“Đau đầu thế giới” có thể là nói hơi…ngoa. Nhưng chí ít, quốc đảo Solomon đang khiến nhiều cường quốc đau đầu khi Thỏa thuận an ninh Solomon – Trung Quốc chính thức được xác nhận.
Cả hai bên, Trung Quốc và Solomon cùng đồng thời xác nhận đã ký thỏa an ninh giữa hai quốc gia. Không khó để dư luận nhận thấy, nếu không bị rò rỉ trên truyền thông, Trung Quốc và Solomon hẳn còn giấu kín tới tận khi…không thể giấu được nữa. Họ giấu, để tránh bị cộng đồng quốc tế dèm pha. Họ giấu, để tránh việc bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản phản ứng.
Thông báo trước báo giới, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: Thỏa thuận giữa hai nước là minh bạch và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Bề trên ông Uông Văn Bân là ngoại trưởng Vương Nghị, còn cáo buộc phương Tây “cố tình thổi phồng căng thẳng” về thỏa thuận; khẳng định đây hoàn toàn là “trao đổi và hợp tác bình thường giữa hai quốc gia có chủ quyền và độc lập”. Nhấn vào cụm từ trên, có lẽ, nhà ngoại giao cáo già họ Vương muốn chuyển tới phương Tây thông điệp rằng: “đừng có chõ mũi vào việc riêng của chúng tôi”.
Về phía Solomon, đích thân Thủ tướng Manasseh Sogavare nhấn mạnh trong thông báo với Quốc hội nước này ngày 20-4 là chính quyền của ông đã ký “thỏa thuận một cách cẩn trọng”. “Cẩn trọng” trong trường hợp này có thể hiểu rằng, trước khi đặt bút, ông Manasseh Sogavare đã xem xét mọi bề.
Đành thế. Nhưng bề nào thì bề, bề lợi về kinh tế cho Salomon vẫn là bề quan trọng nhất. Bởi không thế, nhà lãnh đạo quốc gia hơn nửa triệu dân vùng Nam Thái Bình Dương này đâu dễ dàng hạ bút. Về kinh tế, trong bối cảnh hiện này, trong con mắt các nhà lãnh đạo Solomon, ai hơn được Trung Quốc?
Lường trước sự giận dữ của các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ, kèm thông báo trên, ông Manasseh Sogavare nhấn mạnh rằng: “Tôi xin trấn an mọi người rằng chúng tôi tham gia thỏa thuận với Trung Quốc với đôi mắt mở to, định hướng bởi các lợi ích quốc gia của chúng ta”. Trước đó, đầu tháng 4, thấu hiểu được diễn biến phức tạp của dư luận, cộng đồng quốc tế khi bản thỏa thuận bị rò rỉ, cũng ông Manasseh Sogavare đã cam kết thỏa thuận mới sẽ “không mời Trung Quốc đến thiết lập căn cứ quân sự tại quần đảo này”.
Tại sao liên quan Trung Quốc, câu chuyện trở nên nhạy cảm đến vậy? Câu hỏi có vẻ thừa. Là bởi, ai chẳng biết, Trung Quốc khát khao thế nào trong việc soán ngôi vị là siêu cường số 1 thế giới hiện nay của Mỹ.
Để có điều đó, mở rộng ảnh hưởng trên đại dương là một điều kiện. Hải quân Trung Quốc hiện thời hơn Mỹ về số lượng tàu, nhưng thua xa về chất lượng. Trung Quốc chỉ có 2 tàu sân bay, trong khi Mỹ có 11. Hơn thế, Mỹ đang sử dụng tới hơn 800 căn cứ trên khắp thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ có một căn cứ tại Djibouti, lối vào Biển Đỏ. Sự lép vế toàn diện đã cản trở tham vọng của Trung Quốc về hải quân do gặp khó khăn về hậu cần, sửa chữa tàu, tạm trú hải đoàn…
Chính thế, từ thỏa thuận đạt được với Solomon, Trung Quốc hy vọng sẽ làm đà tạo, bước đột phá trong việc khắc phục những bất cập của mình. Và như vậy, cũng như diễn biến liên quan quân cảng Ream tại Campuchia, mặc những lời thề thốt khôn ngoan của ông Manasseh Sogavare, Mỹ, các cường quốc phương Tây, Nhật Bản đâu có dễ tin, với thỏa thuận vừa đạt được với Solomon, Trung Quốc sẽ không đưa vào đó các điều khoản liên quan sự hiện diện quân sự của Trung Quốc?
Có thể vì thế, chính thức xác nhận có Thỏa thuận, nhưng hiện thời, hai bên đều chưa đưa ra nội dung cụ thể cũng như thời điểm cụ thể có thể công bố nội dung của nó?
T.V