Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ bình luận về xu hướng chiến sự sau khi Nga chiếm...

TQ bình luận về xu hướng chiến sự sau khi Nga chiếm được Mariupol

Ngày 19/5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov thông báo: Từ ngày 16/5 tới nay đã có 1.730 người thuộc quân đội Ukraine và thuộc “Tiểu đoàn Azov” trong lực lượng quân sự Ukraine bị bao vây trong Nhà máy gang thép Azovstal ở Mariupol ra hàng. Dư luận bên ngoài phổ biến cho rằng trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cơ bản chấm dứt. Trong hơn 80 ngày qua, chiến trận tại Mariupol đã trực tiếp ảnh hưởng tới xu thế phát triển cuộc xung đột nói trên. Trong tương lai, quân đội Nga sau khi dứt ra khỏi trận chiến đó sẽ tấn công về hướng nào?

Bày lại bàn cờ “Chiến sự đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine”

Sau ngày 24/2/2022 khi Nga bắt đầu thực thi “Hành động quân sự đặc biệt” đối với Ukraine, Mariupol trở thành một trong những thành phố quân đội Nga coi là trọng điểm tấn công. Đây là thành phố hải cảng quan trọng trên bờ biển Azov của vùng Donbas thuộc Ukraine, nhiều năm qua là đầu mối xuất khẩu sắt thép, than và nông sản Ukraine đi các vùng Trung Đông và châu Âu. Đối với quân đội Nga, việc chiếm được Mariupol sẽ giúp cho việc hoàn toàn đánh thông miền Tây nước Nga nối liền với vùng Donbas – miền Nam Ukraine – bán đảo Crimea, triệt để chia cắt Ukraine và thực hiện phong tỏa Ukraine trên biển. Nhưng chẳng ai ngờ được rằng cùng với thời gian tác chiến không ngừng kéo dài, trận đánh tại Mariupol trở nên nổi tiếng hơn các hướng chủ công khác của quân đội Nga tại Kyiv, Kharkiv, Sumei.

Khi mới bắt đầu tác chiến, quân đội Nga hy vọng thực hiện “đánh chớp nhoáng”, dùng ưu thế áp đảo bẻ gãy sự phòng ngự của quân đội Ukraine tại Mariupol. Quân đội Nga chia hai mũi tấn công: một mũi là lục quân Nga từ Donesk ở phía Đông tiến đánh Mariupol. Một mũi là Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga từ bờ biển Azov phía Tây Mariupol tiến hành đổ bộ. Nhằm mục đích đó, Hải quân Nga cho 10 tàu đổ bộ ra trận, trong đó 6 tàu trước đấy đã được điều từ Hạm đội biển Baltic và Hạm đội biển Bắc đến đây, qua đó có thể thấy quân đội Nga đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho trận tấn công Mariupol. Thế nhưng hành động công kiên của quân đội Nga lại gặp phải sự chống trả mạnh mẽ của quân đội Ukraine, tốc độ tiến của quân đội Nga rất chậm.

Cho tới ngày 16/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga mới công bố ra ngoài, nói quân đội Nga đã kiểm soát tất cả các vùng ở thành phố Mariupol, trừ nhà máy thép Azovstal. Khi ấy đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày Nga bắt đầu “Hành động quân sự đặc biệt”. Trong quãng thời gian đó, chiến thuật tác chiến “Tốc độ nhanh quyết định” do phía Nga đề ra ban đầu chưa được thực thi có hiệu quả. Ngoại trừ chiến tích quan trọng giành được tại Kherson ở miền Nam Ukraine ra, chiến sự [của quân đội Nga] tại Kyiv ở miền Bắc, tại Sumei và Kharkiv ở hướng Đông Bắc, tại Donbas ở hướng Đông Nam đều không tiến triển như dự định. Giả thiết, nếu quân đội Nga dễ dàng chiếm được Mariupol, sau đó nhanh chóng chia quân tiến lên phía Tây hoặc phía Bắc thì rất có thể họ đã đảo ngược được thế trận. Thảo nào phía Ukraine nhiều lần nhấn mạnh nhà máy thép Azovstal đã làm cho dự định [của phía Nga] điều ngót 20 nghìn bộ đội chủ lực (khoảng 1 phần 10 tổng binh lực Nga đưa vào Ukraine) đến các vùng khác ở Ukraine bị chậm lại. Đúng là sự chống cự của quân đội Ukraine tại Mariupol đã viết lại tiến trình cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Sau khi quân đội Ukraine chật vật cố thủ nhà máy Azovstal, chiến sự tại đây tuy không có tiến triển lớn nhưng lại trở thành “Tượng trưng cho ý chí chống cự của Ukraine”, nhanh chóng thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Ngày 21/4, Tổng thống Putin tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tấn công nhà máy Azovstal, đổi thành sách lược vây chặt, nhằm giảm thương vong. Tổng thống Ukraine Zelensky bèn bắt tay với phương Tây tạo ra bầu không khí “bi thương” của quân đội Ukraine tại nhà máy Azovstal. Thủ tướng Đức Scholz, Tống Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, cho đến cả Giáo Hoàng La Mã đều nhất trí kêu gọi mở đường sống cho quân đội Ukraine, hình thành sức ép lớn đối với Nga. Nhưng Chính phủ Ukraine hiểu rằng bộ đội cố thủ của họ khó có thể chống đỡ lâu dài. Ngày 16/5, Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tỏ ý đã kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Mariupol và để cho các binh sĩ của họ tiến hành “rút lui” (đầu hàng).

Trong ngữ cảnh của thế giới phương Tây, các nhà phân tích ưa thích đem cuộc chiến đấu tại Mariupol bàn luận ngang hàng với trận chiến bảo vệ Leningrad trong Thế chiến II, kèm theo nhiều ẩn dụ. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Maliar nói: “Nhờ có các chiến sĩ bảo vệ Mariupol mà Ukraine giành được quãng thời gian quan trọng để tổ chức quân hậu bị, cải tổ bộ đội và tiếp nhận viện trợ từ các đối tác bạn bè. Bộ đội cố thủ tại Mariupol đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ.” Xét theo toàn bộ sự thay đổi xu thế cuộc xung đột Nga-Ukraine thì phát biểu của Maliar không phải là khoe khoang. Sự chống cự lâu dài của quân đội Ukraine tại Mariupol chẳng những đã thành công kìm chân cuộc tấn công của quân đội Nga, mà ý chí chiến đấu kiên định họ đã thể hiện còn làm cho các nước NATO hiểu rằng sự “hợp tác” theo cách phương Tây xuất trang thiết bị và ngân khoản, Ukraine xuất người, là hình thức “Chống Nga” có hiệu quả.

Bước tiếp sau của quân đội Nga: tiến lên phía Bắc hay phía Tây?

Cho dù vẫn còn một bộ phận lực lượng vũ trang Ukraine giấu mình bên trong nhà máy gang thép Azovstal, nhưng dư luận phổ biến cho rằng quân đội Nga trên thực tế đã hoàn toàn kiểm soát Mariupol. Đây là chiến thắng lớn nhất mà quân đội Nga giành được, có nghĩa là phần lớn bờ biển Ukraine hiện nay đã rơi vào tay quân Nga; Crimea, miền Nam Ukraine và Donbas đã nối liền thành một mảng, phần lãnh thổ Ukraine tương đương diện tích Hy Lạp đã bị Nga kiểm soát.

Điều làm cho người bên ngoài quan tâm là sau khi rảnh tay [khỏi Mariupol], quân đội Nga sẽ mở cuộc tấn công theo hướng nào. Hiện nay họ có thể lựa chọn trong 2 hướng tấn công trọng điểm: một là “Bắc thượng” tiến lên vùng phía bắc Donbas, và một là “Tây tiến” Odesa. Nếu quân đội Nga hoàn toàn chiếm được Odesa thì Ukraine sẽ mất tất cả các lối ra biển, hoàn toàn mất đường tiếp tế trên biển. Điều đó có ý nghĩa cực lớn về chính trị và ý nghĩa tượng trưng. Nhưng hiện nay Hạm đội Biển Đen của Nga đã tiến hành phong tỏa trên biển phía ngoài Odesa, thành phố này đã khó mà phát huy được tác dụng đầu mối của một cảng biển. Thêm nữa, tuyến đường huyết mạch của Odesa – cây cầu lớn vượt biển đã bị quân đội Nga phá hủy, trên thực tế đã cắt đứt con đường tiếp vận vũ khí đạn dược từ phương Tây qua ngả Rumani vào Odesa. Bởi vậy việc đánh chiếm Odesa đã không còn là nhiệm vụ khẩn cấp đối với quân đội Nga. Sau khi rảnh tay ở Mariupol, rất có thể quân đội Nga sẽ đưa chủ lực vào hướng Donbas.

Tại tỉnh Luhansk ở vùng Donbas, quân đội Nga đã kiểm soát hơn 90% vùng này, trọng điểm tấn công tiếp sau của họ sẽ là Bắc Donesk. Từ năm 2014 khi miền Đông Ukraine nổ ra khủng hoảng, Chính phủ Ukraine đã bố trí các cơ quan hành chính Luhansk đóng tại Bắc Donesk. Đối với Chính phủ Ukraine, Bắc Donesk tương đương như thủ phủ tỉnh Luhansk. Quân đội Ukraine bố trí lực lượng mạnh ở ngoại vi thành phố này và đã xây dựng công sự phòng ngự dầy đặc. Chiếm được Bắc Donesk là tiền đề và là bảo đảm giữ được sự độc lập cho tỉnh Luhansk, cũng là phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của “hành động quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và sẽ đe dọa nghiêm trọng trận địa quân đội Ukraine ở Altemovsk. Nơi đây là đầu mối giao thông đường bộ quan trọng, quân đội Nga có thể mượn con đường này để tấn công quân đội Ukraine tại Lisichansk và chặt đứt tuyến tiếp tế quan trọng của đối phương, thực hiện mục đích bao vây tiêu diệt quân đội Ukraine ở Luhansk. Ngoài ra, tấn công thành phố Zaporoge thủ phủ tỉnh Zaporoge cũng là một lựa chọn. Tóm lại, chỉ có hoàn toàn chiếm được vùng Donbas thì quân đội Nga mới có thể thực hiện mục tiêu chủ yếu của “Hành động quân sự đặc biệt giai đoạn hai”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới