Để chống lạm phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các cấp, ngành phải tập trung vào giải phóng mặt bằng, thúc đẩy sản xuất, và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công hoàn thành. Tuy nhiên, đầu tư công hiện có rất nhiều vướng mắc.
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội, quyết toán NSNN, tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Thách thức bủa vây
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo về kinh tế – xã hội của Chính phủ. Ông nhận định, trong hơn một năm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nhìn thấy được, “điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ”. Tuy nhiên, thực tế, hiện có rất nhiều thách thức như: trên thế giới lạm phát ở Mỹ 8,3%, châu Âu, châu Á đều lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng, từ xung đột Ukraine, chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu gặp khó khăn; giá dầu, giá thép tăng cao cũng tác động lớn đến nền kinh tế.
“Trong nước, chúng ta cũng đang đối mặt lạm phát, giá tăng, lãi suất ngân hàng. Hiện lãi suất của ngân hàng thương mại tiền gửi đã 7,3%/năm, vậy lãi suất cho vay phải trên 10%/năm, gây áp lực lên các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay lãi suất cao thì khả năng tiếp cận lãi suất khó, giá thành sản xuất cao, tạo khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cũng khó khăn, nợ xấu cao, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn. Qua đó, ảnh hưởng đến việc làm, thu ngân sách”, ông Phớc lo ngại.
Theo ông Phớc, đất nước vừa trải qua đại dịch, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng năng lực cho nền kinh tế, muốn vậy phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp, là động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế. Muốn vậy mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để thúc đẩy doanh nghiệp, tạo được tiện ích cho doanh nghiệp.
“Chúng ta phải tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó. Nếu có đường sẽ phát triển được nhiều ngành nghề, giải quyết vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Để chống lạm phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các cấp, ngành phải tập trung vào giải phóng mặt bằng (GPMB), thúc đẩy sản xuất, và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công hoàn thành. Tuy nhiên, đầu tư công hiện có nhiều vướng mắc. Cụ thể như: tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công là một yêu cầu bức thiết, bởi vì GPMB nằm trong phần chuẩn bị đầu tư phải làm trước. Nếu gom toàn bộ việc GPMB vào trong dự án thì khi phê duyệt dự án xong mới GPMB.
“GPMB thường chỉ giao huyện làm, tỉnh không làm, qua huyện nào huyện đó làm, vậy tách ra để bố trí trước vốn để làm vì GPMB rất lâu, không chỉ 1,2 tháng, thậm chí mất nhiều năm, rất phức tạp, nhiều khiếu nại, mà không thể lúc nào cũng cưỡng chế. Đây là vướng mắc mà chúng tôi cho rằng phải tách ra để làm thì mới đúng. Mà Luật Đầu tư công hiện nay gói lại hết, cứ nói Luật Đầu tư công là tiên tiến… nhưng thực ra là dở, ở góc nhìn của tôi, tôi cho rằng có rất nhiều hạn chế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất cần điều chỉnh, hoàn thiện lại để đảm bảo vấn đề thúc đẩy phát triển: “Công trình muốn nhanh hay chậm, cốt ở GPMB, khi nhà thầu đấu thầu xong, GPMB rồi làm rất nhanh. Từ đó, cũng chống được lạm phát bởi vì khi có khối lượng rồi thì lên được phiếu giá và trả được tiền, thì lấy tiền đó mua vật liệu làm ngay. Như vậy, không bị lỗ, không bị áp lực lạm phát nhiều. Công trình bàn giao nhanh đưa vào sử dụng thì hiệu quả càng tốt. Như vậy, lạm phát không tác động nhiều, còn nếu công trình cứ kéo dài ra, năm này qua năm khác thì làm lỗ, doanh nghiệp lỗ thì sức sống của nền kinh tế giảm đi”.
Cần các giải pháp đột phá hơn để phục hồi mạnh mẽ, bắt nhịp tăng trưởng
Cũng thảo luận tại tổ sáng nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đánh giá, năm 2021, 5/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng không đạt mục tiêu, phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các chỉ tiêu không đạt có thể do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, so với khu vực và trên thế giới, nhiều quốc gia đã thoát khỏi cú sốc của COVID-19, tăng trưởng bứt phá như Trung Quốc, Singapore, Philippines… Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có chính sách mở cửa nhất quán để không bỏ lỡ cơ hội và cần các giải pháp đột phá hơn để phục hồi mạnh mẽ, bắt nhịp tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người không đạt, chưa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững như mong đợi, cho thấy mục tiêu 5 năm là 4.700 – 5.000 USD ngày càng khó khăn hơn. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 37,13%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44 – 47%; thấp hơn so với giai đoạn trước là 45,72%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%)…
“Đây là những chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả cho thấy tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, sự đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần kiểm soát tốt nguồn cung cho các hoạt động sản xuất – tiêu dùng để vừa giảm áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu và tháo gỡ những khó khăn về logistics.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá rất cao vai trò chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Mặc dù những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh vừa được kiềm chế, nhưng với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ, các chương trình về phục hồi kinh tế đã được giải ngân 1 phần đến các đối tượng hưởng thụ. Chính phủ điều hành trong từng lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Dự báo về bức tranh kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức không hề nhỏ.
“GDP mặc dù cao hơn những năm trước, nhưng chủ yếu là thu ngân sách từ bán dầu thô khi giá dầu tăng, thu từ bán tài nguyên, từ thuế thu nhập cá nhân… Trong khi để ổn định nền kinh tế, phải thu thuế từ các doanh nghiệp”, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ đồng thời cho rằng đây là 1 thách thức trong chỉ đạo điều hành làm sao để có thể kích thích tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, kích thích các nhà đầu tư vào Việt Nam, phục hồi nền kinh tế ở mức cao nhất, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp đã ngưng hoạt động sẽ phục hồi trở lại. Như vậy, mới đảm bảo được sức sống, giải quyết căn cơ vấn đề việc làm cho người lao động.
T.P