Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề vấn nạn “lạm phát” tiến sĩ, thạc sĩ tại Việt Nam

Về vấn nạn “lạm phát” tiến sĩ, thạc sĩ tại Việt Nam

Theo đài RFA, nhiều ngày qua, giới bình dân lẫn trí thức bàn tán rất nhiều về chuyện các “tiến sĩ cầu lông” đang xuất hiện khắp nơi trên đất nước. Những tấm bằng trọng vọng, phủ lên trên những dự án hết sức ngớ ngẩn đang được tìm thấy với sự mỉa mai rằng “đất nước ta có bao giờ được như thế này đâu”.

Theo con số ước tính, Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ (thống kê từ năm 2016), nhưng vào năm 2020, theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết, cứ mỗi năm có hơn 1.500 tiến sĩ lấy bằng. Tuy nhiên, khả năng và ứng dụng thực tế của luận án tiến sĩ đó thì chưa được công bố. Chưa kể là còn liên tiếp xảy ra các vụ tố nhau đạo văn, kể cả quan chức chính phủ.

Chưa khi nào nạn lạm phát tiến sĩ, thạc sĩ, chức danh lại nhiều như hiện nay. Tiến sĩ cầu lông, hay các loại tiến sĩ đã và đang bị dòm ngó về nội dung luận án làm gì với mảnh bằng chói lòa ấy?

Vì mảnh bằng tiến sĩ trong nước giờ đã “kém sang” nên nhiều quan chức hiện nay săn tìm bằng cấp nước ngoài để có vẻ “phương Tây” hơn và cũng khó truy nguyên hơn. Việt Nam là nước mua bằng giả từ các công ty ma tại Mỹ nhiều đến mức mà năm 2019, tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Mỹ tại Việt Nam đã phải gửi đến giới báo chí, xin công khai danh sách 21 trường đại học Mỹ đang có mặt tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tại Mỹ công nhận. Dĩ nhiên, vô số tấm bằng giả đã bị phát hiện và được xử lý nội bộ. Một trong những vụ bị phanh phui là trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, nhận bằng tiến sĩ của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) mà thời gian tu học đòi hỏi từ 4-7 năm, nhưng chỉ hơn 1 năm, ông Anh đã hoàn tất.

Ngoài ra, năm 2021, Đại học Đông Đô ở Hà Nội bị phát hiện đã cấp bằng giả cho gần 450 quan chức. Quan chức sống trên bằng cấp giả, lừa mị nhân dân bằng học thức giả, là một hiện thực mà cả nước Việt Nam lâu nay “ai cũng biết, mà không ai nói”.

Nói về đề án (có tên là Đề án 911), ban hành mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 – 2020, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc góp ý “Tiêu đồng tiền của dân thì phải thận trọng”. Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết mọi nơi trong ngành giáo dục rùng rùng chạy theo mục tiêu trên, bất kể hiện thực: “Các cơ quan cử người đi du học (lấy bằng tiến sĩ) thì đa phần trình độ tiếng Anh rất yếu. Ngay cả việc bồi dưỡng tiếng Anh đủ chuẩn để đi du học cũng yếu, cho nên, rất nhiều em sau khi học 4 năm về không thể làm được việc gì”.

Được biết, đề án đó dự trù kinh phí 14.000 tỷ đồng, nhưng sau đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị khắp nơi phải thu hồi nộp trả lại phần có thể cho ngân sách nhà nước thu về hơn 50 tỷ đồng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới