Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDấu ấn Việt Nam

Dấu ấn Việt Nam

Chuyến công du tới Mỹ của ông Phạm Minh Chính được coi là “một công đôi việc”. Liên quan vấn đề Biển Đông, với những gì diễn ra, dư luận đang cho rằng: Việt Nam đã ghi điểm một cách ngoạn mục trong mắt cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhà trắng

“Đôi việc” vẫn chỉ có tính tượng trưng. Thực thế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam có các hoạt động cấp tập, dày đặc, ngay khi tới Mỹ. Sự kiện quan trọng phải nói đến đầu tiên, là cùng các nhà lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại thủ đô Washington D.C; gặp tổng thống Mỹ Joe Biden và một số nhà lãnh đạo quốc gia khác.

Nói gì thì nói, thời điểm này, một hội nghị được coi là “thượng đỉnh” ASEAN – Mỹ, câu chuyện Biển Đông không thể bị gạt ra lề. Biển Đông không chỉ quan trọng với “5 nước 6 bên” liên quan trực tiếp, trong đó, một bên là Trung Quốc hung dữ, luôn gầm gừ muốn ăn tươi, nuốt sống “4 nước 5 bên” – coi là bên còn lại – để độc chiếm về mình.

Biển Đông không chỉ quan trọng với 10 nước ASEAN, bởi cho dù trong tổ chức này, có quốc gia không yêu sách, không tranh chấp chủ quyền, nhưng một Biển Đông yên bình, không bão tố; một Biển Đông không âm ỉ như thùng thuốc súng, có thể bùng nổ bất kỳ khi nào…, vẫn là điều ASEAN không chỉ cần mà còn quá cần, để được yên ổn mà làm ăn, phát triển kinh tế.

Biển Đông không chỉ quan trọng, mà còn quá quan trọng với Mỹ. Hơn ai hết, Mỹ biết Biển Đông là nơi mà Trung Quốc, đối thủ đang lăm le lật nhào vị trí cường quốc số 1 của Mỹ, cũng là nước muốn Mỹ thành kẻ chầu rìa trong “câu chuyện riêng” của Trung Quốc và các nước trong khu vực, để Trung Quốc dễ bề chiếm gọn; để rồi từ bàn đạp Biển Đông, Trung Quốc có cơ bành trướng nữa ra các đại dương khác và ra toàn thế giới.

Quan trọng, thế nên trong Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ, đã trịnh trọng nêu rằng: “Chúng tôi công nhận các lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp thiết thực có thể giảm căng thẳng, nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”…

Tuyên bố chung, thì hẳn là “công” của tất cả (các quốc gia tham dự Hội nghị). Tuy nhiên, trong cái chung toàn thể đó, nhiều người vẫn thấy và cho rằng Việt Nam có vai trò quan trọng, căn bản, và để lại dấu ấn đậm nét trong việc khéo léo đề cập vấn đề Biển Đông trước một diễn đàn quan trọng, tổ chức ngay tại Mỹ, cường quốc số 1 thế giới, và nhất là trong các cuộc tiếp xúc với chính giới Mỹ.

Dấu ấn đó trước hết thể hiện trong phát biểu của nhà lãnh đạo Việt Nam Phạm Minh Chính ở cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Cái gật đầu của ông chủ Nhà trắng đối với quan điểm, đề xuất của ông Thủ tướng Việt Nam rằng, phải “giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS)”, dù không mấy khác những gì thể hiện trong Tuyên bố chung, nhưng vẫn khiến nhiều người cho rằng, ông Phạm Minh Chính là nhân tố quan trọng thuyết phục ông Biden, và thuyết phục bằng cái lý chắc chắn trước cái đầu thông thái của ông Biden.

Tiếp ngoại trưởng Mỹ, chẳng phải là phụ họa thượng cấp là ông Biden, trước ông Phạm Minh Chính, ông Blinken không chút do dự mà rằng: Mỹ “nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.”

Sự thống nhất, nhất quán nhanh chóng của “trên” với “dưới”, về quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông của phía chủ nhà Mỹ, theo đề nghị của khách là ông Phạm Minh Chính, cho thấy Mỹ đã tin cậy, trọng thị, đồng tình như thế nào; cho thấy cái lý của nhà lãnh đạo Việt Nam “có lý” như thế nào.

Nói cách khác, chưa kết thúc chuyến công du, ông Phạm Minh Chính đã tạo được dấu ấn không chỉ với các nhà lãnh đạo Mỹ quốc, mà còn với các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.

Mà dấu ấn, thành công của ông Phạm Minh Chính cũng là dấu ấn, thành công của Việt Nam vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới