Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Vương Nghị đe dọa ai ?

Ông Vương Nghị đe dọa ai ?

Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn ca ngợi mối tình hữu nghị nồng ấm Việt Nam-Trung Quốc, trong khi trên Biển Đông, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đang tập trận chung, thì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị “nhắc” Hà Nội: Đừng để xảy ra tình trạng giống như Ukraine.

Ông Vương đe dọa ai?

Theo phân tích của các nhà quan sát thì đây chính là sự đe dọa của một quốc gia cậy “lớn” mà uy hiếp nước nhỏ. Kỳ thực thì trong lịch sử hàng nghìn năm phải đối mặt với họa xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, Việt Nam chưa bao giờ “nhỏ” cả. Vua Quang Trung từng khích lệ binh sĩ: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh tan giặc cướp để nước Nam anh hùng có chủ”. Và sự thật thì 30 vạn quân Mãn Thanh đã tan rã, chết trận, tháo chạy trong trận Ngọc Hồi- Đống Đa lịch sử mùa xuân năm Kỷ Dậu, 1789.

Bất chấp lịch sử, Bắc Kinh thường cậy thế nước lớn chèn ép, bắt nạt các nước láng giềng chung quanh, với âm mưu chiếm trọn Biển Đông.

Những năm qua, về mặt ngoại giao, phía Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để củng cố mối quan hệ với Trung Quốc. Hai Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp chặt chẽ và tham mưu kịp thời cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhằm định hướng cho mối quan hệ song phương. Những vấn đề được hai bên trao đổi là, khắc phục tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực biên giới, việc công nhận hộ chiếu vắc-xin Covid-19, yêu cầu tuân thủ ba văn kiện pháp lý về quản lý biên giới trên bộ, duy trì hòa bình, ổn định và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển; phối hợp với ASEAN trong việc thực thi Tuyên bố DOC và thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Tưởng mọi việc thế là kỹ lưỡng, êm xuôi, nhưng cuộc điện đàm ngày 14/4 giữa hai Ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc, Bắc Kinh có ẩn ý gì khi tuyên bố, “không để chuyện như ở Ukraine xảy ra” với Việt Nam?

Còn trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Vương Nghị đã “liên hệ” tình hình ở Ukraine ra để nói về hậu quả nặng nề ra sao nếu mối quan hệ Trung-Việt không được xử lý ổn thỏa. Ông Vương Nghị không ngần ngại tố cáo Mỹ là kẻ “xúi giục căng thẳng và đối đầu” ở khu vực.

Hiện chưa thấy phía Việt Nam lên tiếng gì, nhưng theo ông Carlyle Thayer – chuyên gia an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì việc Vương Nghị bỗng đâu đem chuyện xung đột Nga-Ukraine ra để doạ Việt Nam là một thái độ vô lối, không đàng hoàng. Ông Thayer nói: “Tôi đã phải suy nghĩ rất kỹ sau khi đọc bản ghi nhớ về cuộc điện đàm này. Tôi cho rằng, kịch bản tương tự như Ukraine chỉ có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc quyết định can thiệp vào Việt Nam. Một khi Bắc Kinh xoáy vào cuộc chiến ở Ukraine có thể mang hàm ý: Trong trường hợp Việt Nam ngả về phía Mỹ và làm tổn hại tới những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ không để yên. Trung Quốc sẽ làm theo cách mà Nga làm với Ukraine. Đây là lý giải duy nhất tôi có thể nghĩ ra được”.

Trung Quốc sẽ áp dụng kịch bản Ukraine, nếu Việt Nam ngả theo Mỹ. Còn nếu “theo” Trung Quốc thì sẽ được bảo đảm về ổn định chính trị, yên tâm làm ăn. Lời lẽ trong cuộc điện đàm của lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu nhằm cảnh báo và tạo ảnh hưởng lên Việt Nam, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN sẽ diễn ra trong hai ngày 12-13 tháng 5 tới đây tại Washington.

Cuộc khủng hoảng quân sự ở Ukraine đang đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn bởi Trung Nam Hải tìm mọi cách để tránh làm Moscow bực mình. Bắc Kinh luôn nêu giải pháp hòa bình, thông qua đàm phán, kiềm chế chỉ trích Nga và cực lực phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Về kinh tế, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Nga dựa trên sự cân nhắc về tầm quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và phương Tây. Còn nhớ, “Liên minh” Nga – Trung vào những năm 1950 đã nhanh chóng tan vỡ. Và từ năm 1982, sau khi cải cách, mở cửa, Bắc Kinh đã đề ra đường lối không tham gia liên minh với các cường quốc,bởi những liên minh như vậy có thể sẽ làm suy yếu ý chí chống lại các hành động tiêu cực của các đối tác của Trung Quốc.

Vậy nhưng, trong cuộc chiến Nga-Ukrraine, Trung Quốc dang liên kết chặt chẽ với Nga. Không ai lạ gì, họ chỉ đang cùng đi trên một chuyến tầu và sẽ chia tay ở một ga nào đó, tùy tình hình chiến sự đang diễn ra. Nga thắng hay thất bại thì Bắc Kinh đều tìm thấy món hời và có con bài của mình.

Nhân cuộc “đánh lộn” giữa hai nước láng giềng từng một thời như anh em ruột, Bắc Kinh tranh thủ đe doạ Hà Nội thông qua tiếng nói cá nhân ông Trưởng ban đối ngoại và ông Ngoại trưởng. Đe dọa mà họ quên một điều, Hà Nội dứt khoát không chọn phe, chỉ chọn chính nghĩa và lương thiện vì sự phát triển, ổn định, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị. Còn khi cần phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc thì kẻ nào gây ra chiến tranh sẽ phải chuốc lấy thất bại ê chề như lịch sử đã từng diễn ra.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới