Hôm nay, 28/5, Trung Quốc bắt đầu tập trận tại Biển Đông. Mặc dù suốt tuần qua, truyền thông các nước phương Tây ra rả lên án tham vọng quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông và khắp khu vực Thái Bình Dương, nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai mọi điều.
Trong thời gian tổ chức tập trận, các loại tàu thuyền bị cấm ra vào, bất kể đó là khu vực thuộc lãnh hải của nước nào. Khu vực tập trận rộng khoảng 100 km2 sẽ bị phong tỏa đối với tàu thuyền trong thời gian ít nhất 5 giờ. Được biết ngư dân các nước Việt Nam, Philippines, Đài Loan… sẽ phải tránh “bão” tập trận, nếu không sẽ bị xua đuổi, thậm chí gây sức ép bằng vũ lực.
Các cuộc tập trận diễn ra trong khu vực gần đảo Hải Nam, ngoài ra còn nhiều cuộc tập trận khác dọc bờ biển phía đông Trung Quốc đại lục.
Điều khiến các nước Đông Nam Á lo ngại nhất là, cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Mỹ và phương Tây lên án mạnh mẽ. Các hoạt động này là minh chứng rõ rệt tham vọng trên biển của Trung Nam Hải. Việc hải quân Trung Quốc tập trận thường xuyên, cả ngày và đêm, với vũ khí, khí tài hiện đại là nỗ lực lớn nhằm thay đổi thế cân bằng trong khu vực.
Về việc Trung Quốc tìm cách “thay đổi thế cân bằng”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hôm 26/5, đã kêu gọi, cần nỗ lực để tạo ra đối trọng với âm mưu đó. Ông cũng cáo buộc Bắc Kinh liên tục gây căng thẳng với Đài Loan. “Bắc Kinh có giọng điệu và hành động gia tăng, như việc điều các máy bay của Quân đội đến gần Đài Loan hầu như mỗi ngày”.
Cùng với Mỹ, chính phủ các nước Úc và New Zealand cảnh báo về việc rò rỉ tài liệu đã lộ ra một kế hoạch hợp tác an ninh rộng hơn giữa Trung Quốc và các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Không thể tin vào những biện hộ của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc coi trọng hợp tác với các nước này để phát triển kinh tế, không nhằm tấn công hay làm ảnh hưởng tới bất cứ quốc gia nào.
Cụ thể thêm một bước, Úc kêu gọi các nước khu vực nam Thái Bình Dương từ chối những “thiện chí” của Trung Quốc, về thực chất họ chỉ muốn tăng cường ảnh hưởng về an ninh trong khu vực. Ngoại trưởng Úc, bà Penny Wong đang ở Fiji trong chuyến công du đầu tiên, sau khi Quần đảo Solomon bất ngờ ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc hồi tháng 4.
Bà Wong thẳng thắn: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại của mình một cách công khai về thỏa thuận an ninh. Cũng như các đảo quốc Thái Bình Dương khác, chúng tôi cho rằng sẽ có hậu quả nặng nề. An ninh trong khu vực phải được quyết định bởi khu vực”.
Trở lại cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc. Những động thái này cho thấy, một đặc tính mới của Hải quân nước này ở biển Đông. Cần kể tới các đặc tính đa chiều, với sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu phối hợp.
Điều này sẽ giúp cho quân đội Trung Quốc kiểm soát và bảo vệ hiệu quả các vùng biển, đảo và rạn san hô liên quan. Cũng nhờ thế mà sức mạnh và khả năng chiến đấu của họ sẽ tăng lên.
Hải quân Trung Quốc tăng cường tập trận phối hợp các quân, binh chủng cũng được xem là phản đòn Washington. Bởi thời gian qua, quân đội Mỹ thường xuyên gửi tàu chiến và máy bay chiến đấu đến biển Đông. Các cuộc tập trận quân sự và triển khai các loại khí tài quân sự quy mô lớn là cuộc đọ sức giữa hai siêu cường, nhưng đều được giải thích với những lí do đơn giản, như tuần tra bảo đảm hàng hải; nâng cao năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Theo các nhà bình luận, với cuộc tập trận quy mô lớn tháng 5 này, Trung Quốc đang nỗ lực dùng chủ nghĩa dân tộc tập hợp người dân trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh, vì ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine tác động lên nền kinh tế. Cuộc tập trận quy mô lớn bất thường cũng thể hiện rõ bản chất ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
Và cũng có thể đây là con bài nhằm khai thác thế suy yếu của Mỹ trong lúc Washington đang đau đầu vì rất nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ với Nga và phương Tây. Triệt để khai thác phép lợi thế từ các điểm nóng thế giới cũng là một kinh nghiệm được đúc rút trong lịch sử của Bắc Kinh. Nói một cách đơn giản là “đục nước béo cò”.
H.Đ