối với Hoa Kỳ là không đồng đều. Hàng trăm công ty lớn đã ngừng sản xuất ở Mỹ để sang Trung Quốc, bị cám dỗ bởi giá nhân công thấp, phần lớn là do ĐCSTQ bóc lột công dân của mình.

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đạt 375,6 tỷ USD vào năm 2017 và Tổng thống bấy giờ là Donald Trump đã bắt đầu làm điều gì đó, như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử của mình trước tình hình đáng lo ngại về việc làm và thiệt hại kinh doanh bản địa.

Nhưng phản ứng của các quan chức Trung Quốc ngay từ đầu, không có ý định hợp tác để đạt được một thỏa thuận nào đó có lợi cho cả đôi bên, mà chỉ đơn giản là chỉ trích Hoa Kỳ, làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia.

Sau một loạt các cuộc đàm phán lịch sử giữa các nhà lãnh đạo của cả hai nước, vào tháng 1 năm 2020, họ đã ký được bản thỏa thuận một phần nhằm giảm bớt kịch bản chiến tranh thương mại vốn đã gây xáo trộn thị trường khắp thế giới.

Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, chính quyền Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy nhập khẩu của Hoa Kỳ lên 200 tỷ USD so với mức năm 2017 và đẩy mạnh các quy định về sở hữu trí tuệ bằng cách tăng cường kiểm soát đối với số lượng lớn sản phẩm giả từ các công ty Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã đồng ý giảm một nửa một số mức thuế mới mà họ áp lên hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng đáng lo ngại với Trung Quốc.

Thỏa thuận này đã làm dịu thị trường, và trong một thời gian có vẻ như đã đạt được một điểm cân bằng, cho phép các cuộc đàm phán tiếp theo đạt được một tình huống ổn định và thuận lợi cho cả đôi bên.

Nhưng nhiều tháng trôi qua, chính sách sói chiến, được củng cố với sự xuất hiện của đại dịch coronavirus ở Vũ Hán, đã khiến ĐCSTQ liên tục không tuân thủ các cam kết đã đưa ra trong giai đoạn một của thỏa thuận, vứt bỏ những nỗ lực từ trước đó.

Ý tưởng về thỏa thuận được chính quyền Trump lên kế hoạch và đàm phán là nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại và phát triển một mối quan hệ mới theo các nguyên tắc “thương mại công bằng và có đi có lại”.

Nhưng trong khi Mỹ giảm một nửa thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc xuống 7,5% và hủy bỏ các khoản thuế bổ sung, một năm sau khi ký giai đoạn một của hiệp định, chính quyền Trung Quốc đã không đáp ứng được các cam kết mua hàng và thâm hụt thương mại của Mỹ với cường quốc châu Á này đã tăng lên.

Theo báo cáo của tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), việc Trung Quốc mua các sản phẩm có trong thỏa thuận chỉ đạt 58% mục tiêu của họ. Đặc biệt, nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Trung Quốc rất thấp, chỉ đạt 35% so với mục tiêu đã thống nhất.

Tiếp tục với các chính sách ngoại giao đối đầu của mình, không thể hiện sự quan tâm đến việc tiếp tục các cuộc đàm phán và các thỏa thuận, trước sự chỉ trích của Hoa Kỳ vì không tuân thủ, Trung Quốc chỉ cố gắng trả lời một cách ngớ ngẩn như các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ đã không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của đại dịch, điều được cho là đã dẫn đến việc hủy bỏ nhiều giao dịch.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã đi xa đến mức tuyên bố rằng COVID có thể lây truyền qua thực phẩm và vì lý do này mà họ không muốn nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, điều này đã làm gia tăng sự tức giận của các quan chức Hoa Kỳ, những người buộc phải bác bỏ những lập luận vô căn cứ từ phía Trung Quốc.

Tóm lại, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại thông qua việc thực hiện một hệ thống kinh tế công bằng, trong đó cả hai bên đều có lợi, ĐCSTQ tiếp tục vi phạm các cam kết và các quan chức của họ vẫn tiếp tục đường lối đối đầu, khiến giai đoạn hai của hiệp định không thể ký kết, kéo dài chiến tranh thương mại.

Với việc Joe Biden lên làm tổng thống, đường lối cứng rắn của Hoa Kỳ chống lại sự vi phạm trắng trợn của ĐCSTQ vẫn tiếp tục mặc dù không rõ ràng như trong thời kỳ trước. Trong khi đó, chính sách ngoại giao hiếu chiến của ĐCSTQ cũng tiếp diễn.

Có lẽ ví dụ điển hình nhất là Tần Cương, đại sứ mới của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, người đã đưa ra một loạt lời lẽ rất gay gắt chống Washington trong bài phát biểu giới thiệu vào cuối năm 2021, chỉ trích mạnh mẽ hành động của chính phủ và yêu cầu các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh. Ông Tần Cương đe doạ rằng sẽ có “hậu quả tai hại” nếu Hoa Kỳ cố gắng đàn áp ĐCSTQ.

ĐCSTQ có đang thay đổi chiến lược của mình không?

Chính sách sói chiến hung hãn đã cho phép ĐCSTQ tự khẳng định mình trong vài năm qua đối với nhiều nước phụ thuộc và đang phát triển, như trường hợp của hầu hết các nền dân chủ Mỹ Latinh nơi chế độ này đang mở rộng cơ sở địa chính trị của mình.

Tuy nhiên, chính sách này dường như không hoạt động tốt với các đối tác thương mại chính của Trung Quốc, chẳng hạn như Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên của cộng đồng châu Âu, nơi hình ảnh của ĐCSTQ đã xấu đi rất nhiều trong đại dịch.

Những tín hiệu gần đây có thể cho thấy Bắc Kinh có ý định tiết chế, nhưng không từ bỏ giọng điệu quả quyết của các nhà ngoại giao. Tất cả các dấu hiệu cho thấy rằng trong nội bộ ĐCSTQ đang có một sự rạn nứt mới chia rẽ những người có ý định duy trì lối phát ngôn bạo lực và những người cho rằng cần phải tiết chế lời nói và hành động để cải thiện hình ảnh đang suy giảm của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Vào ngày 20 tháng 12 năm 2021, cựu đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Thôi Thiên Khải, đã bất ngờ xuất hiện tại Bắc Kinh và có một bài phát biểu mạnh mẽ, nói nhiều về lập trường hiếu chiến của các quan chức ĐCSTQ.

Trước sự tập hợp của các chức sắc, bao gồm Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Thôi Thiên Khải đã chỉ trích tình trạng ngoại giao hiện tại của Trung Quốc và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng mà điều này có thể gây ra trên trường quốc tế.

Các nhân vật cấp cao khác trong giới ngoại giao và chính trị của Trung Quốc, bao gồm nhà ngoại giao kỳ cựu Phó Oánh và học giả quan hệ quốc tế hàng đầu Diêm Học Thông, cũng đã chỉ trích chính sách ngoại giao gây chiến của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Nhưng chắc chắn trong số những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh có thể đang cân nhắc lại các hình thức ngoại giao quốc tế của mình là bình luận của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tại một phiên họp nhóm của Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ vào năm 2021.

Tại phiên họp, ông Tập bày tỏ sự cấp thiết đối với Trung Quốc phải cải thiện giao tiếp quốc tế, với mục tiêu “mở rộng vòng kết nối bạn bè hiểu về Trung Quốc”. Để đạt được mục tiêu này, ông yêu cầu các quan chức xây dựng hình ảnh Trung Quốc “đáng tin, đáng yêu và đáng kính” ở nước ngoài.

Theo một số chuyên gia, sau bài phát biểu của ông Tập, đã có một loạt thay đổi đáng chú ý trong giới chức ngoại giao của Trung Quốc và các thông điệp ở nước ngoài nói chung sẽ hạn chế sự đối đầu thái quá.

Mặc dù chúng ta không thấy sự thay đổi hoàn toàn trong lối diễn ngôn bạo lực của một số nhà ngoại giao và quan chức của ĐCSTQ, chẳng hạn như bài phát biểu của Đại sứ Tần Cương năm ngoái, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh hành vi thái quá của các sói chiến, biến thành diễn ngôn nhẹ nhàng hơn và ít đối đầu hơn.

Một số người đã chỉ ra rằng ngoại giao sói chiến không phục vụ lợi ích chiến lược của Bắc Kinh và vì lý do này, một sự thay đổi tất nhiên đang được xem xét, đó là một khả năng. Một điều khác không kém phần khả thi đó là chế độ Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới, trong đó sự thân mật có thể chiếm ưu thế trong ngoại giao quốc tế, bởi lẽ nước này đang trải qua quá trình suy yếu về mặt chính trị gây ra bởi suy thoái kinh tế tiềm tàng và hình ảnh quốc tế suy giảm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới