Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiUkraine rời xa nước Nga như thế nào

Ukraine rời xa nước Nga như thế nào

Thế giới chứng kiến Liên Xô sụp đổ năm 1991, phân rã thành nhiều nước cộng hòa độc lập, trong đó Nga và Ukraine là hai nước lớn và có chung biên giới. Hai nước này có những hiệp định quan hệ về chính trị, kinh tế và quốc phòng với nhau dựa trên nền tảng chung từ khi còn Liên Xô. Trong 10 năm đầu, cả Nga và Ukraine rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, dẫn đến thay đổi người đứng đầu. Năm 1999, Nga có Putin thay Yeltsin đã khôi phục được nước Nga hùng mạnh, còn Ukraine đã không chọn được nhân vật nào đủ khả năng lãnh đạo đất nước.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk và Chủ tịch Hội đồng Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich ký Hiệp định Belovezha ngày 8/12/1991 về việc giải thể Liên Xô và thành lập SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập).

Kinh tế khủng hoảng, xung đột các phe phái trong nội bộ Ukraine đã gây ra rối loạn trong đất nước này. Sau cuộc “Cách mạng cam” năm 2004, Ukraine rơi vào sự khủng hoảng chính trị, kinh tế nghiêm trọng. Đường lối của những người lãnh đạo Ukraine hướng về phương Tây để phát triển đất nước. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phát xít mới cũng trỗi dậy ở nước này, các cuộc tàn sát sắc tộc nổ ra nhằm vào người Nga sống ở vùng phía đông Ukraine.

Năm 2014, cuộc đảo chính ở Ukraine đưa ông Petro Poroshenko lên nắm quyền, là nhân vật chống Nga, thân phương Tây. Poroshenko đã ra quyết định lấy ngày chiến thắng phát xít 19/5 – ngày trước đây nước này chọn là ngày lễ quốc gia và cũng là kỉ niệm ngày kết thúc cuộc chiến vĩ đại của Liên bang Xô Viết – đổi thành Ngày tưởng niệm Liên Xô xâm lược Ukraine. Tiếp đó, sau cuộc bạo loạn Maidan, chính quyền Ukraine chọn ngày 14/10 để tôn vinh nhóm nổi dậy được thành lập và là ngày bảo vệ tổ quốc, thay cho ngày Thành lập Quân đội Liên Xô 23/2. Chính quyền Ukraine chọn ngày 21/11 là ngày Nhân phẩm Tự do để kỉ niệm cuộc Cách mạng Cam lần thứ nhất năm 2004. Ngày 9/4/2015, Quốc hội Ukraine ban hành luật 25381 quy định về cơ chế pháp lý và tôn vinh các tổ chức và những người tham gia chống Xô Viết và các chiến sĩ đã đấu tranh vì nền độc lập của Ukraine trong thế kỉ XX. Cùng ngày 9/4/2015, quân đội Ukraine thông qua luật lên án và cấm tuyên truyền, quảng bá tư tưởng và các biểu tượng của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, xác định chủ nghĩa cộng sản năm 1917 – 1991 là tội phạm nhà nước tương đương với chế độ phát xít độc tài.

Những chính khách và chính trị gia kể cả nguyên thủ quốc gia của Ukraine cũng tuyên truyền cho giới trẻ nhiều sự kiện xuyên tạc lịch sử và các chính sách bài Nga cùng với những phát ngôn mang tính phỉ báng quá khứ của Liên bang Xô Viết, điển hình là Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Vị thủ tướng này đã đưa ra những phát ngôn xuyên tạc sự hy sinh của các nước Cộng hòa Liên bang Xô Viết, trong đó có những người con của Ukraine đã hi sinh bảo vệ Liên Xô, cứu thế giới thoát khỏi hiểm họa của phát xít. Vị Thủ tướng này nói rằng: Nga đang tìm cách viết lại lịch sử thế giới lần thứ 2 bằng hành động xâm lược Ukraine như Đức xâm lược Liên Xô trước đây. Chỉ trong 5 ngày nắm quyền điều hành, chính quyền lâm thời Ukraine thông qua luật bãi bỏ công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở một số khu vực (tuy sau đó luật này bị bãi bỏ). Tuy nhiên, Chính phủ Nga và công dân nói tiếng Nga ở Ukraine (chiếm 40% dân số) vẫn coi đó là sự xúc phạm người Nga. Chính quyền Ukraine đã khơi lên tâm lý sợ bị đàn áp và sự hiềm khích giữa hai dân tộc.

