Friday, November 8, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMột SEA Games đã có nhiều " hạt sạn"?

Một SEA Games đã có nhiều ” hạt sạn”?

Trong một bài bình luận đăng ngày 10/5, hãng thông tấn chính thức Antara (Indonesia) cho biết, dù Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 12/5 tại Việt Nam, sự kiện này đã khởi tranh được mấy ngày với 4 tấm HCV đầu tiên thuộc về Malaysia.

Logo và linh vật SEA Games 31.

SEA Games 31 là sự kiện thể thao đa môn cấp khu vực đầu tiên được tổ chức ở châu Á trong thời đại dịch. Đáng lẽ được tổ chức vào năm ngoái, nhưng SEA Games 31 đã bị hoãn lại một năm do đại dịch.

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức với tên Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) vào năm 1959, tức 8 năm trước khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, tổng cộng 30 kỳ SEA Games đã được tổ chức.

Tuy nhiên, cho đến khi SEA Games 30 được tổ chức tại Philippines vào năm 2019, bữa tiệc thể thao khu vực này bị che phủ bởi một nghịch lý.

Một mặt, sự kiện này trở thành biểu tượng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác khu vực thông qua các kỳ thế vận hội quy mô khu vực và được truyền thông đưa tin rầm rộ qua từng lần tổ chức. Mặt khác, SEA Games gần như luôn đồng nghĩa với những tranh cãi về tinh thần thể thao, đặc biệt là vấn đề lựa chọn các môn thi đấu của nước chủ nhà.

Các nội dung thi đấu của SEA Games bao gồm ba hạng mục: Một là, các môn thể thao bắt buộc bao gồm điền kinh và bơi lội; Hai là, các môn thể thao thuộc Thế vận hội Olympic và Đại hội thể thao châu Á (ASIAD); Ba là, các môn thể thao đặc biệt ở Đông Nam Á mà khu vực này đang cố gắng bảo tồn.

Thông thường, Ban tổ chức SEA Games thay đổi các môn thể thao thuộc hai hạng mục cuối bằng cách bổ sung một số môn thi đấu được coi là mạnh nhất và có khả năng mang lại huy chương cho nước chủ nhà nhằm gia tăng bộ sưu tập huy chương của nước mình. Cách làm như vậy làm nảy sinh hoài nghi rằng hóa ra lợi ích quốc gia của nước chủ nhà lớn hơn lợi ích đánh giá thành tích đua tranh giữa các vận động viên, thậm chí lớn hơn cả sự gắn kết khu vực.

Ở một khía cạnh khác, mục tiêu của SEA Games và khát vọng đề cao tinh thần thể thao đã trở thành vấn đề sau cùng. Với 40 môn thể thao và 526 nội dung thi đấu, kỳ SEA Games 31 ít hơn nhiều so với kỳ SEA Games gần đây nhất tại Philippines vào năm 2019 với tổng cộng 56 môn thể thao và 530 nội dung thi đấu. Tuy nhiên, quyết định cắt giảm số lượng môn thể thao Olympic và ASIAD được thay thế bằng những môn thể thao cho phép nước chủ nhà “gặt hái” huy chương.

Theo đài BBC, tuy chưa khai mạc, nhưng ban tổ chức SEA Games 31 lại khiến dư luận Việt Nam lo lắng, khi mắc phải sai sót không đáng có trong những ngày thi đấu không chính thức đầu tiên của SEA Games.

Ngày 8/5 – ngày thi đấu của môn nhảy cầu, màn hình lớn của nhà thi đấu tổ chức bộ môn này đã hiển thị sai quốc kỳ Malaysia. Cụ thể, quốc kỳ của Malaysia có biểu tượng ngôi sao 14 cánh nhưng trên quốc kỳ được ban tổ chức chiếu, ngôi sao chỉ có 5 cánh.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á xuất hiện lỗi như vậy. Tại kỳ SEA Games 29, nước chủ nhà Malaysia từng nhầm quốc kỳ của Việt Nam với Singapore, hay tại SEA Games 30, ban tổ chức cũng treo ngược quốc kỳ Indonesia.

Tuy nhiên, sau những sự cố đó, cả Malaysia lẫn Philippines đều nhanh chóng lên tiếng xin lỗi, còn tại SEA Games 31 này, ban tổ chức đến nay vẫn chưa có phản hồi. Bản thân sự cố hiển thị nhầm quốc kỳ Malaysia hôm 8/5 cũng không được các kênh truyền thông chính thống phản ánh.

Bảng A của nội dung bóng đá nam có sự góp mặt của U23 Việt Nam được tổ chức tại Phú Thọ, nhưng ngoài sự cuồng nhiệt của cổ động viên (CĐV), khâu tổ chức bộc lộ nhiều vấn đề như việc bố trí sân tập kém chất lượng cho Indonesia và đặc biệt là nghi thức hát quốc ca ở hai trận đấu đã qua của U23 Việt Nam.

Trong trận ra quân của U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia, bộ phận âm thanh đã phát quốc ca Indonesia trong lúc hai đội đang thực hiện thủ tục bắt tay nhau.

Đến trận U23 Việt Nam gặp U23 Phillipines, ban tổ chức sân vận động Việt Trì thậm chí còn không cử hành nghi thức hát quốc ca.

Giống như vụ quốc kỳ Malaysia, sự cố này cũng không được phản ánh rộng rãi trên các kênh truyền thông chính thống cho đến khi UBND tỉnh Phú Thọ thông tin về vụ việc, theo đó, nguyên nhân không thể cử hành quốc ca trong trận U23 Việt Nam gặp U23 Philippines là do “thời tiết diễn biến xấu, có sự xung đột giữa các thiết bị điện tử nên ảnh hưởng đến việc truyền tải âm thanh trong khoảng thời gian hai phút”.

Việc ban tổ chức bảng A tại Phú Thọ liên tục để xảy ra những sự cố hớ hênh khiến dư luận phản ứng gay gắt trên các diễn đàn. Nhiều quan điểm bày tỏ sự khó hiểu khi quyền đăng cai bảng đấu có sự góp mặt của U23 Việt Nam được trao cho một địa phương mới hai năm trước còn là một vùng trắng về bóng đá cùng cơ sở vật chất hạn chế như Phú Thọ chứ không phải Hải Phòng, nơi sân Lạch Tray mới được cải tạo cũng như cơ sở vật chất tốt hơn nhiều.

Bên cạnh những lùm xùm xung quanh công tác tổ chức, một chủ đề cũng thu hút nhiều sự chú ý liên quan đến SEA Games 31 là màn cổ vũ gây tranh cãi của một hội CĐV trong trận U23 Việt Nam gặp U23 Philippines.

Theo đó, hội CĐV này đã mua hàng nghìn cuộn giấy vệ sinh rồi phân phát cho khán giả quanh khu vực của mình, trước khi trận đấu bắt đầu. Khán giả đồng loạt ném các cuộn giấy xuống sân nhằm mục đích tạo ra hiệu ứng đẹp trên khán đài. Tuy nhiên, việc trời đổ mưa to trong trận đấu hôm 8/5 khiến giấy sau khi bị ném thấm vào khán đài cũng như đường piste, gây khó cho công tác dọn dẹp vệ sinh. Vụ việc này sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới