Khi các đoàn đại diện cho chính phủ hai nước Nga và Ukraine chính thức ngồi vào bàn đàm phán đã hé lộ nhiều hi vọng. Thế nhưng, qua nhiều lần thương thảo có những bất đồng không thể giải quyết. Hố sâu ngăn cách lớn nhất là: Nga yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crimea là một phần của Nga và các khu vực ở Donbass là các quốc gia độc lập.
Đương nhiên, Ukraine thẳng thừng từ chối. Hậu quả là, cả hai bên đều bày tỏ sự thất vọng về cuộc hòa đàm từ sau cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3. Tổng thống Nga Putin cho rằng, Ukraine đã đi chệch hướng khỏi thỏa thuận đạt được trong cuộc hòa đàm ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn phía Ukraine thì lắc đầu mệt mỏi: tham gia đàm phán chẳng khác nào những kẻ nằm ngửa đấm với.
Ông Putin khẳng định, các cuộc đàm phán hòa bình “rơi vào tình trạng bế tắc”, bởi Ukraine nhất quyết không công nhận Crimea thuộc Nga và sự độc lập của khu vực Donbass. Ông một lần nữa khẳng định: “Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh cho nước Nga. Rõ ràng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Đó là bước đi đúng đắn để bảo vệ người dân khu vực Donbass”.
Ngược lại, Cố vấn Tổng thống Ukraine, Trưởng đoàn đàm phán của nước này Mykhaylo Podolyak kiên quyết bác bỏ cáo cuộc của Nga: “Phía Nga tuân thủ các chiến thuật truyền thống là gây sức ép dư luận đối với quá trình đàm phán, bao gồm cả việc thông qua một số tuyên bố công khai. Tuy nhiên, lập trường của chúng tôi không bao giờ thay đổi”.
Cứ thế, hai chàng lực sĩ vẫn cố đấm lên cái trần nhà còn cách khá xa tầm tay. Cái trần nhà ấy là mục tiêu lý thuyết của đàm phán; là con đường chấm dứt chiến tranh; là cứu những người lính của cả hai bên khỏi đổ máu một cách vô ích.
Cuộc chiến giữa hai bên càng trở nên trầm trọng khi Mỹ và phương Tây tiếp tục “bơm” tài chính và vũ khí cho Ukraine. Hôm qua, 13/4, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự 750 triệu USD cho Ukraine. Gói hỗ trợ bổ sung này bao gồm các hệ thống pháo mặt đất hạng nặng cho Ukraine, trong đó có cả pháo phản lực. Ấy là chưa kể, Mỹ đã cung cấp hơn 1,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Kiev kể từ khi Nga tấn công Ukraine.
Các lô vũ chuyển đến Ukraine bao gồm tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin cũng như đạn dược và áo giáp.
Đến nay sau gần 50 ngày giao tranh, Nga và Ukraine đang ráo riết chuẩn bị cho một trận chiến lớn ở khu vực miền Đông Donbass. Cuộc chiến tại Donbass sẽ khác biệt rất lớn so với cuộc chiến tại Kiev, bởi các lực lượng Nga đang tái tập hợp và trang bị để chuẩn bị cho một chiến dịch đánh cược cho tham vọng “giải phóng” Donbass.
Cuối tháng 2, giai đoạn đầu của cuộc chiến, các đơn vị quân đội Nga còn coi đối phương như một “chú thỏ nhãi nhép”, chưa sẵn sàng cho một cuộc giao tranh khốc liệt. Còn hiện tại Moscow đang đánh giá lại lực lượng đối đầu và dự kiến sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng, có tầm bao phủ tốt, giúp cung cấp hỏa lực đáng kể cho quân đội nước này.
Tuy nhiên quân đội Nga không dễ gì “bóp nát” Ukraine như tính toán. Việc triển khai các chiến dịch quân sự mới gấp gáp sẽ khiến cho các binh sỹ hao tổn sức lực và không lường hết những đòn phản công bất ngờ từ đối phương.
Theo tính toán của Tổng thống Putin, nếu Nga giành quyền kiểm soát Donbass trước ngày 9/5, thì họ có thể tạm dừng chiến dịch quân sự. Còn nếu thất bại, Moscow sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn, hoặc là tìm kiếm lối thoát, hoặc chuyển Nga sang tình thế chiến tranh và buộc phải huy động các lực lượng dự bị.
Cuộc chiến khốc liệt tại Donbass sẽ vô cùng hao tổn binh lực và vật chất đối với Kiev, nhưng nó sẽ mang tính quyết định. Tên lửa chống tăng và hệ thống phòng không di động là những vũ khí được ưu tiên trong cuộc chiến sắp tới. Bên cạnh đó, cần một số lượng lớn các loại đạn dược để nhắm vào hệ thống phòng không và pháo của Nga, từ đó tạo cơ hội cho trực thăng tiếp tế cho các đơn vị bị cô lập.
Những vũ khí tối tân đó đã được Mỹ và phương Tây chuyển tới. Họ đang sử dụng Ukraine như một con bài trong tay. Trong khi các lực sĩ tiếp tục gồng hết sức đấm lên… trần nhà, thì “sen đầm” quốc tế thời nay tiếp tục có những tính toán mới nhằm cô lập, hạ bệ Nga. Trận chiến “hai bên cùng thua” tất yếu sẽ có kẻ thắng – thắng ở sự từng bước sắp xếp lại trật tự thế giới, đẩy Nga, Trung Quốc về phía sau càng xa ngôi bá chủ càng tốt.
Vì thế, cũng dễ hiểu Nga-Trung Quốc đang xích lại gần nhau vì mục tiêu trước mắt. Họ giữ mối liên kết chặt chẽ trong lúc này, chứ đó không phải là một liên minh chiến lược lâu dài.
H.Đ