Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTấm giấy khai sinh trên đảo Hoàng Sa

Tấm giấy khai sinh trên đảo Hoàng Sa

Trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn cố chứng minh rằng, Hoàng Sa (họ gọi là Tây Sa) “từ thời thượng cổ đã thuộc về Trung Quốc”, thì các cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử đều chứng minh ngược lại: quần đảo này thuộc về Việt Nam.

Theo nguồn tư liệu, bản đồ quần đảo Hoàng Sa từ xa xưa vốn thuộc về Việt Nam. Trong sử liệu Châu bản triều Nguyễn viết rõ: “Xứ Hoàng Sa là thuộc hải cương nước ta, hằng năm có lệ phái binh thuyền ra khảo sát để quen đường biển”.

Việc sinh tử trên quần đảo được thể hiện một cách chân thực qua Giấy chứng sinh của em bé đầu tiên ra đời trên đảo và trích lục khai tử của binh lính hải quân. Đây là minh chứng rõ nhất khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Mới đây, chúng tôi có thêm một bằng chứng: Bản khai Giấy chứng sinh của em bé Mai Kim Quy, sinh ngày 7/12/1939 trên đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy bản khai đã ố màu nhưng những thông tin chính vẫn còn đầy đủ. Giấy chứng sinh này vẫn đang được cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội lưu giữ cẩn trọng. Cụ thể: Mai Kim Quy (giới tính: Nữ), con ông Mai Xuân Tập (nhân viên Khí tượng) và bà Nguyễn Thị Thắng (mẹ, làm nghề nội trợ). Người làm chứng thứ nhất là Nguyễn Tăng Chuẩn (bác sỹ Đông Dương). Người làm chứng thứ hai là Đỗ Đức Mai (Giám đốc Đài Phát thanh). Người đại diện ký tên dưới giấy chứng sinh này là Chauvet (Đại diện phái đoàn ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc nước An Nam).

Thêm một bằng chứng không ai có thể bác bỏ, xuyên tạc: Việt Nam đã quản lý hành chính đảo Hoàng Sa và theo dõi rất chặt chẽ biến động dân cư ở đó
Đảo Hoàng Sa là căn cứ chính của Đông Dương thời thuộc địa Pháp và về sau do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Sau này, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa. Thế rồi đầu năm 1974, khi Việt Nam đang dốc sức cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, Trung Quốc đã bất ngờ tấn công và chiếm toàn bộ quần đảo.

Ông Mai Xuân Tập, cha của Mai Kim Quy, là một trong những công dân được cử ra đảo làm việc tại Trạm khí tượng khi được xây dựng vào năm 1938. Ông đưa vợ và hai con gái ra theo (Mai Thị Phi và hai Mai Thị Phương). Người con gái đầu Mai Thị Phi, năm nay 86 tuổi, sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Gia đình tôi sống ở Hoàng Sa khoảng bốn năm (từ 1938 đến 1941). Em Mai Kim Quy được sinh ra ở đó, nhưng không may em Quy bị bệnh, mất năm 1942 sau khi chúng tôi trở về đất liền”.

Giấy khai sinh của Mai Kim Quy được giao lại cho người con trai trưởng Mai Xuân Phú cất giữ.

Mặc dù giấy khai sinh này không thể coi là bằng chứng quyết định, nhưng nó là một bằng chứng rất hữu ích chứng tỏ Việt Nam vào thời gian đó đã là chủ thật sự một số đảo ở Hoàng Sa.

Ngoài tấm giấy khai sinh quý giá còn giữ được, cơ quan lưu trữ cũng giữ được một số giấy tờ quản lý con người quan trọng khác, trong đó có giấy chứng tử. Một dẫn chứng: Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng trên chiến hạm Nhật Tảo HQ.10 tử trận ngày 19/1/1974 trong trận hải chiến Hoàng Sa với quân đội Trung Quốc. Thời điểm đó, vợ trung sĩ Trọng là Nguyễn Thị Lựa đang mang thai đứa con trai được bảy tháng. Khi sinh con, bà đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa, sinh ngày 24-3-1974.

Người sinh ra và người tử trận đều được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Vậy mà có một ngày quân Trung Quốc tràn đến cướp đảo, tàn sát đẫm máu người Việt trên quần đảo này. Họ xưng xưng nói rằng, “đất này là của cha ông chúng tôi” (!). Thậm chí vào tháng 4/2020, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Việc này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc công bố cái gọi là“quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOC) năm 1982. Việt Nam kiên quyết phản đối và phản đối tới cùng cho dù cuộc đấu tranh này có gian khổ, dài lâu đến bao nhiêu. Đời cha ông không lấy lại được thì con cháu mai sau sẽ tiếp tục đại sự này. Người Việt Nam không bao giờ quên “Bãi cát vàng” ở phía Đông Tổ quốc, quyết không bao giờ để mất một tấc đất thiêng liêng của tiền nhân để lại.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới