Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBài học cho TQ từ Ukraine

Bài học cho TQ từ Ukraine

Từ việc đối phó với “cuộc chiến thông tin” của phương Tây trong cuộc xung đột với Đài Loan cho đến việc sử dụng “cú sốc và nỗi sợ” để nhanh chóng khuất phục hòn đảo này, các chiến lược gia Trung Quốc đang rút ra bài học từ vũng lầy Ukraine của Nga, theo nhận định của các nhà ngoại giao, các học giả và nhà phân tích Trung Quốc.

Các binh sĩ Trung Quốc tham gia huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 4/1/2021.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đang thảo luận sôi nổi về cuộc xung đột tại Ukraine và đưa ra quan điểm của họ về sự can dự của phương Tây vào sự kiện này, kèm theo đó là những thất bại của Nga, theo nhận định của các học giả và nhà ngoại giao có quan hệ mật thiết với các chiến lược gia Trung Quốc.

Mặc dù các kết luận này vẫn chưa xuất hiện trên các tạp chí quân sự chính thức hay phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng việc Nga ‘chậm chạp trong việc đè bẹp’ lực lượng Ukraine và những quan ngại về năng lực của quân đội Trung Quốc là những chủ đề chính được đưa ra bàn luận.

Học giả an ninh Zhao Tong, thành viên cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace cho biết: “Nhiều chuyên gia Trung Quốc đang theo dõi cuộc chiến này như thể họ đang tưởng tượng xem, chuyện này sẽ diễn biến như thế nào nếu ứng với Trung Quốc và phương Tây”.

Cách tiếp cận của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến rõ ràng đã không thể khuất phục được các lực lượng Ukraine, điều này đã khuyến khích cộng đồng quốc tế can thiệp bằng cách chia sẻ thông tin tình báo, viện trợ quân sự và cô lập Nga về mặt kinh tế.

“Trung Quốc tốt hơn hết là nên nghĩ đến việc tiến hành một chiến dịch toàn diện và mạnh mẽ ngay từ đầu, để gây sốc và khiếp sợ đối với Đài Loan, đảm bảo sẽ chiếm được lợi thế to lớn”, ông Zhao nói, đề cập đến quan sát từ các chiến lược gia Trung Quốc.

Các nhà phân tích tin rằng, việc đảm bảo lợi thế đó sẽ “ngăn cản các lực lượng đối phương phản công”, ông nói.

Học giả Collin Koh đến từ Singapore cho rằng, cách tiếp cận này sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ông Koh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết: “Nếu Trung Quốc có ý định gây ‘sốc và kinh hoàng’ cho Đài Loan với lực lượng áp đảo trong giai đoạn đầu, thì có thể kéo theo rất nhiều thương vong về mặt dân sự. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc chiếm đóng và vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế”.

Ông nói: “Người Trung Quốc bây giờ không thể ảo tưởng rằng họ sẽ được cung cấp nguồn lực hỗ trợ và chào đón với tư cách là những người giải phóng ở Đài Loan”.

Đài Loan có năng lực tên lửa lớn mạnh hơn Ukraine, cho phép tấn công phủ đầu vào một căn cứ hoặc vào các cơ sở của Trung Quốc chỉ sau một cuộc xâm lược.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Các lực lượng Nga xâm lược miền đông Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2, biến các thị trấn và thành phố phồn thịnh nay trở thành đống đổ nát trong bối cảnh bị kháng cự gay gắt, gây thiệt hại hàng nghìn quân nhân cũng như xe tăng, trực thăng và máy bay. Các quan chức Anh ước tính trong tuần này có khoảng 15.000 quân Nga đã thiệt mạng; các nguồn tin khác cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Hơn 5 triệu người dân Ukraine đã tháo chạy khỏi đất nước, sau những gì mà Nga mô tả là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ Ukraine khỏi ‘chủ nghĩa phát xít’. Ukraine và các chính phủ phương Tây cho rằng, đây là cái cớ giả tạo cho một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ của Tổng thống Vladimir Putin.

Các chiến lược gia Trung Quốc cũng lo lắng về việc Nga đang kháng cự trước nỗ lực tăng cường viện trợ quân sự gián tiếp của phương Tây, một yếu tố mà Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt trong kịch bản ứng với Đài Loan.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng đưa ra những nhận định về sự thiết yếu của cuộc chiến thông tin đối với Bắc Kinh, vốn gia tăng sự phức tạp về vị thế của Nga trên chiến trường, ông Zhao nói.

Bên cạnh việc cô lập Nga về mặt kinh tế, các nỗ lực ngoại giao của phương Tây – và đưa tin về các hành động tàn bạo trong khu vực chiến sự – đã khiến việc viện trợ cho Ukraine trở nên dễ dàng hơn và Nga khó tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài hơn.

Ông Zhao nói rằng, đối với các chiến lược gia Trung Quốc, một trong những phần quan trọng nhất của cuộc xung đột hiện nay là cách các quốc gia phương Tây “có thể thao túng từ quan điểm của họ cho đến quan điểm quốc tế, từ đó thay đổi quyết định phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến”.

Ông Zhao nói: “Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc cần hết sức quan tâm đến lĩnh vực thông tin này”.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng, chiến dịch của Ukraine đã được tiến hành rất lâu trước khi các lực lượng Nga xâm lược vào cuối tháng Hai, với nhiều tháng tích lũy lực lượng ở biên giới của Nga. Những nỗ lực đó đã được các công ty tình báo nguồn mở của khu vực tư nhân dễ dàng theo dõi và nhiều lần được các chính phủ Hoa Kỳ và các nước khác nhấn mạnh.

Ông Alexander Neill, người điều hành một công ty tư vấn chiến lược tại Singapore cho biết: “Đài Loan sẽ gặp thách thức lớn hơn nhiều về mặt hậu cần so với Ukraine, và việc chuẩn bị sẵn sàng cho một lực lượng xâm lược trên quy mô đó mà không bị phát hiện sẽ vô cùng khó khăn”.

Các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ cũng đã hướng tới Moscow không chỉ về vũ khí mà còn cả học thuyết về cấu trúc và chỉ huy.

Các lực lượng Nga và Trung Quốc đã tăng cường tổ chức các cuộc tập trận chung trong những năm gần đây, bao gồm các hoạt động vũ khí tổng hợp quy mô lớn ở Nga vào tháng 9/2020.

Tuy nhiên, các giả định chiến lược từ sự hợp tác này đang được thử nghiệm. Vào năm 2012, PLA đã thông qua các đơn vị tương tự như Tiểu đoàn Chiến thuật (BTG) của Nga – các đơn vị được cho là tinh nhuệ, hoạt bát và có khả năng tự hỗ trợ. Nhưng các Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã sa lầy ở Ukraine và được chứng minh là rất dễ bị tấn công.

Nga cũng đã cố gắng điều phối sự tham gia của một số quân khu trong cuộc chiến Ukraine. Các nhà phân tích Trung Quốc lo ngại một cuộc xâm lược của Trung Quốc qua eo biển Đài Loan – được nhiều người coi là một thách thức quân sự với quy mô lớn hơn nhiều – sẽ gặp phải những vấn đề tương tự, vì nó đòi hỏi sự hợp tác nhịp nhàng giữa các lực lượng.

Các lực lượng của Nga tại Ukraine đã gặp phải tình trạng rối loạn chỉ huy và xuống tinh thần nhanh chóng. Các nhà phân tích cho rằng, không rõ quân đội Trung Quốc – chưa được kiểm tra kể từ khi họ xâm lược miền Bắc Việt Nam năm 1979 – sẽ hoạt động như thế nào trong một cuộc xung đột hiện đại.

Ông Neill nói: “Chúng ta đã chứng kiến những dấu hiệu của sự vô kỷ luật đáng báo động từ quân đội Nga, đó là lời cảnh tỉnh rằng còn rất nhiều điều điều mà chúng ta chưa biết về việc quân đội Trung Quốc sẽ chiến đấu như thế nào dưới sức ép của chiến tranh”. “Đối mặt với tất cả các tuyên truyền chính trị, chúng ta không thể lường trước được sự kiên cường của họ có thể mang đến kết cục gì”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới