Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ tài trợ quân sự cho Ấn Độ nhằm tăng cường quan...

Mỹ tài trợ quân sự cho Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ an ninh

Mỹ đang chuẩn bị một gói tài trợ quân sự cho Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ an ninh hai nước và giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào vũ khí của Nga.

Theo nguồn tin của Bloomberg, gói này sẽ bao gồm khoản tài trợ quân sự có giá trị lên tới 500 triệu USD – đưa Ấn Độ trở thành một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất từ Mỹ sau Israel và Ai Cập. 

Hiện chưa rõ thời điểm công bố chính thức thỏa thuận Mỹ-Ấn Độ và danh sách những loại vũ khí nằm trong gói tài trợ.

Gói tài trợ là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh lâu dài với Ấn Độ. Bloomberg trích lời một quan chức Mỹ cho biết Washington đang làm việc với nhiều quốc gia khác, bao gồm Pháp, để đảm bảo cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho chính quyền Thủ tướng Narendra Modi. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là thúc đẩy Ấn Độ đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ quân sự của đất nước khỏi Nga.

Ấn Độ là nước mua vũ khí Nga lớn nhất thế giới. Trước đây, Nga cung cấp phần lớn khí tài quân sự cho Ấn Độ, bao gồm cả máy bay chiến đấu, tên lửa cùng hầu hết các loại xe tăng và trực thăng. Trong thập kỷ qua, New Dehli đã mua số thiết bị quân sự trị giá hơn 4 tỷ USD từ Mỹ và hơn 25 tỷ USD từ Nga, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. 

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ấn Độ cũng tránh chỉ trích Moskva. Khi Mỹ, châu Âu, Australia và Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu giảm giá của Nga. 

Trước những động thái đó, Mỹ và các nước đồng minh đã tìm cách hợp tác an ninh với New Dehil. Dự kiến, Thủ tướng Modi sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden vào tuần tới tại Hàn Quốc. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ nhóm Bộ tứ – bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Gần đây, Ấn Độ đã tạm dừng đàm phán vô thời hạn với Nga về việc mua lô 10 trực thăng cảnh báo sớm trên không Kamov Ka-31 với giá 520 triệu USD. Nguyên nhân của việc này là do lo ngại về khả năng đáp ứng đơn hàng của phía Moskva cũng như các vấn đề liên quan đến thanh toán.

RELATED ARTICLES

Tin mới