Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThái Lan mua tàu ngầm TQ không có động cơ?

Thái Lan mua tàu ngầm TQ không có động cơ?

Kế hoạch mua sắm tàu ​​ngầm Trung Quốc của Chính phủ Thái Lan gặp khó sau khi Đức từ chối cung cấp động cơ để vận hành tàu ngầm này.

Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm từ Trung Quốc nhưng buộc phải tạm dừng kế hoạch vào năm 2020 sau khi vấp phải sự chỉ trích từ công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng việc tái thiết kinh tế cần được ưu tiên hơn.

“Chúng ta có cần mua một chiếc tàu ngầm không có động cơ không?” – Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói với báo chí tuần trước, nhấn mạnh Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét việc ngừng mua nếu hợp đồng không được thực hiện.

Thái Lan đã ký hợp đồng mua tàu ngầm từ Trung Quốc vào năm 2017. Theo đó, hải quân Thái Lan sẽ mua một tàu ngầm từ Trung Quốc với giá 13,5 tỷ baht (403 triệu USD) và giao hàng vào cuối năm 2023.

Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOC) – thuộc sở hữu nhà nước, đảm nhận việc chế tạo tàu ngầm, đã lên kế hoạch sử dụng động cơ diesel do công ty MTU Friedrichshafen GmbH của Đức sản xuất. Tuy nhiên, truyền thông Thái Lan hồi tháng 2 đưa tin, Đức từ chối chuyển động cơ cho Trung Quốc và công ty đóng tàu đã ngừng đóng tàu ngầm theo kế hoạch.

Trước đó, hồi tháng 2, đại sứ quán Đức tại Thái Lan cho hay, Trung Quốc đã không cho phía Đức biết trước khi ký hợp đồng với Thái Lan rằng động cơ này sẽ được sử dụng cho tàu ngầm.

Theo truyền thông Thái Lan, Trung Quốc đề xuất thay vì Thái Lan tiếp nhận tàu chạy bằng động cơ của Trung Quốc hoặc nhận tàu ngầm đã qua sử dụng, Bắc Kinh tặng miễn phí cho Myanmar một chiếc tàu ngầm đã qua sử dụng vào tháng 12 năm ngoái.

“Trung Quốc đã không trực tiếp thông báo cho chúng tôi về một giải pháp thay thế.Chúng tôi yêu cầu giao một tàu ngầm trang bị động cơ của Đức như đã ký hợp đồng”,Nikkei Asia dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Thái Lan cho biết.

Phía Thái Lan dự kiến ​​sẽ liên hệ, mời công ty đóng tàu Trung Quốc sang Thái Lan để thảo luận vấn đề và đưa ra kết luận vào cuối tháng này.

Đức đang cấm xuất khẩu động cơ sang Trung Quốc, áp dụng theo lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Bắc Kinh vào năm 1989. 

Trong khi các nước láng giềng, bao gồm Indonesia và Malaysia, có tàu ngầm thì Thái Lan lại không. Nước này quyết định mua tàu ngầm từ Trung Quốc, cho rằng điều này rất quan trọng đối với an ninh.

Paul Chambers, một học giả về các vấn đề quân sự tại Đại học Naresuan (Thái Lan), chỉ ra rằng hợp đồng mua tàu ngầm với Trung Quốc nhằm gửi đi thông điệp rằng Thái Lan không cần phụ thuộc vào các nước phương Tây.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ở Thụy Điển, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Thái Lan đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2014 – 2018, so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu nhập khẩu vũ khí của Thái Lan từ Trung Quốc suy giảm.

Thái Lan đã tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Paul Chambers cho biết: “Thỏa thuận này có thể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ mua sắm quân sự Thái – Trung”.

RELATED ARTICLES

Tin mới