Đối với lớp trẻ, Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine ra quyết định thay đổi nội dung sách giáo khoa lớp 11, hướng dẫn lớp trẻ nước này phản lại quá khứ, gieo rắc bài Nga và niềm hận thù giữa hai dân tộc vốn là anh em trước đây. Sách giáo khoa nước này viết những điều xuyên tạc sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Giới trẻ Ukraine được dạy rằng: Nga là đội quân xâm lược Ukraine, phá hoại đất nước và giết hại thường dân; quân đội nước này đang tiến hành cuộc đấu tranh chống lại nước Nga xâm lược.

Các hành động bài Nga của chính quyền Ukraine đã bị nhiều nước ở châu Âu phản đối. Một vị tướng trong khối NATO có thiện cảm với Ukraine thời Liên Xô tan rã, đã nói “Tôi không hiểu nổi Tổng thống Poroshenko đang xây dựng tương lai của Ukraine trên nền tảng nào? Bằng chủ nghĩa cực đoan sao?” Điều này cho thấy chính quyền Kiev đã đi chệch đường do hành động nã pháo vào lịch sử của mình. Những đạo luật và chính sách của Kiev đã mở đường và hợp pháp hóa cho những hoạt động cực đoan quá khích chống Nga, đẩy thành cao trào xóa bỏ những hình ảnh của Liên Xô trong đó có tượng đài Lenin và Hồng quân Liên Xô. Chỉ sau hơn một năm xảy ra chính biến ở Quảng trường Độc lập, hơn 500 tượng đài bị đập phá trong tiếng hô vang Vinh quang Ukraine. Đặc biệt, những nhóm dân tộc cực đoan Phát xít mới còn báng bổ Nguyên soái Kutuzov, một vị tướng có công lớn trong lịch sử bảo vệ đất nước Ukraina; tượng của ông cũng bị nhóm này đập phá. Lớp tuổi trẻ của Ukraine hiện nay đang dấy lên phong trào bài Nga rất mạnh mẽ, họ coi quá khứ nước này gắn với Liên Xô, với Nga là một quá khứ nhục nhã, cần phải vứt bỏ lịch sử này của Ukraine; lớp trẻ của Ukraine sẽ viết lại lịch sử của nước này theo nhận thức dân tộc cực đoan trong người dân Ukraine, đặc biệt lớp trẻ hành động theo kiểu đập đi, xây lại lịch sử bằng lòng hận thù Nga. Kể từ khi Nga chiếm Crimea năm 2014, tám năm sau đó, chính quyền Ukraine đã nhanh chóng đảo ngược lịch sử, xóa bỏ ảnh hưởng và những thành tựu của Liên Xô trên đất Ukraine, chấm dứt mọi quan hệ về chính trị, kinh tế, ngoại giao với Nga, đẩy quan hệ hai nước trở thành thù địch. Cho dù ông Putin dùng mọi lý lẽ để chứng minh Ukraine là một phần của Nga về lịch sử, điều đó đã bị Ukraine bác bỏ. Thực tế, quốc gia này đã rời xa nước Nga đến thập kỷ rồi. Ngay từ năm 2014, Ukraine đã ký một thỏa thuận với EU để thay đổi Ukraine. Có phải lúc này đất nước Ukraine đang phải trả giá vì hành vi bắn vào quá khứ của mình?

Hành động chống Nga mở đường và thúc đẩy một lực lượng không nhỏ mang tư tưởng dân tộc cực đoan ở Ukraine. Lúc đầu nhóm này có khoảng 900 thành viên, bị cáo buộc thân Phát xít và Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Tiểu đoàn Azov thành lập ở Donbas cũng xuất phát từ nhóm này. Tháng 5/2014, nhóm dân tộc cực đoan Patriot được thành lập. Cả hai nhóm thân phát xít và dân tộc cực hữu đều hướng tới bài ngoại (chống Nga) và tiến hành hoạt động bạo lực đối với cộng đồng người Roma (người Di-gan) và những người phản đối nhóm này. Theo thông tin tình báo của Mỹ, Anh và Nga thì 50% tân binh của Tiểu đoàn Azov là những người có tư tưởng phát xít. Tiểu đoàn này chối bỏ mọi thông tin cho rằng họ theo tư tưởng phát xít. Tuy nhiên, họ không che giấu được các biểu tượng phát xít trong đồng phục và hình xăm của các thành viên là chữ “Vạn” hay chữ SS của tổ chức bán quân sự của Đức Quốc xã. Đầu năm 2018, tiểu đoàn này thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Ukraine tuần tra đường phố để thiết lập trật tự ở thủ đô Kiev. Đơn vị này bị tố cáo đã gây ra nhiều vụ tấn công chống lại cộng đồng người Roma và các thành viên cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới. Tạp chí The Nation của Mỹ năm 2019 đã đưa tin Ukraine là quốc gia duy nhất trên thế giới có một lực lượng có hệ tư tưởng thân phát xít trong lực lượng vũ trang. Trong thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2016, Tiểu đoàn Azov bị cáo buộc tấn công vào các khu dân cư, cướp tài sản sau khi đã lùa người dân rời khỏi nhà. Tháng 6/2015, cả Mỹ và Canada tuyên bố không huấn luyện cho Tiểu đoàn Azov và viện dẫn đơn vị này có tư tưởng thân phát xít. Tuy nhiên, một năm sau Mỹ đã dỡ bỏ lệnh này. Tháng 10/2019 có 45 nghị sĩ Mỹ viết thư kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Tiểu đoàn Azov vào nhóm tổ chức khủng bố nước ngoài, nhưng nỗ lực này không được chấp thuận. Tháng 4/2021, Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin tiếp tục kiến nghị với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bổ sung thêm nhóm Da trắng thượng đẳng hoạt động xuyên quốc gia, có liên hệ với Tiểu đoàn Azov, đang có dấu hiệu mở rộng phạm vi hoạt động, Ukraine có thể trở thành một trung tâm mới cho những người theo phe cực hữu trên thế giới. Đã có nhiều người ở các quốc gia khác nhau liên hệ với Tiểu đoàn Azov xin được huấn luyện, học kinh nghiệm chiến đấu và tham gia vào các tổ chức tương tự.

Năm 2016, Facebook xếp Tiểu đoàn Azov vào nhóm nguy hiểm. Năm 2019, Azov bị cấm và loại bỏ khỏi nền tảng của Facebook. Facebook xếp đơn vị này cùng nhóm Da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan và những người cổ vũ, ca ngợi cho các nhóm nói trên. Song ngày 24/2/2022, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Facebook đã đảo ngược lệnh này với tuyên bố cho phép những người ủng hộ Azov và họ có vai trò bảo vệ Ukraine.

Từ khi ông Zelensky làm Tổng thống Ukraine, mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine được đẩy lên một bước mới. Zelensky sang Mỹ gặp Tổng thống Biden, yêu cầu Mỹ ủng hộ ông về vũ khí để chống Nga. Theo đó, ông Zelensky xin được là thành viên của NATO. Kể từ đó, Biden đã quyết định viện trợ cho Ukraine hàng tỉ USD bằng vũ khí và được hai Viện Quốc hội Hoa Kỳ nhanh chóng thông qua. Anh, Canada, Pháp cũng gửi nhiều viện trợ bằng vũ khí cho Ukraine ngay trong những tháng cuối năm 2021. Mỹ, Canada, Anh gửi lính vệ binh, đặc nhiệm vào Ukraine để huấn luyện cho quân đội Ukraine.

Ngày 09/3/2022, tình báo Nga cho công bố tài liệu mật về quân đội Ukraine được Mỹ và NATO đứng sau có kế hoạch tấn công hai nước cộng hòa tự xưng là Donetsk và Luhansk vào ngày 25/02/2022 nhưng ngày 24/02/2022 ông Putin đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine để phá tan kế hoạch quân sự của Ukraine. Trước đó, Nga đã tiếp nhận dân Nga từ hai nước cộng hòa và công nhận nhà nước Donetsk và Luhansk.

Về mặt ngoại giao, Mỹ và phương Tây lên án Nga đe dọa an ninh Ukraine. Riêng Mỹ đưa ra cảnh báo Nga sẽ tấn công Ukraine và thúc đẩy hoạt động tự vệ của Zelensky. Trong 8 năm (2014-2022), Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng tỉ USD về vũ khí và cử lực lượng đặc nhiệm huấn luyện quân đội Ukraine. Mỹ cam kết sẽ sát cánh với ông này chống Nga. Khi tình hình căng thẳng đến đỉnh điểm, các cuộc gặp trực tiếp giữa các nguyên thủ, giữa ông Putin với Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Mỹ Biden… cũng không thể làm hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine. Nga công bố 8 yêu cầu an ninh và yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine vào khối này. Mỹ và NATO bác bỏ các yêu cầu của Nga và cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine thì Nga sẽ bị Mỹ và phương Tây trừng phạt nặng nề, kể cả Tổng thống Putin.

