Hoa Kỳ nói rằng họ đã biết về việc Trung Quốc công bố thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa cho Trung Quốc khai triển quân đội tới quốc đảo Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc cho biết: “Xét thấy các báo cáo về thỏa thuận dường như đến từ Trung Quốc, chứ không phải chính quyền Quần đảo Solomon, có vẻ như Trung Quốc đã đơn phương công bố thỏa thuận”. “Việc ký kết thỏa thuận được báo cáo không làm thay đổi mối quan tâm của chúng tôi, các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với khu vực”.
Tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Úc “cố tình thổi phồng căng thẳng” và bất kỳ nỗ lực can thiệp nào đều “vô ích”.
Tuần này, Điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc, ông Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink là các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đến Fiji, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon để làm sâu sắc hơn “mối quan hệ lâu dài với khu vực” và bảo đảm rằng quan hệ đối tác của Hoa Kỳ “mang lại thịnh vượng, an ninh và hòa bình ở các quần đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Tác động của thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc dự kiến sẽ là trọng tâm chính trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.
Theo một dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, Trung Quốc có thể cử cảnh sát vũ trang và quân đội nếu chính quyền Quần đảo Solomon yêu cầu. Trung Quốc cũng có thể được phép cập cảng các tàu hải quân của họ gần bờ biển của quốc đảo Thái Bình Dương này.
“Chúng tôi hiểu rằng Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đang thảo luận về một thỏa thuận rộng rãi, liên quan đến an ninh, được xây dựng trên cơ sở hợp tác trị an được ký kết gần đây”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai. “Bất chấp những bình luận từ chính quyền Quần đảo Solomon, bản chất rộng rãi của thỏa thuận an ninh này đã để ngỏ cánh cửa cho CHND Trung Hoa khai triển quân đội tại Quần đảo Solomon. Chúng tôi tin rằng việc ký kết một thỏa thuận như vậy có thể làm trầm trọng thêm bất ổn trong Quần đảo Solomon và sẽ đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại cho khu vực quần đảo Thái Bình Dương rộng lớn hơn”.
Úc và New Zealand có mối quan hệ thực thi pháp luật và an ninh lâu đời với Quần đảo Solomon. Lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia do Úc dẫn đầu từ Fiji, New Zealand và Papua New Guinea đã được điều động đến thủ đô Honiara của nước này sau khi tình trạng bất ổn bùng phát vào tháng 11 năm ngoái.
Ông Price nói thêm rằng một mục đích của chuyến thăm là chia sẻ quan điểm và lo ngại về cách một thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc có thể đe dọa mô hình an ninh khu vực hiện tại.
Vào đầu tháng 4, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho biết Quần đảo Solomon sẽ không mời Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự. Trung Quốc cũng phủ nhận việc tìm kiếm một địa điểm đổ bộ quân sự ở đó.
Các cựu quan chức Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ phải tăng cường hỗ trợ cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, bà Catherine Ebert-Grey, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Vanuatu, nhấn mạnh vị trí chiến lược của Quần đảo Solomon.
Bà nói: “Quần đảo Solomon là điểm trung chuyển một số lượng lớn các chuyến hàng qua nam Thái Bình Dương”. Điều quan trọng không chỉ đối với những chuyến hàng hóa này, mà còn đối với các chuyến bay, và nhiều máy bay từ Úc và New Zealand cần phải đi về phía bắc qua khu vực này để đến châu Á, hoặc từ Mỹ đến các khu vực của Thái Bình Dương và các khu vực của châu Á.
“Đây cũng là nơi sản xuất hơn một nửa lượng cá ngừ đại dương trên thế giới. Vì vậy, quyền tự do hàng hải cho các tàu đánh cá là rất quan trọng”, bà cho biết thêm.
Hoa Kỳ cũng đang tăng cường quan hệ với người dân Quần đảo Solomon. Quân đoàn Hòa bình đã tiếp tục hoạt động tại quốc gia Nam Thái Bình Dương sau gần 20 năm gián đoạn.
Cũng trong ngày thứ Ba, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã tới Brussels để tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu về các vấn đề Trung Quốc và chiến lược tăng cường can dự ngoại giao nhằm bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bà Sherman sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự Đối thoại Trung Quốc giữa Hoa Kỳ và EU vào thứ Năm và Tham vấn giữa Hoa Kỳ và EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào thứ Sáu.