Liên minh châu Âu (EU) trong khi vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc cấm vận dầu mỏ đối với Nga, nay lại đang tranh cãi về việc có nên đàm phán hòa bình và thỏa thuận ngừng bắn với Nga hay không.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 25/5, EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 30 và 31/5 và văn bản dự thảo kết luận hội nghị thượng đỉnh Reuters có được ngày 19/5 cho thấy EU bày tỏ “kiên định giúp Ukraine thực hiện quyền tự vệ vốn có của mình trước sự ‘xâm lược’ của Nga”, văn bản dự thảo này không hề đề cập đến việc tiến hành đàm phán hòa bình với Nga.
Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa các đặc phái viên EU hôm thứ Sáu (20/5), Đại sứ Italy đã đề xuất tiến hành sửa chữa dự thảo văn bản kết luận, cho rằng cần tiến hành đàm phán hòa bình và ngừng bắn ngay lập tức là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU.
Bản tin của Reuters cho biết đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của Hungary và Cộng hòa Síp (Cyprus), vốn cũng nằm trong số các quốc gia phản đối vòng trừng phạt mới của EU đối với Nga. Vòng trừng phạt thứ sáu này của EU đối với Nga đã bị trì hoãn trong nhiều tuần do bất đồng nội bộ, trong đó Hungary phản đối nội dung của kế hoạch liên quan đến lệnh cấm vận dầu mỏ và Cộng hòa Síp bày tỏ lo ngại về các điều khoản cấm bán bất động sản cho công dân Nga.
Một bên là những tiếng nói kêu gọi đàm phán hòa bình; bên kia, vào ngày 24/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiếp tục có lập trường cứng rắn đối với Nga. Bà tuyên bố tại diễn đàn Davos: “Ukraine phải giành chiến thắng trong cuộc chiến này và ‘cuộc xâm lược’ của Putin phải là một thất bại chiến lược”.
Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao EU cho biết dự thảo kết luận sửa đổi sẽ được đệ trình sau cuộc họp giữa các đặc phái viên của EU vào ngày 25/5 theo giờ địa phương.
Mặc dù EU đã và đang tìm cách thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga, nhưng EU đã không thể thu hẹp sự rạn nứt ngày càng rõ rệt giữa các quốc gia thành viên về vấn đề Nga-Ukraine.
Reuters cho biết các nước Baltic và Ba Lan là những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đường lối cứng rắn chống lại Nga, trong khi Latvia cũng kêu gọi có những ngôn từ rõ ràng hơn để tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trong khi đó Italy và Hungary lại thúc giục đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, làm gia tăng sự chia rẽ của EU trong vấn đề Ukraine.
Vào đầu tháng này, Liên minh châu Âu đã đề xuất vòng trừng phạt thứ sáu chống lại Nga, với vấn đề cốt lõi của kế hoạch là cắt nguồn cung dầu của Nga vào cuối năm 2022. Nhưng trong tháng qua, các nước EU đã không thể đạt được đồng thuận về việc cấm vận dầu mỏ với Nga.
Hungary phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga và Thủ tướng Viktor Orban đã nói rõ rằng Hungary không thể đồng ý với gói trừng phạt do EU đề xuất cho đến khi mọi vấn đề được giải quyết. Ông cho rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, không nên được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU vào tuần tới. Ông Orban nói: “Tôi tin rằng, trong tình hình không đạt được sự đồng thuận, việc thảo luận phương án trừng phạt trong giới lãnh đạo sẽ sinh ra phản tác dụng”.
Bà Ursula von der Leyen ngày 24/5 cũng thừa nhận bà cho rằng sẽ phải mất vài tuần để tất cả các bên đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và bà không muốn thế giới bên ngoài đặt kỳ vọng quá cao vào việc giải quyết vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt EU. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông “có sự tin tưởng” rằng có thể đạt được đồng thuận trước hội nghị thượng đỉnh.
Gần đây, Italy đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine. Tờ The Wall Street Journal ngày 20/5 đưa tin, Italy đã đệ trình kế hoạch hòa bình 4 điểm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Trích dẫn nội dung do truyền thông Italy tiết lộ, bài báo của Reuters chỉ ra rằng điểm đầu tiên của kế hoạch hòa bình là ngừng bắn và phi quân sự hóa chiến tuyến; thứ hai là Ukraine trở thành một quốc gia trung lập; thứ ba là việc ký kết một thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine, làm rõ các khu vực Crimea và Donbass có “quyền tự trị gần như hoàn toàn” bao gồm cả quốc phòng, nhưng vẫn là một phần của Ukraine; thứ tư, EU và Nga ký hiệp định hòa bình đa phương, Nga từng bước rút quân khỏi Ukraine, còn phương Tây dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, đối với kế hoạch hòa bình của Italy, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/5 cho biết Nga chưa nhìn thấy văn bản kế hoạch liên quan và hy vọng sẽ nhận được bản kế hoạch này thông qua kênh ngoại giao.
Bà Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, gọi kế hoạch hòa bình của Italy là một “điều viển vông”. Bà nói: “Họ không thể tay này cung cấp vũ khí cho Ukraine còn tay kia đưa ra kế hoạch hòa bình để giải quyết tình thế”.
Mặt khác, cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich trong tuần này cũng lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích “một số nước châu Âu rõ ràng muốn Ukraine nhượng bộ Putin”. Ông nói: “Không ai được mang dù một gam chủ quyền hay một milimet lãnh thổ của chúng tôi ra làm thứ để giao dịch”.
T.P