Là một phần của chiến lược thống trị toàn cầu, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước cho vay lớn nhất thế giới đối với các quốc gia kém phát triển nhất, tính lãi suất cao hơn và yêu cầu tài sản thế chấp dưới dạng các cảng, các sân bay, mỏ khoáng sản, và các nguồn thu.
Viện trợ nước ngoài chiếm 1% trong 4,05 nghìn tỷ USD ngân sách liên bang Hoa Kỳ, với một nửa số tiền này được chi cho xóa đói giảm nghèo. Trong khi viện trợ của Hoa Kỳ có thể dưới nhiều dạng hình thức trợ giúp quốc tế, viện trợ của Hoa Kỳ trông như viện trợ thực sự. [Còn] với Trung Quốc, ranh giới bị làm mờ giữa viện trợ và đầu tư. Trung Quốc tuyên bố là một trong những nhà tài trợ lớn nhất, nhưng sẽ chính xác hơn nếu gọi nước này là một chủ nợ khổng lồ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có chiến lược viện trợ tập trung trong chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư nước ngoài. Mặt khác, Hoa Kỳ dường như không có một chiến lược viện trợ thống nhất hoặc hệ thống hóa. Hơn nữa, thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ do khu vực tư nhân thực hiện, với rất ít hoặc không có sự chỉ đạo của chính phủ.
Ngoài các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản cho vay không tính lãi, ĐCSTQ coi các khoản cho vay ưu đãi là viện trợ. Bắc Kinh liên kết các khoản viện trợ, cho vay, tín dụng xuất khẩu, và viện trợ quân sự với nhau, mặc dù những hình thức tài trợ này sẽ không được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) coi là viện trợ.
Chiến dịch viện trợ/đầu tư của ĐCSTQ đã được gần 60 năm. Năm 1964, Thủ tướng Chu Ân Lai khi đó đã đến thăm Ghana. Ông đã thiết lập mô hình viện trợ của Trung Quốc mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đó là các dự án do Trung Quốc tài trợ phải sử dụng thiết bị, vật liệu và hỗ trợ kỹ thuật do Trung Quốc sản xuất.
‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ được ĐCSTQ thông qua vào năm 2013 là ví dụ rõ ràng và gần đây nhất về cách Bắc Kinh phát triển một kế hoạch dài hạn, sau đó khai triển những cột mốc ngắn hạn và trung hạn quan trọng vào đó. Điều này tạo ra một mạng lưới phức hợp về đầu tư, thương mại, tuyên truyền, quyền lực mềm, cưỡng bức, và địa chính trị, có thể đưa Trung Quốc trở thành cường quốc ưu việt trên thế giới vào năm 2035.
Ngoại giao bẫy nợ là một vũ khí lợi hại trong kho vũ khí của ĐCSTQ. Giống như những con báo hoa mai đi đơn lẻ và rình rập những con linh dương ốm yếu trong đàn, Bắc Kinh tìm kiếm những quốc gia gần đến mức vỡ nợ. Đây là những nền kinh tế nhỏ chưa phát triển và chỉ cần một khoản vay là sụp đổ. Sau đó, ĐCSTQ cung cấp cho họ các khoản vay kèm các điều khoản khó khăn, điều này cuối cùng cho phép Bắc Kinh giành quyền kiểm soát tài sản hoặc nguồn thu của đất nước.
Nghiên cứu về hoạt động cho vay của Trung Quốc cho thấy phần lớn trong số đó được thực hiện bởi các tác nhân do nhà nước sở hữu chứ không phải trực tiếp chính phủ. Tổng cộng, tính cả các khoản cho vay của chính phủ và do nhà nước hậu thuẫn, Trung Quốc đang chi vượt qua Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây về cho vay ở các nước nghèo nhất thế giới theo tỷ lệ 2/1. Ngoài ra, ĐCSTQ thường tính lãi suất cao hơn, thời hạn trả nợ ngắn hơn, và yêu cầu tài sản thế chấp.
Tài sản thế chấp có thể là các cảng, chẳng hạn như Cảng Piraeus của Hy Lạp, Cảng Hambantota của Sri Lanka hoặc Cảng Gwadar của Pakistan, tất cả hiện đều thuộc quyền kiểm soát hoặc sở hữu đáng kể của ĐCSTQ. Chế độ đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh nhắm vào các quốc gia có thể cung cấp tài nguyên như khoáng sản và kim loại và các quốc gia như Djibouti có các vị trí chiến lược. ĐCSTQ hiện kiểm soát cảng hải quân Doraleh của Djibouti.
ĐCSTQ lập luận rằng Trung Quốc không phải là nước cho vay đầu tiên hoặc lớn nhất đối với nhiều quốc gia đã lâm vào tình trạng vỡ nợ; tuy nhiên, lập luận phản bác của phương Tây cho rằng các khoản vay của Trung Quốc đã đẩy các quốc gia này đến bờ vực.
Các quốc gia này tìm kiếm các khoản vay từ Trung Quốc vì IMF, Ngân hàng Thế giới, Câu lạc bộ Paris, và các tổ chức cho vay truyền thống khác đã coi các quốc gia này là có nguy cơ vỡ nợ. Trong nhiều trường hợp, các quốc gia này tìm cách vay tiền để trả lãi cho các khoản vay trước đó. Các nhà cho vay truyền thống sẽ từ chối cho các quốc gia này vay tiền vì sợ làm xấu đi tình hình kinh tế của họ.
Trong khi đó, khoản nợ của các nước nghèo nhất thế giới đối với Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2011-2020. Hôm 22/4, tờ South China Morning Post đưa tin rằng cả IMF và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về mức nợ kỷ lục toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Vì lý do này, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã cáo buộc ĐCSTQ thực hiện chính sách ngoại giao bẫy nợ và tịch thu các tài sản quan trọng. Bắc Kinh đã bác bỏ những tuyên bố này.
Dưới thời chính quyền Trump vào năm 2019, Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã được cải tổ, được thiết kế để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ, DFC cung cấp các khoản vay để giúp các quốc gia đang phát triển thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng. Tờ Financial Times của Ấn Độ cho rằng viện trợ tài chính và quân sự của Hoa Kỳ nên đi đôi với chính sách thương mại toàn diện. Nếu không có thành phần thương mại, các quốc gia ngoại quốc có thể đặt dấu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với một mối quan hệ lâu dài. Điều này đặc biệt đúng ở Châu Phi, Châu Mỹ, và Châu Á, nơi rất cần đầu tư và thương mại và là nơi Trung Quốc liên kết các mục tiêu chiến lược và quân sự với các quyết định thương mại và đầu tư của mình.
Ngày 25/4, Hội đồng Đại Tây Dương đã khuyến nghị rằng Hoa Kỳ áp dụng tư duy của khu vực tư nhân nhiều hơn. Washington nên đặt mục tiêu tìm ra những quốc gia nước ngoài cần và muốn gì, sau đó cung cấp viện trợ theo cách giúp giải quyết các vấn đề của các quốc gia này trước khi ĐCSTQ tới với một cuốn ngân phiếu. Hơn nữa, Hoa Kỳ phải thống nhất được hơn nữa giữa các cơ quan chính phủ với tất cả các bộ phận cùng làm việc và hợp tác với khu vực tư nhân.
T.P