Khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định, Mỹ đã quyết định hồi sinh một đạo luật có từ Thế chiến 2, nhằm viện trợ nguồn lực quân sự khổng lồ cho Kiev.
Loại bỏ nhiều rào cản trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine
Ngày 2/5, Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Cho vay – Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022, để tăng cường viện trợ cho Ukraine và giúp nước này đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Dự luật này tương tự như Đạo luật Cho vay – Cho thuê mà cựu Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt phê duyệt vào tháng 3/1941 từng tạo điều kiện cho Mỹ chuyển giao một số lượng lớn khí tài cho các nước đồng minh như Anh, Trung Quốc, Hy Lạp để chống lại quân phát xít.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Mỹ John Cornyn đề xuất cho phép Nhà Trắng cho Ukraine hoặc bất cứ quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng” để giúp gia tăng khả năng phòng thủ của các nước đó.
Dự luật giúp Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí đến Kiev dễ dàng hơn bằng cách đình chỉ các giới hạn do hai luật hiện hành áp đặt, một trong số đó giới hạn thời gian viện trợ là 5 năm. Điều kiện đặt ra là Ukraine phải trả tiền cho việc “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng”.
Jordan Cohen, một nhà phân tích chính sách tại Viện Cato cho biết, thông thường nếu Ukraine muốn thuê thiết bị quân sự, nước này sẽ phải đáp ứng chấp nhận trả lại thiết bị trong vòng 5 năm và bồi thường cho Mỹ nếu trang thiết bị hỏng hóc. Dự luật mới sẽ xóa bỏ những hạn chế đó, đồng thời loại bỏ yêu cầu buộc Tổng thống Biden phải trình bày trước Quốc hội về những gì ông muốn viện trợ cho Ukraine trong trường hợp khẩn cấp.
Số tiền mà Washington dự chi rất lớn, ước tính khoảng 47 tỷ USD – tương đương với 1/3 GDP của Ukraine trước chiến tranh. Giới phân tích cho rằng, nếu khoản chi tiêu này được Quốc hội Mỹ thông qua thì điều đó không khác gì việc Washington đang tài trợ cho một cuộc chiến tổng lực.
Chuyên gia Thomas Warrick, thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Cho vay – Cho thuê được coi là hành động trấn an Kiev và củng cố vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
“Dự luật gửi thông điệp tới cả Ukraine và Nga rằng sẽ có rất nhiều vũ khí và đạn dược được chuyển tới chiến trường. Các cuộc đàm phán hòa bình không chỉ dựa trên những điều kiện ở thời điểm hiện tại mà còn dựa vào đánh giá của các bên về việc cuộc chiến sẽ tiếp tục diễn ra thế nào nếu không có hòa bình”.
Điều đáng chú ý là tại thời điểm Đạo luật Cho vay – Cho thuê bắt đầu được thực thi vào tháng 3/1941, Mỹ chưa tham gia Thế chiến 2. Đạo luật đánh dấu thời điểm quyết định khi Mỹ từ bỏ vị thế trung lập dù nước này không phải là một bên tham chiến. Nhìn nhận một cách sâu rộng, Đạo luật đánh dấu sự nổi lên của Mỹ với tư cách là một cường quốc có ảnh hưởng lớn và vị trí này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Vậy sự hồi sinh đạo luật từ thời chiến này thể hiện điều gì trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ? Ông Adam Tooze, giáo sư lịch sử tại Đại học Columbia, Mỹ nhận định: “Câu chuyện được duy trì bởi lời hứa rằng một cuộc chiến chống lại một nhân tố xấu sẽ giành được thắng lợi thông qua sự tài trợ hào phóng của Mỹ”.
Nhưng để hiểu toàn bộ câu chuyện cần phải quay ngược kim đồng hồ từ Đạo luật Cho vay – Cho thuê vào tháng 3/1941 đến Hiến chương Đại Tây Dương tháng 8/1941, từ trận Trân Châu cảng cho đến khi Mỹ chính thức tham chiến. Với việc viện trợ vũ khí cho Trung Quốc và Anh, Đạo luật Cho vay – Cho thuê là một trong những yếu tố biến một cuộc chiến riêng rẽ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và cuộc chiến tranh của Đức ở châu Âu thành một cuộc chiến tranh thế giới.
Không thể đoán trước được phản ứng của Nga
Chuyên gia Tooze lo ngại việc Mỹ hồi sinh một chương trình Cho vay – Cho thuê mới sẽ khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang và lan rộng hơn. Sau khi Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt với ngân hàng trung ương Nga ngày 28/2, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động.
Nếu Tổng thống Biden ban hành luật Cho vay – Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022, không ai có thể đoán được Tổng thống Nga Putin sẽ phản ứng như thế nào? Chưa kể, còn rất nhiều câu hỏi khác về giới hạn viện trợ của Mỹ: Liệu Mỹ chỉ cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí đủ để đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi quốc gia này hay họ sẽ trang bị cho Kiev để tấn công trở lại nước Nga?
Nhiều chuyên gia tại Nga tỏ ra hết sức lo ngại về quyết định của Quốc hội Mỹ. Họ cho rằng, dự luật cùng với việc tổng thống Biden công bố gói viện trợ bổ sung dành cho Ukraine trị giá hơn 20 tỷ USD sẽ khiến cuộc chiến leo thang và biến Ukraine thành một “Afghanistan mới” đối với Nga. Với những loại vũ khí tiên tiến mà Mỹ sắp chuyển giao cho Ukraine, nhiều người dự đoán “toàn bộ lãnh thổ châu Âu sẽ trở thành không gian cho một cuộc đối đầu vũ trang lớn với Nga trong nhiều năm tới”.
Theo giới phân tích, dự luật chắc chắn sẽ khiến Nga lo ngại vì nó cho phép Mỹ và châu Âu cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine. Đối với Nga, kịch bản tồi tệ nhất là việc phương Tây sẽ sử dụng dự luật như một công cụ mới để chuyển giao vũ khí nhanh hơn và nhiều hơn cho Kiev.
Một số phương tiện truyền thông Nga đã chỉ trích dự luật này, cho rằng “Mỹ đã bắt đầu thực hiện việc biến Ukraine thành một mặt trận đối kháng quân sự lâu dài với Nga” và sẵn sàng “lợi dụng Ukraine để làm suy yếu Moscow”. Theo truyền thông Nga, chương trình này được Mỹ thiết kế để phát triển nền kinh tế của họ thông qua việc tài trợ ngân sách cho các công ty sản xuất vũ khí.
Còn Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo dự luật mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua về cho mượn, cho thuê vũ khí sẽ khiến nhiều thế hệ người Ukraine phải gánh nợ nần. Ông Volodin lưu ý dự luật không miễn phí và Ukraine sẽ phải trả tiền cho những vũ khí sẽ được Mỹ cung cấp trong khuôn khổ chương trình. Tuy nhiên, khả năng Kiev thực hiện các khoản thanh toán như vậy khó khả thi, vì chính phủ Ukraine đang kêu gọi phương Tây viện trợ 7 tỷ USD mỗi tháng chỉ để tiếp tục trả lương và lương hưu.
T.P