Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnPhản ứng của người tị nạn Trung Đông và châu Phi

Phản ứng của người tị nạn Trung Đông và châu Phi

Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu nhanh chóng nhất trí cấp quy chế bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine. Lần đầu tiên khối 27 nước châu Âu kích hoạt chỉ thị “bảo vệ tạm thời” để tiếp nhận người tị nạn từ chiến tranh Ukraine.

Người tị nạn Ukraine đang xếp hàng chờ lấy thức ăn sau khi tới Berlin ngày 8/3/2022.

Với việc kích hoạt chỉ thị này, một người có quốc tịch Ukraine chạy tị nạn đến một trong 27 quốc gia thành viên EU sẽ tự động được bảo vệ và có thể tự do đi lại trong khối. Những người tị nạn này sẽ được cấp giấy phép cư trú, được hưởng trợ cấp xã hội và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người lớn có thể đi làm và trẻ em có thể đến trường. Quy chế bảo vệ này có thời hạn một năm và có thể được gia hạn đến 3 năm.

Hoa Kỳ tuyên bố cấp quy chế “bảo vệ tạm thời” cho những người Ukraine đã hiện diện tại nước này. Như vậy, họ tránh được nguy cơ bị trục xuất và có quyền làm việc tại Hoa Kỳ.

Các nước láng giềng Ukraine cũng như Liên minh Châu Âu tuyên bố sẵn sàng đón tiếp người dân nước này di tản tránh chiến sự. Ba Lan, nước có hơn 500 km đường biên giới chung với Ukraine, đã lên kế hoạch xây dựng 9 trại tiếp đón, bảo đảm chăm sóc y tế, giáo dục đối với người tị nạn Ukraine. Slovakia, có biên giới phía đông giáp với Ukraine, đã chuẩn bị bốn trại tị nạn và có thể tăng cường thêm khi cần. Rumani, một trong những nước nghèo nhất châu Âu, cũng sẵn sàng đón nhận nửa triệu người Ukraine tại các trung tâm tị nạn ở những thành phố lớn dọc theo đường biên giới dài 650 km.

Trước hết, chúng ta hoan nghênh những động thái nhân đạo của các quốc gia nhằm bảo vệ người tị nạn đang gặp khó khăn trong chiến tranh.

Nhưng cũng vì cách cư xử này, mà dân tị nạn Trung Đông và Châu Phi chạnh lòng khi châu Âu dang rộng tay với người Ukraine. Họ đang băn khoăn tự hỏi rằng vì sao người Ukraine được chào đón ở tất cả các nước, còn những người tị nạn từ Syria và nhiều nước khác cũng bị chiến tranh như Ukraine, nhưng vẫn đang phải sống lay lắt trong lều tạm, đối mặt với cái chết và không ai nhìn ngó đến.

Ở Trung Đông, nơi khoảng 12 triệu người Syria phải bỏ nhà đi trốn chạy chiến tranh, họ không khỏi so sánh phản ứng của phương Tây với dòng người chạy khỏi xung đột ở Ukraine hiện nay với cách mà châu Âu đã chặn người Syria và những người tị nạn khác hồi năm 2015.

Đến đầu năm 2021, tức 10 năm sau khi xung đột nổ ra ở Syria, các nước EU nhận 1 triệu người tị nạn Syria, trong đó Đức nhận hơn một nửa.

Bulgary khẳng định sẽ giúp tất cả mọi người từ Ukraine, trong khi đó năm ngoái, khoảng 3.800 người Syria xin bảo vệ ở Bulgary và chỉ 1.850 người được cấp quy chế tị nạn hoặc nhân đạo.

Chính phủ Ba Lan năm ngoái cũng bị chỉ trích gay gắt vì từ chối cho dòng người di cư chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi. Lần này, Ba Lan chào đón những người chạy khỏi xung đột ở Ukraine một cách nhiệt thành.

Tại Hungary, một hàng rào được dựng lên dọc biên giới phía nam để phòng khả năng tái diễn làn sóng di cư từ Trung Đông và châu Á như hồi năm 2015. Nhưng lần này, dòng người tị nạn từ Ukraine được hỗ trợ phương tiện đi lại, chỗ ở, quần áo và thực phẩm.

Những người tị nạn châu Phi và Trung Đông đang chỉ trích trên mạng xã hội, cho rằng phương Tây thiên vị. Cảm thấy bị bỏ rơi, nhiều người tị nạn từ Syria, Li-băng và Jordan đang tự hỏi có phải họ đang bị đối xử không công bằng và vì mục đích chính trị hay không?

Nếu coi đây thực sự là vấn đề nhân đạo, thì người dân dù màu da nào hay tới từ đâu cũng cần được đối xử bình đẳng và thân ái như nhau.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới