Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCần sớm có chính sách “cứu tàu 67”

Cần sớm có chính sách “cứu tàu 67”

Khi chủ tàu vỡ nợ, cả ngân hàng và ngư dân đều chịu thiệt. Ngân hàng thu hồi nợ khó khăn, ngư dân mất tàu, thậm chí có người mất luôn nhà ở. Một chủ trương đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Có cách nào để cứu những con tàu vỏ thép 67?

Do nằm bờ quá lâu, nhiều tàu vỏ thép bị hoen gỉ, xuống cấp.

Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là ưu việt, bởi 95% vốn đóng tàu vỏ thép từ vốn vay ngân hàng thương mại, lãi suất ưu đãi 1%, ngân sách cấp bù lãi suất 6%. Khi nhìn lại hành trình vươn khơi, nhiều ý kiến cho rằng, liệu có quá vội vàng khi trong một thời gian ngắn cả 28 tỉnh, thành phố ven biển đều đồng loạt triển khai đóng tàu vỏ thép?

Trong khi đó, tàu vỏ thép quá mới mẻ đối với ngư dân, nhiều người chưa có kinh nghiệm quản lý, sử dụng, những năm đầu, chủ tàu và thuyền viên mới làm quen với cách vận hành tàu nên đánh bắt không hiệu quả. Thật xót xa khi nhiều ngư dân đóng tàu vỏ thép 67 đều là người giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển, từng làm ăn hiệu quả nay trở thành con nợ xấu, phá sản. Để phát triển nghề cá bền vững, cần có sự phát triển đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật và cả ý thức lao động chứ không chỉ nâng cấp mỗi phương tiện.

Ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản khẳng định, sai lầm của chúng ta là chỉ lo đóng tàu to máy lớn mà không lo phương án đánh bắt: “Con tàu mới nhưng cách quản lý của chúng ta cũ thì làm sao hiệu quả được. Một trong vấn đề để khắc phục Nghị định 67, tôi nghĩ rằng cần có cơ chế xử lý khắc phục rủi ro. Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cùng với các tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ việc này”.

Nhìn một cách tổng thể, so với các chính sách trước đây, Nghị định 67 của Chính phủ có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện để phát triển ngành thủy sản. Sau gần 8 năm triển khai, Nghị định 67 đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn về mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Nhiều chủ tàu 67 đánh bắt hiệu quả, trả nợ đúng hạn.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai đã không lường hết những rủi ro và chưa kịp thời xử lý tình huống mới phát sinh. Ví như, khi thấy tàu cá một số địa phương gặp trục trặc, hỏng hóc, ngư dân không trả nợ theo lộ trình dẫn đến nợ xấu, một số ngư dân khác dù đánh bắt có hiệu quả lại có tư tưởng ỷ lại, chây ì trả nợ vẫn không có chế tài xử lý triệt để. Từ đó, nhiều ngư dân cho rằng, con tàu 67 là của Nhà nước, đánh bắt không hiệu quả có Nhà nước lo xử lý.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông tỉnh Bình Định cho rằng, ngư dân phải xác định con tàu là tài sản của mình thì mới có trách nhiệm trả nợ, giữ được con tàu vươn ra khơi xa.

“Đây cũng là một bài học để sau này có nhiều chính sách phát triển thuỷ sản, chúng ta mới có Nghị định 17 hỗ trợ một lần sau đầu tư. Ngư dân đóng con tàu bao nhiêu tiền thì mình hỗ trợ bao nhiêu là xong, rất rõ ràng. Sau này, các chính sách, nên xây dựng trên nền tảng như vậy thì mới mang lại hiệu quả” – ông Trần Văn Phúc nói.

Nhiều chủ tàu vỏ thép mắc nợ ngân hàng cho biết, với phương án trả nợ mà các ngân hàng áp dụng như hiện nay sẽ rất khó cho ngư dân cầm cự được lâu. Tàu vỏ thép vốn vay quá lớn, trả nợ trong vòng 16 năm, mỗi quý, chủ tàu phải trả nợ gốc và lãi từ trên 300 triệu đồng. Theo hợp đồng, nếu trả đúng hạn, chủ tàu mới được hưởng lãi suất ưu đãi 1% nhưng chỉ cần một quý không trả được thì lập tức chuyển sang nợ xấu, phải chịu lãi suất thương mại 7%.

Ông Lê Ngô Hát, chủ tàu vỏ thép BĐ-99168 ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lo ngại, nếu nút thắt này không được tháo gỡ thì tàu vỏ thép 67 rất khó tiếp tục hoạt động.

“Khi nợ ngân hàng thì phải trả, đó là quy luật nhưng không đi biển được thì tất cả đều nợ. Nếu không tin thì thỉnh thoảng xuống tàu sẽ biết chứ đừng nghĩ ngư dân nói không đúng” – ông Lê Ngô Hát chia sẻ.

