Phi đội 6 chiếc máy bay vận tải của quân đội Trung Quốc xuất hiện tại quốc gia châu Âu Serbia đã làm dấy lên hàng loạt đồn đoán.
Cuối tuần qua, giới quan sát đã phát hiện ra 6 chiếc máy bay vận tải quân sự Y-20 hạ cánh ở một sân bay dân sự tại thủ đô Belgrade, Serbia. Các hình ảnh được chụp ở sân bay Nikola Tesla cho thấy các phi cơ của Bắc Kinh.
Giới truyền thông và các chuyên gia quân sự cho biết, các máy bay Trung Quốc có thể làm nhiệm vụ giao hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 cho quân đội Serbia. Bộ Quốc phòng Serbia chưa đưa ra bình luận.
Nếu thông tin này là sự thật, việc Trung Quốc vận chuyển vũ khí cho Serbia và di chuyển qua không phận ít nhất 2 nước NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria có thể được xem là động thái cho thấy tham vọng vươn xa toàn cầu của quân đội trung Quốc, theo AP.
The Drive bình luận, sự xuất hiện của Y-20 thu hút sự chú ý vì chúng bay theo số lượng lớn, chứ không chỉ là một máy bay. Việc Y-20 hiện diện ở châu Âu cũng được xem là diễn biến khá mới mẻ.
Chuyên gia quân sự Serbia Aleksandar Radic nhận định, đây có thể là động thái phô trương lực lượng của Trung Quốc ở châu Âu.
Serbia đồng ý mua của Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không HQ-22 từ năm 2019. Cuối tuần qua, ông cho biết, sẽ sớm giới thiệu thông tin về “niềm tự hào mới nhất” của quân đội Serbia vào ngày 12-13/4.
Năm 2020, Mỹ từng cảnh báo Belgrade không mua HQ-22. Washington cho biết, nếu Serbia thực sự muốn gia nhập Liên minh châu Âu EU và các liên minh của phương Tây, họ phải có các hệ thống vũ khí theo chuẩn phương Tây.
HQ-22 thường được so sánh với hệ thống Patriot của Mỹ và S-300 của Nga, dù nó có tầm hoạt động ngắn hơn hẳn S-300. Serbia sẽ là quốc gia đầu tiên tại châu Âu vận hành hệ thống tên lửa này.
Trong thời gian qua, Serbia đã nâng cao năng lực quân sự với vũ khí Nga và Trung Quốc, bao gồm máy bay quân sự, xe tăng và các thiết bị khác.
Theo AP, phương Tây lo ngại rằng việc Serbia được trang bị vũ khí Nga và Trung Quốc có thể châm ngòi cho căng thẳng ở khu vực Balkan trong bối cảnh khu vực Kosovo năm 2008 đã tuyên bố độc lập, ly khai khỏi Serbia. Trung Quốc, Nga, Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo, trong khi Mỹ và phần lớn các quốc gia phương Tây công nhận điều này.