Việt Nam vẻ như muốn thể hiện là quốc gia “làm nhiều hơn nói” trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có lẽ vì thế, cuộc tập trận tại trường bắn TB-2 (H.Tây Sơn, Bình Định), trong 2 ngày (12 – 13.4), truyền thống Việt Nam đưa tin rất hạn chế.
Truyền thông phương Tây thì không nói, đưa và bình luận động thái quân sự trên Biển Đông này của Việt Nam như một sự kiện khác thường. Khác thường ở chỗ, Hà Nội vẫn cảnh giác, vẫn triển khai các cuộc tập trận trong vùng biền mà họ có chủ quyền chính đang, để tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ chủ quyền các đảo, đá mà họ đang nắm quyền kiểm soát, nhưng ít khi được báo chí “lề phải” đưa tin. Nếu có, thì phần nhiều, cũng chỉ vài dòng ngắn tũn sau khi mọi sự đã hoàn tất. Hà Nội kiên trì cách truyền thông đó, bất chấp sự chỉ trích của các trang “lề trái”, hoặc những người “bất đồng chính kiến”, rằng “chính quyền cộng sản hèn, sợ Trung Quốc”.
Những người theo sát tình hình Biển Đông cùng quan hệ phức tạp Việt Nam- Trung Quốc hiểu rằng, không sợ Trung Quốc, nhưng Hà Nội không muốn Bắc Kinh vin vào đó lu loa, cáo buộc Việt Nam làm phức tạp tình hình, đồng thời, lấy đó làm lý do biện minh cho các hoạt động quân sự liên tục, quy mô ngày càng lớn của họ trên Biển Đông…
Nhưng tới cuộc tập trận diễn ra 2 ngày (12 – 13.4) vừa qua thì khác. Từ trước đó, cụ thể là ngày 8/4, Hà Nội đã tiết lộ một cách khéo léo sẽ tổ chức một cuộc tập trận qua việc để hãng hàng không Vietnam Airlines thông báo từ ngày 12-4 đến 25-4, hãng sẽ điều chỉnh kế hoạch bay trong 10 ngày của các chuyến bay đến, đi từ Quy Nhơn để phục vụ một cuộc diễn tập quốc phòng.
Ai cũng biết, một quốc gia có vị trí địa chính trị đặc biệt, nhạy cảm như Việt Nam, một khi đã lấy lý do quân sự, là “cấm cãi”. “Một mũi tên hai đích”, qua thông báo của cơ quan dân sự là Vietnam Airlines, Hà Nội vừa thông tin, giải thích được cho hành khác đã đặt vé các chuyến bay tới Bình Định trước đó, lại vừa gián tiếp đưa tin tập trận sớm tới dư luận.
Tiếp theo, ngày 14/4, Hà Nội để tờ Thanh niên, một tờ báo lớn, có lượng người đọc đông đảo, đưa một bản tin khá chi tiết. Theo đó, “các máy bay tiêm kích Su-27, Su-22 và trực thăng Mi-8 của 3 Trung đoàn không quân 925, 929 và 930 (Sư đoàn không quân 372, Quân chủng Phòng không – Không quân – PKKQ) đã thực hành bắn, ném bom, đạn thật mục tiêu mặt đất ngày, đêm cho phi công và tổ bay…”. Tờ báo này còn nêu cụ thể các số liệu vốn được coi là “nhạy cảm”: “26 lần chuyến công kích mặt đất (bằng bom, rốc két, đạn pháo) ban ngày và ban đêm đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Kết quả bắn, ném bom, đạn thật, đạt 100% khá, giỏi”. Đặc biệt, hẳn nhiều người Việt Nam hả hê với việc Thanh Niên dẫn lời Thiếu tướng Phạm Trường Sơn (Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ) cho biết: “Đây là cơ sở cho các đơn vị rút kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện, nâng cao khả năng, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo (như bắn ném bom mặt nước, đánh chặn) và việc sử dụng lực lượng hợp lý trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển và các nhiệm vụ tiếp theo”. Có thế chứ, dẫu chưa so đọ được với “bên kia biên giới” về súng đạn, nhưng Việt Nam đâu dễ để ai bắt nạt?
Liên quan điều “bất thường” của Hà Nội về truyền thông, để giải thích nó, không thể không liên hệ tình hình Biển Đông trong những ngày trước đó: Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận từ ngày 19/3 đến 9/4. Cuộc tập trận này có tọa độ như tọa độ của 5 điểm giới hạn mà Trung Quốc tập trận từ 4/3-15/3, điểm gần nhất chỉ cách thành phố Huế của Việt Nam chưa đầy 60km…
Chưa hết, những ngày gần đây, lại thêm các thông tin về việc Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn một số đảo mà nước này bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam…Trước các thông tin khiến nhiều người dân Việt Nam sốt ruột và phẫn nộ này, ngoài việc để Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 7/4, phản đối, khẳng định đó là những hoạt động “trái phép”, “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt…”, có lẽ Hà Nội thấy càng nín nhịn, Trung Quốc càng làm già? Vậy thì, lần này “ăn miếng trả miếng” họ quyết bắn một thông điệp đáp trả Bắc Kinh qua việc để cho tờ Thanh niên đưa tin chi tiết về cuộc tập trận vừa qua trên biển?
T.V