Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì Nga các nước thành viên NATO chia rẽ

Vì Nga các nước thành viên NATO chia rẽ

Các thành viên NATO đang có những quan điểm khác biệt về chiến lược sẽ áp dụng đối với Moskva trong bối cảnh khủng hoảng Nga – Ukraine đang tiếp diễn.

Tờ New York Times hôm 6/4 dẫn nguồn quan chức NATO cho hay, Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Moskva. Họ lo ngại chiến thắng của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ là mối đe dọa cho an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, các quốc gia như Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ lập luận không thể dễ dàng khuất phục Nga và muốn duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bất đồng giữa các thành viên NATO cũng leo thang thời gian gần đây khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì cố gắng đàm phán với Moskva.

Tổng thống Macron cũng đã đáp lại người đồng cấp Ba Lan bằng cách bảo vệ chính sách ngoại giao của điện Elysee. Ông mô tả tuyên bố của Morawiecki là “tai tiếng”.

“Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã nói chuyện với Tổng thống Nga, nhân danh Pháp, để tránh chiến tranh và xây dựng nền tảng mới cho hòa bình ở châu Âu”, ông Macron nói.

Một điều mà tất cả các quốc gia NATO đều nhất trí đó là cuộc xung đột Ukraine đã đi vào giai đoạn “không chắc chắn” và khó có thể được giải quyết trong tương lai gần. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc quân đội Nga đang tập hợp lại để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn mới.

“Moskva không từ bỏ tham vọng của mình ở Ukraine. Trong những tuần tới, chúng tôi cho rằng Nga sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động tại miền đông và miền nam Ukraine để cố gắng chiếm toàn bộ Donbas và tạo ra một cây cầu trên bộ tới Crimea. Đây là một giai đoạn quan trọng của cuộc chiến”, ông Jens Stoltenberg dự đoán.

Tuần trước, các phái đoàn Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đàm phán, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ rút lực lượng khỏi mặt trận Kiev và Chernigov. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng đó là mệnh lệnh cá nhân của Tổng thống Putin và là “cử chỉ thiện chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo”.

Tuần này, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO họp tại Brussels để quyết định về cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Các ngoại trưởng cũng sẽ bắt đầu thảo luận sâu hơn về khái niệm chiến lược mới của NATO.

Các thành viên NATO đã không ngừng củng cố sức mạnh quân sự cho Ukraine với việc tăng cường cung cấp vũ khí cả trước và đặc biệt là sau khi bùng nổ xung đột. Tuy nhiên, tổ chức này đã nhiều lần từ chối lời đề nghị của Kiev về việc thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine vì lo ngại rằng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến đối đầu trực diện với Nga. 

RELATED ARTICLES

Tin mới