Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế tiếp tục khởi sắc

Kinh tế tiếp tục khởi sắc

Nền kinh tế Việt Nam đón tin mừng trong kỳ nghỉ lễ, khi các chỉ số vĩ mô đều cho thấy, đà phục hồi đang được duy trì, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi khả quan.

Kinh tế tiếp đà phục hồi

Tất cả các dấu cộng (+) đã được đặt trước các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng nhất trong 4 tháng đầu năm 2022, do Tổng cục Thống kê vừa công bố ngay trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Thậm chí, đằng sau các dấu cộng, không phải chỉ là một con số, mà còn có thể là hai, ba con số.

Chẳng hạn, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 420,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trên 12%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%… Tất cả các chỉ số này đều cho thấy một điều, đà phục hồi của nền kinh tế đang ngày càng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn.

Trùng với thời điểm Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế – xã hội, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2022. Và thông tin từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, các thành viên Chính phủ đều thống nhất nhận định rằng, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cũng cho thấy điều đó. Một trong những nét nổi bật nhất, đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm…

Hàng loạt con số có thể viện dẫn để chứng minh điều này. Chẳng hạn, thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2022 tăng tới 25% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng, xuất khẩu tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, nền kinh tế ước xuất siêu 2,53 tỷ USD…

Trong khi đó, hoạt động sản xuất cũng có nhiều khởi sắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, với Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước đó; tính chung 4 tháng tăng 7,5%.

Điểm đặc biệt trong bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3%, cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Nghĩa là tốc độ tăng của lĩnh vực này đã cao hơn tốc độ tăng của thời điểm trước Covid-19.

Lĩnh vực thương mại và dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, cũng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 tăng 12,1% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, du lịch phục hồi mạnh. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đã tăng gấp 5,2 lần cùng kỳ; tính chung 4 tháng thì tăng 184,7%.

Ở một góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình doanh nghiệp cũng tích cực, với số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 lần đầu tiên vượt mốc 15.000 doanh nghiệp; doanh nghiệp tái gia nhập thị trường đạt hơn 7.000 doanh nghiệp; doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, có hơn 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay.

“Đây chính là động lực tăng trưởng quan trọng, phản ánh xu thế phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Không “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi khả quan, song Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2022, đã nhấn mạnh việc “không được chủ quan, lơ là, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Lý do là thách thức, rủi ro của nền kinh tế còn rất lớn.

Điều này cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trình Chính phủ.

Một trong số đó, theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo Bộ trưởng, giá dầu, sự phục hồi sức mua sản xuất, tiêu dùng trong nước, tác động dây chuyền đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, vật liệu xây dựng, chi phí vận tải, lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng… là những yếu tố cần quan tâm.

“Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021. Rủi ro lạm phát tăng cao tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những vấn đề cần quan tâm. Những rủi ro khác gần đây đã xuất hiện, khi thị trường chứng khoán, trái phiếu có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4/2022. Thậm chí, một số vụ thao túng giá cổ phiếu đã xuất hiện, tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư… Điều này được cho là sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng, với thị trường tài chính, nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.

Chưa kể, áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới cũng lớn, do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất. Bên cạnh đó, còn là các vấn đề liên quan đến xung đột Nga – Ukraine, làm giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu cũng là điều đáng quan tâm.

Trong bối cảnh ấy, hoạt động sản xuất – kinh doanh còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp cũng đối mặt với áp lực tài chính, áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực, một số lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine. Ngay cả thương mại, dịch vụ có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn khó khăn. Sức mua của nền kinh tế sau khi trừ yếu tố giá cả mới chỉ tăng 4,3%, có nghĩa là còn thấp. Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách cũng tăng chậm…

Con đường phục hồi kinh tế vì thế còn lắm gập ghềnh. Chính các tổ chức quốc tế cũng đưa ra các dự báo kém lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam, khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022 ở kịch bản cơ sở (và 4% trong kịch bản xấu hơn), giảm 0,2 điểm % so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022; Ngân hàng HSBC cũng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% so với mức dự báo trước đây là 6,5%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới