Theo dữ liệu liên bang Hoa kỳ, năm 2021, những thực thể có trụ sở tại Trung Quốc, gồm cả chính phủ nước này đã ký các thỏa thuận trị giá 120 triệu USD với các trường đại học Mỹ, theo Foxnews.
Theo Báo cáo Hợp đồng và Quà tặng Nước ngoài của các trường đại học, các tổ chức Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận có giá trị từ 105.000 đến 31 triệu USD với hơn 20 trường đại học Mỹ.
Theo báo cáo, hợp đồng có giá trị lớn nhất là gần 32 triệu đô la, do Đại học Houston ký kết với một công ty tư nhân Trung Quốc. Theo giám đốc quan hệ truyền thông của Đại học Houston Chris Stipes, hợp đồng này là sự ký kết giữa Đại học Houston và Đại học Hàng hải Đại Liên ở Trung Quốc. Trong khi đó Đại học Hàng hải Đại Liên lại trực thuộc một cơ quan của chính phủ Trung Quốc.
Ngoài ra còn có đại học Illinois ký 5 hợp đồng với chính phủ Trung Quốc, giá trị hơn 26 triệu USD. Viện Công nghệ Massachusetts cũng thu được 14 triệu USD trong các hợp đồng với các thực thể không xác định có trụ sở tại Trung Quốc.
Dân biểu Cộng Hòa Virginia Foxx cho rằng, bước đi này của chính quyền Trung Quốc là để “giành sự ảnh hưởng và truyền bá tuyên truyền của TRung Quốc vào các trường đại học” .
Bà nói “Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát giáo dục. Và một khi bạn kiểm soát giáo dục, bạn [sẽ] kiểm soát cả nền văn hóa.”
Trong những năm gần đây, sự hợp tác của Trung Quốc với các trường đại học Mỹ ngày càng thu hút sự chú ý của các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ.
Năm ngoái, Thượng viện đã nhất trí thông qua một dự luật nhằm trấn áp các Viện Khổng Tử, hoặc các trung tâm văn hóa do Bắc Kinh tài trợ trong khuôn viên nhà trường. Hạ viện cũng đã thêm một phiên bản của dự luật này vào Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ năm 2021.
ProPublica đưa tin, chính quyền Trung Quốc cũng theo dõi sát sao những người bất đồng chính kiến tại các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ. Họ phải đối mặt với sự trả đũa vì thẳng thắn phản đối ĐCSTQ.
Ví dụ, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Purdue đã đăng thông điệp trên một trang web bất đồng chính kiến để tán dương sự dũng cảm của những sinh viên đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Cha mẹ anh đã gọi điện từ Trung Quốc, khóc lóc và cho biết Bộ An ninh Nhà nước đã cảnh báo họ về hành động của con trai và đe dọa gia đình sẽ gặp rắc rối nếu anh tiếp tục đăng tải các thông điệp bất đồng chính kiến lên mạng.
Các sinh viên Trung Quốc khác trong trường cũng bắt đầu quấy rối anh, gọi anh ấy là đặc vụ CIA và nói rằng họ sẽ báo cáo anh với đại sứ quán và Bộ An ninh Nhà nước.
Sau đó, sinh viên này dự định phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn nhưng cuối cùng phải hủy bỏ ý định của mình, sau khi bố mẹ anh tiếp tục bị chính quyền quấy rối.
T.P