Đối với Ukraine theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Nga, việc Ukraine xin trở thành thành viên của khối NATO là triệu chứng đau đớn nhất khiến ông Putin khó chịu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa, phi phát xít hóa là có thể hiểu được, nhưng mục tiêu tối thượng của Putin muốn sửa đổi quy tắc, luật chơi quốc tế hình thành vào cuối Chiến tranh Lạnh trái với mong muốn của Nga là một thế giới đơn cực do một cường quốc bá chủ là Mỹ, người chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh đã áp đặt đối với phần còn lại của thế giới. Putin đã nói điều này tại Hội nghị An ninh Munich cách đây 15 năm. Các chính sách của Nga cho thấy họ đang vươn tới một thế giới mà ở đó không có một cường quốc bá chủ nào. Những cảnh báo của Nga đã đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng thế giới lại không chú ý tới những tín hiệu của Nga. Trái lại, phương Tây và Mỹ lại mở rộng các khu vực sát cạnh Nga. Nga đã đưa ra phản ứng gay gắt với Mỹ và NATO, dẫn đến việc Nga mở chiến dịch quân sự với Gruzia năm 2008 khi nước này xin trở thành thành viên của NATO. Sự kiện Nga chiếm Crimea năm 2014 rồi sáp nhập vào Nga là rất nghiêm trọng, cảnh báo nền an ninh của châu Âu bị đe dọa. Ông Putin yêu cầu có một biện pháp ngoại giao giải quyết vấn đề Ukraine, khi ông coi chính phủ Kiev chỉ là công cụ của Mỹ và NATO để chống Nga. Biện pháp ngoại giao của Putin nhằm hướng tới giải quyết một cách hệ thống các vấn đề quốc tế, khôi phục vị thế của Nga, đưa nước này trở thành đối tác bình đẳng với các cường quốc. Ông Putin đã nói “Đừng đưa chúng tôi vào phép thử”. Yêu cầu của Nga đã không được Mỹ và NATO xem xét. Họ không quan tâm gì đến lợi ích an ninh của Nga. NATO và Mỹ đã không quan tâm tới những lời cảnh báo của các chính trị gia phương Tây rằng “Ukraine là một phần không thể thiếu được của lịch sử Nga” (Aleksandr Solzhenitsyn và Joseph Brodsky). Năm 2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng chia sẻ: Để có thể tồn tại và phát triển, Ukraine không được là tiền đồn của bất cứ ai. Ukraine chỉ nên là vùng đệm ở thế trung lập.

Ngày 24/2/2022, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhằm vào Ukraine phản ánh sự bế tắc của các chính sách chính trị, đối ngoại giữa Nga với Mỹ và NATO và trực tiếp là giữa Nga với Ukraine. Mục tiêu của chiến dịch quân sự này như Nga xác định là phi phát xít hóa, phi quân sự hóa Ukraine và ngăn chặn nước này vào NATO để chống Nga. Kết thúc cuộc chiến này, Nga tuyên bố cơ bản đã thực hiện được mục tiêu của mình nhưng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức chưa từng có, còn Ukraine chịu tổn thất nặng nề sau chiến tranh, nhóm dân tộc cực đoan thân phát xít cơ bản bị tiêu diệt, vũ khí Mỹ và NATO viện trợ cho Ukraine cơ bản bị phá hủy, vai trò tiền đồn của Ukraine bị tiêu tan. Cái còn ở Ukraine là lòng hận thù người Nga chồng chất thêm lên. Chiến dịch quân sự của Nga đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Theo đó, những mâu thuẫn lại tiếp tục nổi lên càng quyết liệt hơn, một bên là Nga, một bên là Mỹ và phương Tây. Mỹ và phương Tây tuột khỏi tay Ukraine, nhưng còn một nước Nga bị cô lập và kiệt quệ vì bị lệnh trừng phạt. Mỹ và Nga bây giờ mới thực sự bước vào vòng xoáy quyền lực trực tiếp gây bất ổn cho nhau.

Mâu thuẫn này đã cảnh báo thế giới đứng trước nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ 3 và loài người bị đe dọa vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh căng thẳng này, thế giới mong các nhà lãnh đạo các cường quốc kiềm chế, vì mạng sống của nhân loại để hợp tác với nhau, tìm ra các giải pháp thông qua ngoại giao để giảm căng thẳng, loại trừ chiến tranh, đem lại hòa bình cho thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới