Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức bắt đầu chuyến công du dự hội nghị thượng đỉnh nhóm “bộ tứ”và thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến đi được đánh giá là nặng trĩu lo âu với người đứng đầu Nhà trắng.
Không phải một chuyến công du đột xuất. Nó đã được Nhà trắng thông báo từ ngày 11/4/2022. Thời điểm đó, phát biểu (trực tuyến trong hội nghị) với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Biden còn cho biết, mình mong muốn sẽ gặp lại Thủ tướng Modi tại Nhật Bản vào khoảng ngày 24/5. Và sự kiện đã diễn ra như thời gian dự kiến.
Trong bối cảnh hiện nay, sự có mặt tại Châu Á, khu vực chưa bao giờ yên ổn, của ông Biden cho thấy, dù đang bấn bíu vào cuộc chiến Ukraine, Washington vẫn rất quan tâm các lợi ích chiến lược của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Và, không nói ai cũng biết, để đạt mục tiêu, tham vọng đó, Mỹ phải “đoàn kết” được hai đồng minh, là Nhật Bản và Châu Á. Vậy mà xem ra, đây lại là công việc khó, quá sức với Mỹ.
Cùng “chơi” – là đồng minh – với Mỹ, nhưng quan hệ giữa Nhật – Hàn, trong mấy chục năm qua, gần như chưa bao giờ “cơm lành canh ngọt”.
Trước hết, là căng thẳng bùng lên năm 1965 về chủ quyền liên quan nhóm đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima (Quần đảo Tre), còn Hàn Quốc gọi là Tokto (Quần đảo Hiu quạnh). Hàn là bên kiểm soát nhóm đảo này từ năm 1953, sau khi thoát khỏi đô hộ của Nhật Bản. Chủ quyền là thiêng liêng, dù các đời tổng thống, thủ tướng hai bên thay đổi liên tục, nhưng đố đời nào dám “đổi đất lấy hòa bình” để bị người dân quy tội bán nước? Thế nên, cuộc chiến biển đảo Nhật-Hàn chắc chắn còn kéo dài chưa biết tới khi nào.
Tiếp nữa, là phản đối của Nhật đối với phán quyết tháng 10/2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về bồi thường thiệt hại cho các cá nhân người Hàn Quốc bị ép buộc lao động trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (1938-1945). Nhật thì cho rằng, với phán quyết này, Hàn đã vi phạm Hiệp định Giải quyết Yêu sách Hàn-Nhật, gắn liền với Hiệp ước năm 1965 bình thường hóa quan hệ hai nước, trong đó có điều khoản chấm dứt quyền nộp đơn kiện của nhà nước cũng như người dân hai nước. Còn Hàn Quốc thì khăng khăng cáo buộc Nhật “chày cối”, vì năm 1991, Tokyo từng đã thừa nhận cá nhân vẫn có quyền nộp đơn kiện cho dù hai bên đã ký các thỏa thuận song phương như Hiệp ước năm 1965.
Cay cú, và cả chút ngạo mạn rằng, so với Hàn, mình vẫn “hơn một cái đầu” về kinh tế, công nghệ…, Nhật Bản đã áp đặt các quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất điện thoại thông minh và chất bán dẫn của Hàn Quốc. Ngay lập tức, Hàn Quốc trả đũa bằng việc hạn chế xuất khẩu màn hình OLED mà Hàn vốn có ưu thế, sang thị trường Nhật Bản…
Thế là, từ tháng 8/2019, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế quy mô lớn trên toàn cầu đã thực sự diễn ra. Cuộc chiến này mở đầu với việc Hàn Quốc Sung Yun-mo đã công bố “Dự thảo sửa đổi Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược” với nội dung xóa tên Nhật Bản trong “Danh sách Trắng” các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Để trả đũa Chính phủ Nhật Bản quyết định đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại trước đó…
Sự việc nghiêm trọng tới mức, thậm chí, từng có thời điểm, tại Hàn Quốc hình thành một phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản.
Đau lòng trước sự lục đục của hai đồng minh, ngày 12/8/2019, Mỹ đã phải hối thúc, kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản cần tìm kiếm “những giải pháp sáng tạo” cho các bất đồng, và cho biết, sẵn sàng góp phần thúc đẩy cho việc đối thoại.
Dư luận chưa quên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ thời điểm đó từng tha thiết rằng: “Là đồng minh và là bạn của cả Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ tin rằng điều quan trọng là cần phải đảm bảo các mối quan hệ bền vững và chặt chẽ giữa 3 nước và trong 3 nước chúng ta trước những thách thức chung của khu vực, trong đó có những thách thức từ Triều Tiên, cũng như những ưu tiên khác của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới”.
Thậm chí, ông Donald Trump, tổng thống Mỹ lúc đó, đã nói một cách vừa trần trụi, vừa hàm ý răn đe: “Hàn Quốc và Nhật Bản lúc nào cũng đấu đá nhau. Họ phải hòa thuận, nếu không sẽ đặt chúng tôi vào một tình thế rất xấu”…
Nhiệm kỳ ông Trump – người đàn ông mạnh mẽ và khôn lường – đã không làm nổi việc giải hòa cho hai đồng minh Châu Á Nhật Bản và Hàn Quốc. Tới nay, gánh nặng lại đổ xuống đôi vai gầy của ông già Biden.
Trong chuyến công du lần Châu Á lần này, chẳng biết ông chủ Nhà trắng kế nhiệm ông Trump có làm được điều gì thật sự ý nghĩa để trong việc hàn gắn chia rẽ giữa hai đồng minh quan trọng hay không?
T.V