Trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 5/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban gọi việc có thể thông qua gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga sẽ là một thất bại lịch sử.
Theo Thủ tướng Orban, gói trừng phạt mới sẽ dẫn đến việc gia tăng thêm gánh nặng đối với những người dễ bị tổn thương nhất nếu EU không có bất kỳ nỗ lực đáng kể nào để giảm thiểu tác động.
Trong thư, Thủ tướng Orban cho rằng cả Hungary và EU nói chung đều không sẵn sàng chấp nhận và thực hiện các biện pháp do Ủy ban châu Âu đề xuất. Điều kiện để các biện pháp trừng phạt có thể được chấp nhận là khi tất cả các quốc gia thành viên cùng nhất trí ủng hộ. Trong khi đó, việc thông qua các biện pháp trừng phạt được đề xuất đòi hỏi cần sự thay đổi lớn của cơ sở hạ tầng cung cấp thay thế và tổ chức lại hoàn toàn năng lực nhà máy lọc dầu của các nước đang phải nhập nguồn cung cấp từ Nga.
NhữngThủ tướng Hungary Viktor Orban. nỗ lực này tốn nhiều thời gian và đòi hỏi các khoản đầu tư dư thừa. Việc giảm quy mô các nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng vào cơ sở hạ tầng năng lượng của các nước và quá trình chuyển đổi xanh nhanh chóng. Tuy nhiên, vì các lệnh trừng phạt, các nguồn lực quốc gia cần thiết nên được phân bổ lại cho các khoản đầu tư hóa thạch dư thừa, trong khi đó nguồn tài chính mà Liên minh châu Âu phân bổ cho các vấn đề này là không đủ, thậm chí không được triển khai.
Bức thư cũng chỉ ra rằng năng lượng hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm với các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến việc tăng giá năng lượng hơn nữa. Điều này sẽ tăng thêm gánh nặng cho những người sử dụng đang phải phụ thuộc và không có lựa chọn thay thế.
Thủ tướng Orban cũng cho rằng giá trị quan trọng nhất của EU trong phản ứng với hành động quân sự của Nga là sự thống nhất của Liên minh. Tuy nhiên, gói trừng phạt thứ 6 bao gồm các biện pháp trừng phạt năng lượng chống lại Nga sẽ làm suy yếu sự thống nhất này.
Hungary không phải là quốc gia duy nhất phản đối các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Nga. Hiện Slovakia, Áo, Roumania và Séc là những nước đang phải phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga cũng chưa thực sự sẵn sàng. Mặc dù tuyên bố ủng hộ các biện pháp của EU nhưng các nước này yêu cầu được lùi thời gian áp dụng so với kế hoạch chung của EU từ 2-3 năm.
T.P