Nguồn vốn mà các ngân hàng thương mại cho vay được huy động từ dân, hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng với chủ tàu là hợp đồng kinh tế. Đã quan hệ vay – mượn thì chấp nhận nguyên tắc “có vay có trả”. Cần phải rạch ròi giữa vốn vay và ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, ngân hàng xác định cho vay thì phải có thu hồi nợ nhưng hiện nay giá trị thu hồi nợ quá thấp. Khi thi hành án, những con tàu đó xử lý như thế nào cũng là vấn đề mấu chốt, chứ không phải thi hành án mà Ngân hàng cũng không thu lại được gì và con tàu sau khi bán đấu giá lại sử dụng vào mục đích khác.

Lâu nay, ngân hàng cho vay không giám sát được nguồn thu nhập của ngư dân đánh bắt trên biển, không nắm rõ đánh bắt có hiệu quả hay không? Ngư dân cứ báo lỗ thì ngân hàng cũng không thể biết. Ông Nguyễn Trà Dương cho rằng, đây chính là lỗ hổng cần phải có quy chế phối hợp trong quản lý đánh bắt của tàu cá giữa chủ tàu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và ngân hàng, có như vậy mới cứu được những con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67.

“Vấn đề quản lý và giám sát được dòng tiền, nguồn hải sản của ngư dân đánh bắt về thì ngân hàng không xác định được, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Lúc đó, ngư dân không thể nói là không có nguồn tiền, ngân hàng cũng có cơ sở để xác định nguồn thu có khả năng thu hồi” – ông Nguyễn Trà Dương nói

Giải pháp nào cứu tàu vỏ thép 67 thoát khỏi vòng luẩn quẩn? Trước mắt, cần có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù riêng vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 để áp dụng chung cho hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những giải pháp được các địa phương kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ cho tàu 67. Bởi nếu để lâu, tàu nhanh xuống cấp và hư hỏng càng gây thiệt hại cho cả ngư dân và ngân hàng.

Phía ngân hàng cũng nên cơ cấu lại khoản nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau để giảm áp lực trả nợ đối với chủ tàu vay vốn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sớm có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bán bảo hiểm tiếp tục bán bảo hiểm đối với tàu cá, tránh hiện tượng từ chối bán hoặc chỉ bán tượng trưng với giá trị bảo hiểm thấp hơn nhiều so với giá trị con tàu, tránh thiệt hại cho ngư dân và ngân hàng khi tàu gặp rủi ro, tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tàu 67. Theo ông Trung, dự thảo Nghị định mới xây dựng theo hướng sẽ khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với chủ tàu không trả đúng nợ do nguyên nhân bất khả kháng như: tàu bị hỏng, đâm va, chìm… Đối với chính sách đào tạo sẽ chi trả 100% kinh phí đào tạo kỹ thuật điều khiển tàu, thuyền trưởng, máy trưởng… nâng cao trình độ cho ngư dân.

Chính sách bảo hiểm thân vỏ tàu cũng điều chỉnh nâng mức hỗ trợ từ 50% hiện tại lên 70%, giảm gánh nặng cho chủ tàu. Chính sách duy tu tàu cá được sẽ thay đổi hình thức hỗ trợ, khi nào tàu đăng kiểm xong sẽ hỗ trợ 1 lần để giảm bớt thủ tục giấy tờ.

Về quy định chuyển đổi chủ tàu 67, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ khai thác Thủy sản, Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới sẽ được điều chỉnh trên cơ sở là chủ tàu mới tiếp nhận con tàu 67 cũ cũng được UBND tỉnh, thành phố xét duyệt như ban đầu đóng mới.

“Chúng ta chuyển con tàu từ chủ cũ sang chủ mới, phương án đưa ra là những người mới lại được UBND tỉnh xét duyệt như ban đầu. Tài sản này được chủ cũ thẩm định lại là bao nhiêu thì người mới nhận nợ tính từ ngày đã giao, sau đó trả nợ theo ngân hàng, ký lại hợp đồng tín dụng. Người mới nhận cũng nhận được hưởng các chính sách theo Nghị định 67 đã quy định, kể cả lãi suất ưu đãi. Như vậy, nguồn nợ chênh lệch giữa chủ tàu cũ và mới này thì ngân hàng yêu cầu chủ cũ phải chịu trách nhiệm trả” – ông Nguyễn Văn Trung nói.

Ra đời cách đây gần 8 năm, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản hướng tới mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chính sách này đã dần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế.

Con tàu 67 vươn khơi không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, cần tiếp tục đánh giá lại một cách toàn diện, kịp thời có những chính sách mới tháo gỡ những bất cập để đưa những con tàu 67 tiếp tục vươn ra khơi xa. Nếu không, hệ lụy từ Chương trình tàu 67 không chỉ tác động xấu đến cuộc sống ngư dân mà con gây, khó khăn đối với ngân hàng cho vay và của cả nền kinh tế đất nước bởi một chương trình lớn của Chính phủ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới