Mặc dù nói đến món ăn Việt Nam là nghĩ ngay đến phở và bánh mì, nhưng theo tác giả Christina Liao, mọi người cũng nên một lần nếm thử 22 món ăn đặc sản này.
Vogue – tạp chí chuyên về viết về thời trang và phong cách sống nổi tiếng thế giới – đã có bài viết với tiêu đề: “Ngoài phở và bánh mì, còn có 22 món ăn Việt Nam nhất định phải thử”.
Mở đầu bài viết, tác giả Christina Liao cho rằng, hầu hết người phương Tây khi nghĩ đến món ăn Việt Nam thường sẽ nghĩ ngay đến hương vị phức tạp và cách trình bày tương phản.
Tác giả Christina Liao lấy ví dụ món phở, món ăn gồm nước dùng được nấu từ bò hoặc gà và xương được ninh trong nhiều giờ trước khi được phục vụ nóng hổi với nhiều loại rau thơm khác nhau.
Tiếp đó là bánh mì, thường là loại bánh mì kẹp truyền thống, bao gồm nhiều sản phẩm chế biến từ thịt lợn và dưa góp kẹp trong bánh mì nướng.
Và theo tác giả, chắc chắn “không thể bỏ qua nước mắm, một loại gia vị cơ bản có vị mặn nồng nhưng rất ngon để cảm nhận hương vị đặc trưng của nó”.
Bài viết của Christina Liao cho rằng, ẩm thực Việt Nam là sự kết hợp của những món ăn thú vị trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Mặc dù nói đến món ăn Việt Nam là nói đến phở và bánh mì, nhưng theo tác giả Christina Liao, khi đến các nhà hàng Việt Nam hoặc đến Việt Nam du lịch, thực khách cũng nên thử 22 món ăn sau đây:
Bánh xèo và bánh khọt
Đầu tiên là bánh xèo – một loại bánh crepe mặn được làm từ bột gạo và bột nghệ (do đó có màu vàng) cùng với thịt lợn, tôm và giá đỗ. Tác giả Christina Liao đặc biệt thích nước chấm của bánh xèo.
Bánh khọt tương tự như bánh xèo, sử dụng cùng một loại bột, nhưng nó giống như một chiếc bánh crepe nhỏ với một con tôm ở giữa. Nó được chế biến trên chiếc đĩa gang đặc biệt để bên ngoài giòn và bên trong mềm.
Bún riêu
Có nhiều kiểu nấu bún riêu ở các vùng miền khác nhau, nhưng cơ bản là nấu cua với cà chua.
Ngoài ra, còn có thịt viên, thịt ba chỉ, đậu phụ rán, cá, ốc và tiết lợn.
Gỏi cuốn
Theo bài viết trên tạp chí Vogue, rất nhiều người nước ngoài đã biết đến món nem rán (chả giò) của Việt Nam, nhưng món “tươi” của nó là một món thay thế món khai vị nhẹ nhàng và tốt cho sức khỏe hơn rất nhiều. Những lát thịt lợn, tôm, xà lách, bạc hà và bún được gói gọn gàng trong bánh tráng và chấm cùng nước chấm đậu phộng.
Thịt kho tộ
Tác giả Christina Liao gọi đây là “món caramen gây nghiện”.
Các miếng thịt lợn được cắt lát to, hầm nhừ với đường và nước mắm cho đến khi chín mềm.
Món ăn này được nấu trong một nồi đất, ăn cùng với cơm trắng.
Và tác giả đưa ra lời khuyên hữu ích: những ai không thích thịt mỡ nhưng thích hải sản, hãy thử món cá kho tộ, thường được chế biến bằng cá lóc.
Ngoài ra, trong bài viết, tác giả còn liệt kê hàng loạt món ăn khác như: bún bò Huế, rau muống xào tỏi, cao lầu, bánh cuốn, bò lúc lắc, bún thịt nướng, bún chả, gỏi xoài, canh chua, thịt luộc tôm chua, hến xúc bánh tráng, bánh bèo, bánh bao, cháo, cơm tấm, mì xào mềm, gà tần…
Khi mô tả món cao lầu, tác giả cho biết, đây là món mì đặc sản mà mỗi du khách khi đến thăm phố cổ Hội An nhất định phải thử.
Tác giả cũng kể câu chuyện về món ăn này. Trong đó, nước dùng để làm những sợi mì dai dai được lấy từ giếng cổ Bà Lệ và màu nâu của nó là do dung dịch kiềm từ tro của một
loại cây ở ngoài khơi quần đảo Cù Lao Chàm.
“Điều này có đúng hay không không quan trọng, một khi bạn đã nếm thử món ăn ở vùng này”, tác giả viết thêm.
Khi nhắc đến món gà tần, tác giả Christina Liao nói: “Nếu bạn đang tìm kiếm một món súp gà để chữa tất cả các bệnh (không sao, chúng tôi có thể phóng đại, nhưng nó được cho
là có giá trị y học) thì gà tần chính là liều thuốc bổ bạn cần”.
Cả con gà được hầm với nhiều loại rau củ quả và thảo mộc, làm cho nước dùng có màu sẫm. Theo tác giả, “phải thừa nhận rằng đây không phải là màu hấp dẫn nhất khi nói đến món ăn, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn ấm lòng từ trong ra ngoài”.
T.P